Sức mạnh “Chim sẻ biển” RIM-7 Sea Sparrow của NATO

Anh Dũng |

(Soha.vn) - RIM-7 Sea Sparrow hiện là một trong những tổ hợp phòng không hạm tàu phổ biến nhất của các nước thành viên NATO.

Tổ hợp tên lửa RIM-7 Sea Sparrow (Chim sẻ biển) được chiến hạm sử dụng để chống lại các đòn tấn công đường không của đối phương ở cự ly gần, đây là kết quả của chương trình BPDMS (Basic Point Defence Missile System) triển khai thực hiện từ năm 1964 trên cơ sở tên lửa không đối không Sparrow-III AIM-7F. Việc thử nghiệm phương án cơ sở của tổ hợp với hệ thống điều khiển Mk-115 và radar chiếu xạ mục tiêu Mk-51 tiến hành từ tháng 2/1967. Trong giai đoạn 1971 - 1975, tổ hợp đã được lắp đặt trên 31 chiến hạm của Hải quân Mỹ.

Hệ thống điều khiển Mk-115 với radar Mk-51

Hệ thống điều khiển Mk-115 với radar Mk-51

Năm 1968, Đan Mạch, Italia và Na Uy đã ký thỏa thuận với Hải quân Mỹ về việc cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không Sea Sparrow trong khuôn khổ hoạt động hợp tác quốc tế NSPO (NATO SeaSparrow Project Office). NSPO bao gồm chương trình IBPDMS (Improved Basic Point Defense Missile System) với mục đích chế tạo phương tiện phòng không đa năng có nhiệm vụ bảo vệ tàu chiến mặt nước của các quốc gia NATO.

Tổ hợp mới có tên gọi NSSMS Block I (NATO Sea Sparrow Missile System) được thử nghiệm thành công và bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 1973. Sau nhiều năm phục vụ, hệ thống trải qua nhiều lần hiện đại hóa và hiện nay đã đưa vào trang bị cho hải quân nhiều quốc gia trên thế giới. Tổ hợp tên lửa phòng không Albatros do Công ty Alenia Marconi Systems (Italia) sản xuất, lắp đặt trên các chiến hạm của Italia, Ma-rốc và Ai Cập là phiên bản cải tiến của NSSMS Sea Sparrow.

Công tác chuẩn bị phóng tên lửa RIM-7 của tổ hợp Sea Sparrow

Tổ hợp Sea Sparrow biến thể đầu tiên gồm tên lửa có điều khiển AIM-7F, hệ thống điều khiển Mk-115, radar chiếu xạ mục tiêu Mk-51, bệ phóng Mk-25 với 8 tên lửa phòng không (bệ phóng cải tiến của tổ hợp tên lửa phòng không chống tàu ASROC) và hầm chứa đạn.

AIM-7F là tên lửa một tầng với động cơ hành trình nhiên liệu rắn Rocketdyne Mk-38 Mod 2, được trang bị đầu tự dẫn radar thụ động. Tổ hợp làm việc theo các bước: Sau khi phát hiện mục tiêu dữ liệu từ trạm thông tin tác chiến được chuyển đến hệ thống điều khiển Mk-115. Radar Mk-51 dải tần X trong thành phần của hệ thống điều khiển Mk-115 sẽ bảo đảm chiếu xạ mục tiêu.

Trạm anten radar được bố trí trên bệ xoay với sự hỗ trợ của hệ thống dẫn động liên kết với bộ phận cơ động của bệ phóng. Kinh nghiệm khai thác phương án cơ sở của tổ hợp tên lửa phòng không đã phát hiện ra hàng loạt các sai sót “chết người” của hệ thống, trước hết liên quan đến năng lượng yếu của động cơ hành trình tên lửa AIM-7F, kích thước bề ngang tên lửa lớn vì không thể gấp cánh, mức độ tự động hóa tác chiến thấp và khả năng làm việc của hệ thống điều khiển Mk-115 vào ban đêm trong điều kiện thời tiết xấu không hiệu quả.

