Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của Lầu Năm Góc cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã phê duyệt kế hoạch trên với hy vọng F-35 sẽ nhận được sự quan tâm của các khách hàng tiềm năng, trong đó có Canada và Đan Mạch là hai quốc gia tham gia tài trợ cho dự án tốn kém nhất trong lịch sử này nhưng chưa cam kết đặt mua. F-35 do nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin Corp chế tạo.
Máy bay chiến đấu F-35
Hai triển lãm sẽ được đón F-35 gồm Triển lãm hàng không quốc tế Hoàng gia Anh (RIAT), được tổ chức thường niên ở ngoại ô thủ đô London, và Triển lãm Farborough, cũng thuộc Anh.
F-35 là loại máy bay chiến đấu đa năng, có thể thực hiện các cuộc tấn công trên đất liền, trên biển và nhiệm vụ do thám. F-35 có 3 phiên bản khác nhau gồm phiên bản cất hạ cánh thông thường F-35A; phiên bản cất hạ cánh thẳng đứng F-35B và phiên bản triển khai trên tàu sân bay F-35C. Tất cả các phiên bản F-35 đều được trang bị công nghệ tàng hình siêu việt, có khả năng tránh radar, đạt tốc độ siêu âm và gắn camera giúp phi công có thể quan sát 3600 từ buồng lái xuống mặt đất. F-35 thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 15/12/2006.
Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ khi đa tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời, nhưng tới nay dự án đã bị chậm 7 năm so với kế hoạch do chi phí quá lớn. Ước tính, chi phí phụ trội để sản xuất F-35 đã tăng hơn hai lần so với dự toán ban đầu. Báo cáo ngày 21/8/2013 của Phòng kiểm toán chính phủ cho biết chi phí đầu tư cho sản xuất F-35 đã lên tới gần 400 tỷ USD và mỗi năm sẽ còn "đội" thêm khoảng 12,7 tỷ USD nữa. Các nước tham gia tài trợ dự án này gồm có Anh, Italia, Australia, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Quân đội Mỹ có kế hoạch đặt mua tổng cộng 2.443 chiếc F-35 các loại với tổng kinh phí khoảng 167 tỷ USD để trang bị cho không quân, thủy quân lục chiến và hải quân. Việc chuyển giao các máy bay này cho quân đội Mỹ dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2037. Nhật Bản, Israel, Singapore và Hàn Quốc cũng đã đặt hàng mua thế hệ máy bay chiến đấu đa năng này.