1. Trung Quốc có quân đội lớn nhất thế giới
Nhận định trên chỉ đúng theo một số cách tính toán nhất định. Theo số liệu thống kê chính thức được Bắc Kinh công bố, quân đội Trung Quốc có khoảng 2,3 triệu quân nhân tại ngũ. Con số này cao hơn rất nhiều nhiều so với 1,4 triệu quân nhân đang làm nhiệm vụ trong quân đội Mỹ.
Mặc dù vậy, số liệu thống kê của Trung Quốc bao gồm cả những nhân viên dân sự mặc quân phục và phần lớn làm những nhiệm vụ không liên quan tới chiến đấu, nhưng vẫn được coi là quân nhân tại ngũ. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ có khoảng 750.000 nhân viên dân sự không mặc quân phục và không được coi là quân nhân.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết quân đội nước này có khoảng 510.000 quân nhân dự bị, trong khi số quân nhân dự bị của quân đội Mỹ lên tới hơn 1,1 triệu người. Do vậy, nếu so sánh tổng số quân tại ngũ, dự bị và nhân viên dân sự, quân đội Mỹ có 3,25 triệu nhân viên, so với 2,81 triệu nhân viên của quân đội Trung Quốc.
Trong năm 2006, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu gộp khoảng 20.000 nhà thầu quân sự vào vai trò giống với nhân viên dân sự mặc quân phục. Tuy nhiên, số lượng nhà thầu của quân đội Trung Quốc kém xa so với Mỹ. Vào tháng 6/2013, Lầu Năm Góc đã thông báo với Quốc hội rằng “có khoảng 700.000 nhà thầu quân sự làm việc thông qua Bộ Quốc phòng Mỹ".
Ngoài quân đội, Lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng bao gồm 660.000 đến 1 triệu cảnh sát vũ trang và khoảng 8 triệu dân quân (trên giấy tờ). Với số lượng dân quân này, có lẽ cần khoảng vài trăm nghìn công chức cấp cơ sở chỉ huy các đơn vị dân quân và làm nhiệm vụ tuyển quân cũng như giải quyết chính sách giải ngũ cho quân đội Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ không có lực lượng dân quân.
Theo một nghiên cứu của tổ chức Project On Government Oversight, chi phí dành cho nhân sự làm việc trong Bộ Quốc phòng Mỹ (bao gồm các nhà thầu) trong năm 2010 là 476 tỷ USD, trong khi tổng ngân sách quốc phòng Trung Quốc trong năm 2010 là 78 tỷ USD.
2. Ngân sách quốc phòng thực tế của Trung Quốc lớn gấp ít nhất 2 lần so với công bố chính thức
Quy mô ngân sách quốc phòng Trung Quốc là nguyên tắc cơ bản mà chương trình hiện đại hóa quân sự phụ thuộc vào, nhưng nó cũng phải phù hợp với sự phát triển kinh tế của quốc gia. Trong vài năm vừa qua, mức tăng hàng năm của ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng được cho là để phù hợp với mức lạm phát tăng. Năm 2013, ngân sách quốc phòng Trung Quốc được công bố chính thức là gần 120 tỷ USD.
Nhiều nhà phân tích đã áp dụng một số phép tính đối với ngân sách được công bố để xác định mức chi tiêu quốc phòng “thực sự” của Trung Quốc. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc những khoản chi nào nên được tính vào tổng chi tiêu quốc phòng. Chẳng hạn, chi tiêu của cảnh sát vũ trang Trung Quốc có nên được tính vào cho tiêu quốc phòng hay là một phần của ngân sách của ngành công an?
Các nguồn tin của Trung Quốc tiết lộ một chuỗi các nguồn ngân sách chi thêm dành cho quân đội từ chính phủ Bắc Kinh (ví dụ ngân sách dành cho mua vũ khí nước ngoài), chính quyền địa phương (như phát triển cơ sở hạ tầng) và chính từ quân đội (như giá trị thực phẩm tự sản xuất, thu nhập từ hoạt động cho thuê hay bán đất không sử dụng). Lượng kinh phí này dao động từ năm này sang năm khác, nhưng các số liệu chính thức không tính những khoản này vào ngân sách quốc phòng.