Phóng tên lửa RIM-7P từ chiến hạm USS Abraham Lincoln

Phóng tên lửa RIM-7P từ chiến hạm USS Abraham Lincoln

Khắc phục thiếu sót, tổ hợp tên lửa phòng không NSSMS Block I (NATO Sea Sparrow) được trang bị tên lửa mới RIM-7H với cánh gấp, bệ phóng cải tiến Mk-29, radar chiếu xạ mục tiêu mới SPS-65 và hệ thống điều khiển tự động Mk-91.

Tên lửa RIM-7H chế tạo trên cơ sở tên lửa không đối không AIM-7E2 được trang bị đầu tự dẫn cải tiến và động cơ mới Aerojet Мk-52 Mod 2 (trọng lượng động cơ 68,5 kg, thời gian làm việc 2,8 giây). Hệ thống điều khiển Mk-91 dẫn đường cho tên lửa RIM-7H sử dụng với các biến thể Mod.0 và Mod.1. Hiện nay, RIM-7H đã bị loại khỏi biên chế.

Năm 1972, Công ty Raytheon bắt đầu sản xuất phiên bản mới của tên lửa AIM-7F. Hệ thống điều khiển trên khoang tên lửa mới được chế tạo dựa vào cơ sở điện tử chất rắn. Việc cắt giảm trọng lượng và kích thước của hệ thống điều khiển cho phép di chuyển đầu đạn sang phần mũi tên lửa, tăng trọng lượng đầu đạn và sử dụng động cơ hành trình có nguồn năng lượng lớn hơn. Tên lửa mới tích hợp với tổ hợp tên lửa phòng không trên tàu NATO Sea Sparrow, được sản xuất với tên gọi RIM-7F.

Năm 1983, tổ hợp NSSMS được trang bị phương tiện tiêu diệt mới - tên lửa RIM-7M với đầu tự dẫn đơn xung mới có khả năng chống nhiễu, cho phép tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tầm thấp; bộ lái tự động bảo đảm bay cho tên lửa vào điểm ngắm bắn khi tiêu diệt mục tiêu; hệ thống điều khiển kỹ thuật số hoàn toàn. RIM-7M được trang bị động cơ Hercules Mk-58.

Từ năm 1991, nhà sản xuất bắt đầu cung cấp tên lửa RIM-7P trong thành phần của NSSMS. RIM-7P do các Tập đoàn các công ty Raytheon, General Dynamics và Hughes Missile Systems bắt đầu sản xuất từ năm 1987, được trang bị đầu tự dẫn radar bán chủ động xung doppler cho phép tấn công mục tiêu từ phía trên. Với việc đưa vào trang bị RIM-7P, tổ hợp NATO Sea Sparrow đã có khả năng tấn công các mục tiêu mặt nước.

Sea Sparrow là một trong những tổ hợp phòng không phổ biến nhất của khối NATO

Phiên bản mới nhất của dòng tên lửa RIM-7 là RIM-7R (1997) được trang bị kênh quan sát nhiệt bổ sung. Tổ hợp các kênh tự dẫn hướng cho phép nâng cao đáng kể khả năng chống nhiễu của tên lửa, tuy nhiên do giá thành cao nên chương trình sản xuất RIM-7R bị đóng cửa.

Hiện nay, để thay tên lửa RIM-7 trong thành phần của tổ hợp phòng không Sea Sparrow nhà sản xuất cung cấp phiên bản tên lửa mới RIM-162 ESSM (Evolved Seasparrow Missiles). Việc chế tạo RIM-162 ESSM do Tập đoàn quốc tế đứng đầu là Công ty Raytheon thực hiện vào năm 1995. Trong thành phần của Tập đoàn quốc tế có các công ty của Australia, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Hà Lan, Italia, Na Uy, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Tên lửa mới có thể được phóng từ các bệ phóng xoay và thẳng đứng của tổ hợp Sea Sparrow.

Tổ hợp phòng không RIM-7 Sea Sparrow

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại