Chương trình F-35 là một dự án vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Những chiếc tiêm kích đa năng này được xem là một điều kỳ diệu về công nghệ và sẽ thống trị bầu trời trong tương lai. Nhưng nó đã liên tiếp gặp trở ngại, bị chậm tiến độ so với kế hoạch 7 năm và vượt ngân sách 167 tỷ USD.
Trong khi Lầu Năm Góc chuẩn bị công bố ngân sách đề xuất cho năm 2015, sự tồn tại của chương trình F-35 không cần phải nghi ngờ nhưng vẫn chưa rõ cuối cùng có bao nhiêu chiếc máy bay sẽ được sản xuất và bao nhiêu đối tác nước ngoài sẽ sẵn sàng mua nó.
Sau hơn một thập kỷ tiến hành, giới chức quân sự Mỹ nhấn mạnh rằng giờ đây không thể hoãn chương trình này được nữa vì nó được hy vọng trở thành xương sống của các phi đội máy bay chiến đấu của Mỹ trong tương lai.
Không quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đã không đầu tư vào một chương trình thay thế nào khác mà đặt cược vào F-35. Về mặt lý thuyết, Hải quân có thể không tham gia vào chương trình này nếu họ muốn và lựa chọn mua thêm máy bay chiến đấu F-18, nhưng thực tế, lực lượng này cũng phải chịu sức ép để tiếp tục theo đuổi chương trình.
Gordon Adams, một giáo sư tại Đại học Mỹ và cựu quan chức Nhà Trắng cho rằng dự án F-35 đã trở thành "quá lớn đến nỗi không thể thất bại".
F-35 được hưởng sự ủng hộ rộng rãi trong Quốc hội khi nhà thầu Lockheed Martin đã tạo công ăn việc làm từ việc chế tạo máy bay này trên khắp 45 bang của Mỹ. Các đồng minh của Washington cũng đã cam kết mua loại máy bay này Mỹ cũng đã hứa sẽ bàn giao máy bay có khả năng thay đổi cuộc chơi.
Được cho là loại máy bay có kích cỡ phù hợp cho mọi đối tượng và các đồng minh của Mỹ cũng được mời tham gia dự án, ban đầu, chương trình ban đầu đã được cho là rất tiết kiệm. Tuy nhiên, chí phí tới thời điểm này đã tăng vọt lên đến 68% so với dự tính ban đầu. Lầu Năm Góc hiện dự kiến tiêu 391,2 tỷ USD cho 2.443 máy bay. Như vậy, mỗi chiếc máy bay F-35 có giá “đáng kinh ngạc”: 160 triệu USD. Theo Văn phòng Kế toán Chính phủ Mỹ, nếu tính cả chi phí bay và bảo dưỡng trọn đời, chương trình có thể vượt qua 1.000 tỷ USD.
F-35 được “quảng cáo” là máy bay tấn công tàng hình ưu việt với một thiết kế đặc biệt cho phép nó tránh bị radar phát hiện. Tư lệnh Không quân, Tướng Mark Welsh phát biểu trên kênh truyền hình CBS rằng khi F-35 đối đầu với một “kẻ thù” ở trên không, các máy bay của đối phương "sẽ bị tiêu diệt trước khi phát hiện ra rằng F-35 cũng tham gia cuộc chiến".
Có thể bay với tốc độ siêu thanh và trang bị phần mềm hiện đại, F-35 giống như một chiếc “máy tính bay”. Mũ bảo hiểm của F-35 được kết nối với 6 camera gắn trên khắp máy bay cho phép phi công có thể quan sát thế giới bên ngoài thay vì phải nhìn màn hình hiển thị bên trong.
Máy bay sẽ không thể được biên chế trước khi năm 2016, 10 năm sau khi chuyến bay thử nghiệm đầu tiên được thực hiện. Nguyên nhân chính của sự chậm trễ là do quyết định chế tạo máy bay trước khi các cuộc thử nghiệm đã hoàn tất. Kết quả là, lỗi và những sai sót kỹ thuật khác buộc phải tiến hành sửa chữa và thiết kế lại, dẫn đến làm chậm quá trình sản xuất.
Mới đây, Văn phòng chương trình cũng đã thừa nhận với AFP rằng chiếc F- 35B, phiên bản thiết kế cho Thủy quân lục chiến, đã bị các vết nứt trong buồng lái khi thử nghiệm các bài kiểm tra áp suất. Kết quả là, các bài kiểm tra về độ bền đã phải tạm dừng để khắc phục.
Giống như các chương trình vũ khí khác trong quá khứ, các vấn đề kỹ thuật đang làm tăng chi phí của F-35 và buộc Washington phải xem xét lại số lượng máy bay sẽ mua. Lầu Năm Góc đã thông báo chỉ mua 34 máy bay này trong năm tài khóa 2015, thay vì 42 chiếc như kế hoạch ban đầu.
Ngoài Mỹ, một số quốc gia đã tham gia vào chương trình trên, đó là: Autralia, Anh, Canada, Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ. Israel, Nhật Bản , Hàn Quốc và Singapore cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến loại máy bay này. Một số chính phủ đã đặt hàng chiếc F-35 đầu tiên, nhưng với chi phí mỗi chiếc đang tăng cao nên kế hoạch mua sắm vẫn chưa ngã ngũ.