Với những dữ liệu công khai hiện nay, chúng ta không thể biết mức chi tiêu quốc phòng thực sự của Trung Quốc. Bất cứ ước tính nào về quy mô chi tiêu quốc phòng thực sự cần phải xác định chính xác những hạng mục bao gồm. Người đọc không nên nhầm tưởng rằng những số liệu cao hơn là số liệu chính xác nhất.
3. Quân đội Trung Quốc đang hiện đại hóa với tốc độ “chóng mặt”
Nhận định này có lẽ đúng, nếu 70 năm được coi là “nhanh”. Chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc bắt đầu từ cuối những năm 1970. Trong thập kỷ đầu tiên, quân đội Trung Quốc chủ yếu tập trung giảm nhân sự và thay đổi cơ cấu lực lượng phù hợp với ngân sách quốc phòng dao động dưới 10 tỷ USD/năm. Vào cuối những năm 1990, chương trình hiện đại hóa tập trung vào tài chính và chuyên môn hóa.
Trong năm 2006, chính phủ Bắc Kinh đã thông báo thời hạn hoàn thành chương trình hiện đại hóa kéo dài tới “giữa thế kỷ” (năm 2049) với các dấu mốc quan trọng vào năm 2010 và 2020. Lý do chính cho thời hạn là quy mô của quân đội Trung Quốc. Mặc dù đã giảm 700.000 nhân sự từ năm 1997, nhưng lực lượng quân đội Trung Quốc hiện tại vẫn quá cồng kềnh để nhanh chóng thay thế những thiết bị quân sự đã cũ bằng thiết bị mới. Phần lớn các đơn vị quân đội vẫn phải sử dụng kết hợp thiết bị hiện đại và lạc hậu với tỷ lệ thiết bị mới được tăng theo hàng năm.
Các nhà lãnh đạo cao cấp của quân đội Trung Quốc hiểu rằng bản thân kinh phí và thiết bị không thể hiện đại hóa hoàn toàn quân đội. Thay vào đó, họ phải tập trung nâng cao trình độ công nghệ, huấn luyện và giáo dục của các quân nhân và xác định rằng việc xây dựng những yếu tố con người này sẽ mất nhiều thập kỷ.
4. Trung Quốc muốn theo mô hình quân đội Mỹ
Để đảm bảo khả năng cạnh tranh, Trung Quốc đã nghiên cứu rất kỹ quân đội Mỹ và các nước khác. Mặc dù vậy, Bắc Kinh kết luận rằng do đặc thù riêng, quân đội nước này sẽ được xây dựng khác so với quân đội của những người khác.
Ví dụ, quân đội Trung Quốc có một cấu trúc chỉ huy kép, trong đó quân ủy chia sẻ trách nhiệm với tư lệnh ở tất cả các cấp. Các Tư lệnh quân khu chịu trách nhiệm bảo vệ đất liền và lãnh hải của Trung Quốc. Ngoài các khối liên minh toàn cầu, quân đội Trung Quốc không có các Tư lệnh tác chiến như quân đội Mỹ.
Quân đội Trung Quốc cũng không cho rằng trình độ phát triển của họ ngang ngửa với khả năng và kinh nghiệm mà quân đội Mỹ có được từ các cuộc chiến tranh hiện đại trong nhiều thập kỷ qua. Các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc thường phàn nàn những yếu kém về chất lượng quân, huấn luyện, hậu cần, cấu trúc chỉ huy và khả năng tác chiến chung.
5. Các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc không minh bạch
Từ năm 1998, chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt Sách trắng về quốc phòng và chính sách ngoại giao khác. Mỗi cuốn sách bao gồm các tuyên bố về mục tiêu chiến lược dài hạn.
Các nhà phân tích nước ngoài thường đánh giá những tuyên bố trong Sách trắng là “lặp lại”, nhưng chúng cần được nhìn nhận kỹ càng hơn. Khái niệm quan trọng nhất chưa được nhìn nhận chính xác có thể là chính sách răn đe đa chiều mà Trung Quốc coi là là một phần trong chiến lược phòng thủ của nước này.
Dennis J Blasko kết luận Trung Quốc nên làm rõ hơn chi tiết mức độ hoạt động và dữ liệu ngân sách. Các nhà phân tích nước ngoài cần xem xét tất cả các thông tin có được khi họ so sánh các hành động và khả năng quân sự của Trung Quốc với các mục tiêu chiến lược được tuyên bố chính thức.