Quân đội Trung Quốc không coi Mỹ là đối thủ

Bảo An |

(Soha.vn) - Một bài viết trên tạp chí The Diplomat cho rằng Trung Quốc không mảy may bận tâm đến việc quân đội nước này tụt hậu 30 năm so với Mỹ.

Một bài báo trên tờ Want China Times đã trích dẫn phân tích của chuyên gia quân sự Mỹ về sức mạnh hiện tại và tương lai của quân đội Trung Quốc. Bài báo viết: “Trong khi quân đội Trung Quốc đang tiếp tục nắm giữ nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến, họ vẫn cần ít nhất 30 năm nữa để có thể cạnh tranh với Mỹ và xây dựng lực lượng quân đội mạnh nhất thế giới...”

Tuy nhiên, theo Harry Kazianis, cựu tổng biên tập của tạp chí The Diplomat của Nhật Bản, việc quân đội Trung Quốc thua kém Mỹ 30 năm không làm nước này lo lắng.

Theo Kazianis, quân đội hiện đại được xây dựng với một số mục tiêu đã được định sẵn. Mục tiêu của Bắc Kinh rõ ràng là đối phó với thách thức tiềm năng đến từ Mỹ và theo phần lớn các chuyên gia, lực lượng vũ trang nước này được xây dựng để giành chiến thắng trong "những cuộc chiến cục bộ trong điều kiện thông tin hóa".

Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Diplomat

Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Diplomat

Xem xét một số lĩnh vực hoạt động của quân đội Trung Quốc, có thể thấy không phải tất cả đều mặc định rằng chỉ có Mỹ là đối thủ chính. Chẳng hạn như lực lượng bộ binh. Theo Dennis Blasko, một trong những nhà phân tích nổi tiếng nhất trên thế giới về các lực lượng vũ trang trên bộ của Trung Quốc, cho rằng trong tình hình hiện nay, Bắc Kinh thực sự không cần phát triển lực lượng chiến đấu trên bộ.

Tình hình ở khu vực Trung Á có vẻ khá có lợi cho Bắc Kinh, có thể nói là không có chút áp lực nào. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc khá thân thiết và không có nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai cường quốc này. Việc không phải lo lắng đe dọa từ phía Nga giúp Bắc Kinh tập trung nguồn lực cho các lực lượng khác trong quân đội.

Bên cạnh duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình thông qua Liên Hợp Quốc, Trung Quốc dường như không có ý định triển khai lực lượng bộ binh ở nước ngoài trong thời gian sớm và rõ ràng là lực lượng này không nhằm đối phó quân đội Mỹ. Đó sẽ là một sự lãng phí nếu đầu tư một khoản tiền lớn cho lực lượng bộ binh khi không có đối thủ khiến Trung Quốc phải sử dụng tới lực lượng này trong thời gian ngắn hạn. Bắc Kinh đang hiện đại hóa bộ binh, nhưng chậm hơn so với những lực lượng khác đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.

Trung Quốc hiện tại đang tập trung thời gian và nguồn lực vào các lực lượng tại vùng biển xa bờ. Nếu một cuộc xung đột xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ đánh bại đối thủ một cách nhanh chóng và tương đối dễ dàng. Philippines có rất ít phương tiện và thiết bị chiến đấu trên biển. Các tàu chiến tốt nhất của Manila là các tàu tuần tra bờ biển cũ của Mỹ, rất khó đủ sức đối đầu với tàu khu trục hiện đại và tên lửa phóng từ đất liền của Trung Quốc.

Trong khi đó, tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có tính chất hoàn toàn khác vì Hải quân Nhật Bản được đánh giá là một trong những lực lượng mạnh nhất ở châu Á. Hiện tại, Hải quân Nhật Bản và Trung Quốc ngang ngửa nhau về mặt kỹ năng, huấn luyện và mức độ tinh nhuệ.

Mặc dù vậy, với số lượng và độ chính xác ngày càng tăng của lực lượng tên lửa hiện tại và tên lửa đạn đạo chống hạm mới của Bắc Kinh, không có gì có thể đảm bảo kết quả xung đột một khi nó nổ ra. Ngoài ra, việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, tập trung phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và tăng tốc biên chế tàu chiến khiến Nhật Bản khó duy trì được những lợi thế.

Từ những lý do này, có thể hiểu được tại sao giới nghiên cứu lại cố gắng so sánh trực tiếp lực lượng quân sự của Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng là: Bắc Kinh không bận tâm tới việc này.

Các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không có kế hoạch cố gắng theo đuổi việc cạnh tranh sát nút với Mỹ: tàu chiến - tàu chiến, tàu sân bay - tàu sân bay. Ít nhất thì cho tới thời điểm hiện tại, quân đội Trung Quốc đang tập trung chủ yếu vào khu vực quanh chuỗi đảo thứ nhất, trong khi các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Mỹ đang tập trung vào xây dựng sức mạnh toàn cầu - hai sứ mệnh rất khác nhau.

Đây là lý do giải thích tại sao Bắc Kinh coi trọng chiến lược chống tiếp cận A2/AD. Mục đích của Trung Quốc là gây khó khăn cho Mỹ trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột. Tại sao phải phát triển các đội tàu sân bay với chi phí đóng hàng tỷ USD và tốn hàng tỷ USD để duy trì? Sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu Trung Quốc có thể sử dụng một lượng lớn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cùng với tàu ngầm hiện đại, ngư lôi và các phương tiện ít tốn kém hơn để ngăn quân đội Mỹ xâm nhập vào khu trực tranh chấp hay gây thiệt hại lớn cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự so sánh giữa quân đội các nước hoàn toàn không dễ dàng như những bài phân tích trên giấy. Phép thử chính xác nhất đối với quân đội của một quốc gia rất đơn giản: có thể đạt được mục tiêu trong và ngoài nước mà lãnh đạo nước đó đề ra hay không? Đó là câu hỏi dành cho quân đội Trung Quốc hiện tại và tương lai.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại