Sinh sau đẻ muộn, tàu ngầm lớp Lada có cơ hội thừa hưởng những ưu điểm nổi trội của người tiền nhiệm là tàu ngầm lớp Kilo, vốn đã nổi tiếng với biệt danh “hố đen của đại dương” nhờ khả năng chạy êm. Nhưng cũng chính vì kỳ vọng quá lớn, đưa tỉ lệ áp dụng công nghệ cao lên tới 60%, vượt qua tỉ lệ 4:6 bảo đảm ổn định công nghệ của tàu ngầm (4 phần là công nghệ mới, 6 phần là công nghệ cũ), nên ngay từ khi hạ thủy, chiếc tàu ngầm lớp Lada đầu tiên mang tên thành phố St. Petersburg đã bộc lộ nhiều vấn đề. Vì vậy, người ta đã phải điều chỉnh thiết kế của nó và xuất hiện thông tin nói rằng Tư lệnh Hải quân Nga đã tẩy chay loại tàu ngầm thế hệ 4 vốn gặp trắc trở từ khi thai nghén này.
Hướng đi ra thị trường quốc tế của tàu ngầm lớp Lada cũng khá gập ghềnh. Xuất phát từ nhân tố chiến lược địa duyên, ban đầu, phía Nga không có ý định bán tàu ngầm lớp Lada cho Trung Quốc. Khách hàng đầu tiên mà phía Nga kỳ vọng là Ấn Độ, nhưng Ấn Độ lại không có hứng thú vì tàu ngầm lớp Lada chỉ là tàu ngầm cỡ nhỏ và vừa, không có năng lực hoạt động đường dài, không đáp ứng được yêu cầu chiến lược của Ấn Độ.
Giá tàu ngầm lớp Lada cao cũng là nhân tố quan trọng khiến Ấn Độ lùi bước. Vào năm 1997, tàu ngầm lớp Lada có giá hơn 300 triệu USD. Giờ đây, tính thêm yếu tố lạm phát và giá vật liệu gia tăng, giá của tàu ngầm lớp Lada chí ít đã tăng gấp đôi, lên trên 700 triệu USD. Vậy tại sao Trung Quốc lại mua tàu ngầm lớp Lada?
Xét về quân sự, Trung Quốc nhập khẩu tàu ngầm lớp Lada là nhằm đa nguyên hóa đội tàu ngầm của mình và tăng thêm biện pháp tấn công. Rõ ràng, việc Trung Quốc sở hữu tàu ngầm lớp Lada còn khiến đối thủ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đối phó. Đó là chưa nói đến việc Trung Quốc sử dụng tàu ngầm hạt nhân, tàu ngầm lớp Nguyên, tàu ngầm lớp Tống và tàu ngầm lớp Lada, tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo để bố phòng kiểu tầng lớp và ra đòn tấn công đa nguyên hóa, khó khăn tạo ra cho đối thủ là rất lớn.
Ở khía cạnh tính năng, tàu ngầm lớp Lada chỉ có thể lặn sâu ở điều kiện công tác là 240 m và tối đa là 300 m, cho nên, vùng biển thích hợp cho nó là biển Hoa Đông. Theo tạp chí “The Mirror” của Hong Kong, là một vệ sĩ dưới nước ở biển Hoa Đông, tàu ngầm lớp Lada sẽ đảm trách ba nhiệm vụ tác chiến lớn.
Một là bảo vệ căn cứ tàu sân bay của Trung Quốc và bảo vệ tàu sân bay của Trung Quốc ra vào cảng thực thi nhiệm vụ. Hai là hiệp đồng với tàu hộ vệ tàng hình trang bị tên lửa lớp 056 bảo vệ các thương cảng và các quân cảng quan trọng ở vùng duyên hải miền đông của Trung Quốc. Ba là, khi cần thiết thực hiện nhiệm vụ tác chiến ở vùng biển xung quanh đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku).
Trong lĩnh vực kinh tế, việc nhập khẩu tàu ngầm lớp Lada là nhằm tránh đẩy ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc rơi vào tình trạng dư thừa sản xuất, từ đó kéo sập nền kinh tế nước này. Lỗ hổng về trang thiết bị quân sự hiện đại của Trung Quốc rất nhiều, cho dù trong tay có tiền và nắm vững công nghệ thì Trung Quốc cũng không sản xuất kịp để cung cấp cho quân đội sử dụng.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc bỏ tiền xây dựng một lượng lớn nhà máy công xưởng quân sự, sau khi nhu cầu trang thiết bị của quân đội bão hòa, các nhà máy công xưởng này sẽ phải đối mặt tới vấn đề dư thừa năng lực sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Liên Xô cũ sụp đổ. Do vậy, việc biến phía Nga thành công xưởng sản xuất trang thiết bị vũ khí của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc nắm trong tay các công nghệ then chốt, được coi là một lựa chọn thông minh.
Ngoài ra, tàu ngầm thông thường sớm muộn cũng sẽ bị đào thải và thế giới ngầm dưới mặt biển sẽ thuộc về tàu ngầm hạt nhân. Do vậy, việc nhập khẩu tàu ngầm lớp Lada còn giúp Trung Quốc không cần phải bỏ ra khoản tiền lớn để phát triển ngành công nghiệp đang ở thời kỳ “hoàng hôn”.
Và cũng giống như máy bay Su-35, tuy Trung Quốc mua vũ khí của Nga, nhưng kèm thêm điều kiện là phải lắp đặt một số trang thiết bị do Trung Quốc sản xuất. Nhờ vậy, cánh cửa hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc càng mở rộng.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!