Toan tính của Mỹ khi mời Ấn Độ hợp tác phát triển tên lửa Javelin

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Mỹ đã đưa ra đề xuất với Ấn Độ để cùng phát triển một biến thể tiếp theo của tên lửa chống tăng Javelin.

Trong chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Ấn Độ (từ ngày 17/9), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đưa ra một đề nghị đặc biệt để thúc đẩy mạnh quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi văn bản tới Bộ Quốc phòng Ấn Độ (MoD) đề xuất rằng hai nước sẽ hợp tác để cùng phát triển một biến thể tiếp theo của tên lửa chống tăng Javelin. Nếu Ấn Độ không tham gia, Lầu Năm Góc sẽ thực hiện chương trình một mình.

	Tên lửa chống tăng vác vai Javelin của Mỹ.

Tên lửa chống tăng vác vai Javelin của Mỹ.

Năm ngoái, ông Carter từng đề nghị các công ty Mỹ tham gia cùng đối tác Ấn Độ trong việc thành lập các cơ sở sản xuất cho 5 hệ thống lớn ở quốc gia Nam Á này, trong đó bao gồm trực thăng đa năng MH-60 Romeo, do Sikorsky và Lockheed Martin phát triển, và súng máy liên thanh hải quân 127 mm M-45. Sau đó, Mỹ đã đề xuất chương trình hợp tác sản xuất tên lửa Javelin, được phát triển bởi Raytheon và Lockheed Martin. Tuy nhiên, New Delhi chưa đưa ra câu trả lời chính thức nào về lời đề nghị trên.

Hiện tại, có thể thấy, Mỹ đã nâng tầm vai trò của Ấn Độ khi đề nghị nước này đồng phát triển Javelin thế hệ tiếp theo.

Ấn Độ đã có một dự án hợp tác phát triển thành công với Nga là tên lửa hành trình BrahMos, và với Israel là tên lửa đất đối không tầm xa (LR-SAM), tên lửa đất đối không tầm trung (MR-SAM). Nhưng với Mỹ, Ấn Độ mới chỉ mua trực tiếp các thiết bị. Các thiết bị của Mỹ đã không được sản xuất tại Ấn Độ cùng với việc chuyển giao công nghệ sản xuất.

Một quan chức Mỹ giấu tên hôm 17/9 xác nhận rằng đề nghị hợp tác phát triển sẽ được đưa ra trong chương trình thảo luận nghị sự của ông Ashton Carter tại cuộc họp ở New Delhi hôm thứ Ba (18/9), với sự tham gia của một loạt các quan chức Ấn Độ, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia, Shivshankar Menon.

Nguồn tin từ Bộ quốc phòng Ấn Độ xác nhận với Business Standard rằng nước này đã nhận được lời đề nghị hợp tác để phát triển thế hệ tiếp theo tên lửa Javelin và đang cân nhắc lời đề nghị.

Một nguồn tin cấp cao từ Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cũng đã xác nhận lời đề nghị của Mỹ. Nguồn tin cho biết DRDO rất hoan nghênh hợp tác phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến cùng với công nghệ liên quan. Ấn Độ cần phải thu hẹp khoảng cách công nghệ và hợp tác phát triển phải đảm bảo dựa trên thế mạnh của cả hai bên.

Đề nghị của Carter là một phần trong một nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường mối quan hệ quốc phòng với Ấn Độ. Trước đó, đáp lại mối quan tâm của New Delhi về Javelin, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc thực hiện yêu cầu của Ấn Độ sẽ "làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực". Do đó, Washington đã từ chối chuyển giao những công nghệ chính cho New Delhi.

Tình hình thay đổi đáng kể từ tháng 6 năm 2012, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, đề cử Ashton Carter đảm nhiệm việc phá vỡ các rào cản hành chính tại Washington gây cản trở mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Mỹ-Ấn Độ. Mối quan hệ này được Washington xác định là vô cùng quan trọng đối với tương lai của Mỹ ở châu Á. Một cơ chế thể thức được gọi là DTI đã được thành lập và cũng đã có hiệu quả đáng chú ý. Mỹ gọi nó là Sáng kiến ​​Thương mại Quốc phòng, trong khi Ấn Độ gọi nó là Sáng kiến ​​Công nghệ Quốc phòng. Đồng chủ tịch của DTI là Carter và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon.

Một nhà quan sát giấu tên của Lầu Năm Góc cho biết Carter đã đóng một vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy các quan chức Mỹ thay đổi cách nhìn về Ấn Độ. Trước đó, các quan chức Mỹ coi Ấn Độ chỉ là một quốc gia không thuộc NATO - một trong những nước mà Mỹ thậm chí không có một mối quan hệ liên minh chính thức và từng không mấy sẵn lòng ký thỏa thuận hợp tác với Mỹ.

	Tên lửa chống tăng Spike của Israel.

Tên lửa chống tăng Spike của Israel.

Trước đó, MoD Ấn Độ đã quyết định mua các tên lửa chống tăng Spike của công ty Israel Rafael trong gói thầu cung cấp 8.400 tên lửa và 321 bệ phóng để trang bị cho 350 đơn vị bộ binh của quân đội với giá 1-1.5 tỉ USD.

Lúc đầu, ngoài Rafael, tham gia vào gói thầu này là hãng General Dynamics và Raytheon của Mỹ, MBDA của Pháp và Rosoboronexport của Nga. Tuy nhiên, sau đó chỉ còn một nhà thầu tham gia duy nhất là Rafael.

Nguyên nhân các công ty rút khỏi gói thầu tại Ấn Độ là do nước này đã đưa ra yêu cầu nhà thầu thắng cuộc phải chuyển giao công nghệ sản xuất. Hiện vẫn chưa rõ Rafael liệu có chấp nhận yêu cầu này của phía Ấn Độ hay không.

Cũng cần lưu ý rằng, trong năm 2010, Ấn Độ cũng đã quyết định mua tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin của Mỹ ngay sau khi có thông tin Pakistan đặt mua loại vũ khí này.

FGM-148 Javelin được đánh giá là tên lửa lửa chống tăng vác vai hàng đầu thế giới, được phát triển bởi các công ty Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ. Tên lửa này có khả năng tiêu diệt xe bọc thép hạng nặng từ khoảng cách 2,5 km.

Spike của Israel, trong khi gần như không có khả năng đó của Javelin thì lại rẻ hơn loại tên lửa của Mỹ rất nhiều. Nếu như MoD lựa chọn theo giá cả thì Spike sẽ có nhiều khả năng giành chiến thắng hơn.

Tuy nhiên, nếu MoD đồng ý với đề nghị hợp tác phát triển của Washington, cơ hội chiến thắng của Javelin trong hợp đồng trị giá tới 1.5 tỉ USD sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại