Trang tin VPK của Nga vừa có bài viết phân tích về sự can thiệp của Mỹ đối với mối quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Ấn Độ. Sau đây là nội dung bài viết:
Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Ấn trong những năm gần đây đang có những dấu hiệu suy giảm khá nghiêm trọng. Ngoài những yếu tố chủ quan từ sự thay đổi đường lối hợp tác kỹ thuật quân sự của Ấn Độ, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này còn có một phần không nhỏ là từ sự xuất hiện của Mỹ trong các thương vụ mua bán vũ khí của New Delhi.
Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Ấn đang có những dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây.
Mỹ đang có những chiêu bài chào mời vũ khí công nghệ cao, cũng như hợp tác cùng Ấn Độ trong việc sản xuất các hệ thống vũ khí. Mỹ sẵn sàng chia sẻ với Ấn Độ những công nghệ quân sự tiên tiến nhất nhằm thay thế vai trò của Nga trong các chương trình hiện đại hóa quân đội dài hạn của Ấn Độ.
Việc lôi kéo Ấn Độ vào các chương trình hợp tác vũ khí với Mỹ được giới phân tích Nga nhận định là một “mũi tên trúng hai đích”: một mặt giúp cải thiện vị trí của Mỹ là quốc gia tiên phong số 1 trong các chương trình quân sự tiên tiến, mặt khác làm chậm sự phát triển các chương trình quân sự lớn của Nga, trong đó có nhiều chương trình dựa trên sự hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ.
Cuối tháng 09/2013, Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã có chuyến thăm đến Ấn Độ, trong chuyến thăm này, ông đã nêu một số ý kiến có thể nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ấn Độ. Ông Carter đã đề nghị Ấn Độ cùng hợp tác phát triển một hệ thống phóng điện từ sử dụng cho tàu sân bay.
Hiện nay trên thế giới, chỉ có một số quốc gia phát triển ứng dụng của gia tốc điện từ nhằm phục vụ cho mục đích phóng máy bay trên tàu sân bay. Trong đó, Mỹ được xem là quốc gia đi tiên phong lĩnh vực này. Bên cạnh ứng dụng để phóng máy bay, ứng dụng này còn rất nhiều tiềm năng khác trong phát triển các hệ thống vũ khí.
Mỹ đang đề nghị Ấn Độ hợp tác phát triển chung hệ thống phóng điện từ
Chiếc tàu sân bay đầu tiên được áp dụng hệ thống phóng điện từ này là tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78). Mỹ là quốc gia duy nhất công khai về sự phát triển của hệ thống phóng điện từ EMALS tại trung tâm thử nghiệm NASC, Lakehurst, bang New Jersey.
Tuy nhiên, chương trình đang gặp không ít khó khăn kỹ thuật cũng như sự gia tăng chi phí phát triển. 2/3 các cuộc thử nghiệm đối với loại máy phóng này chưa thành công. Hệ thống vẫn chưa sẵn sàng đi vào hoạt động trong năm 2016. Trong khi đó, sự khó khăn kinh tế của Mỹ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn kinh phí cung cấp cho quá trình nghiên cứu.
Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lời đề nghị của Mỹ dành cho Ấn Độ. Một mình nước Mỹ hiện nay không đủ sức để giữ vị trí lãnh đạo thế giới trong lĩnh vực công nghệ quân sự. Các đối tác truyền thống của Mỹ trong hợp tác phát triển các hệ thống vũ khí công nghệ cao cũng đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
Trong khi đó, Ấn Độ đang là một quốc gia dồi dào về kinh tế, họ lại đang trong quá trình hiện đại hóa quân đội quy mô lớn. Đây chính là thị trường đầy tiềm năng để Mỹ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quân sự. Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Ấn Độ trong tháng 06/2013, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã cố gắng thuyết phục Ấn Độ tham gia vào “trục châu Á” của Mỹ.
Đến chuyến thăm của Thứ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, lời đề nghị hào phóng dành cho New Delhi tiếp tục được đưa ra. Mỹ rất hiếm khi dành cho những quốc gia không phải đồng minh số 1 của mình những đề nghị hấp dẫn như vậy.
Nếu không nhanh chân, Nga có thể bị Mỹ đoạt mất cơ hội hợp tác cùng Ấn Độ trong dự án tàu sân bay thứ 3 của nước này.
Lý do thứ hai giải thích cho sự hào phóng của Mỹ đối với Ấn Độ là Mỹ cho rằng hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Ấn đang tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của Nga. Có thể thấy rằng, Nga đang sử dụng tiềm lực tài chính và khoa học kỹ thuật của Ấn Độ cho các chương trình phòng thủ chung.
Điển hình trong sự hợp tác này là chương trình phát triển chung tiêm kích thế hệ 5 FGFA, một biến thể của chương trình PAK FA của Nga, hợp tác phát triển tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos và một chương trình khác để tạo ra một vũ khí siêu hủy diệt.
Bên cạnh đó, hầu hết các loại tàu chiến lớn của Ấn Độ được đóng mới tại Nga hoặc dưới sự hỗ trợ của Nga. Điều này không chỉ nâng cao sức mạnh quân sự cho Ấn Độ mà còn khôi phục và phát triển ngành công nghiệp đóng tàu của Nga. Cùng với nhau, hai nước sẽ thực hiện được các chương trình quốc phòng mà mỗi nước khó lòng tự làm chủ được.
Tuy nhiên, hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Ấn có thể bị đe dọa bởi sự can thiệp của Mỹ. Cần nhớ lại rằng, trong năm 2010 Đô đốc Nirmal Kumar Verma (lúc đó đang là Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ) đã phác thảo hình dạng chiếc tàu sân bay thứ 3 của Ấn Độ INS Vishal phải có đủ điều kiện cho các máy bay cánh cố định nặng hơn như máy bay cảnh báo sớm AWACS, máy bay tiếp dầu hoạt động. Nếu không có máy phóng thì việc này gần như là không thể.
Chính vì vậy, Ấn Độ buộc phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về lời đề nghị của Mỹ, trong khi Nga vẫn chưa bắt tay vào chương trình phát triển loại công nghệ đặc biệt này. Do khối lượng công việc quá lớn mà lại chưa có chương trình đóng tàu sân bay hạng nặng mới nên Nga đã hoãn các công việc nghiên cứu chi tiết dự án máy phóng điện từ cho đến sau năm 2025.
Trong khi đó, Mỹ đã đi được 2/3 chặng đường trong việc phát triển hệ thống phóng điện từ trang bị trên tàu sân bay. Nếu không có những hành động cụ thể, Nga có thể sẽ bị Mỹ đoạt mất cơ hội và trở thành "kẻ ngáng đường" trong hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Ấn.