Tổ chức phát triển và nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ, cơ quan hợp tác phát triển chung tên lửa hành trình BrahMos với Nga, đã thuyết phục Bộ Quốc phòng Ấn Độ (MoD) yêu cầu các tàu ngầm trong gói thầu phải có khả năng phóng tên lửa BrahMos. Đề nghị này đã được MoD chấp thuận.
Yêu mầu mới đã gây khó khăn cho các công ty phương Tây tham gia dự thầu cung cấp tàu ngầm cho Ấn Độ, bao gồm DCNS của Pháp, Navantia của Tây Ban Nha và HDW của Đức. Trong khi đó, nhà thầu của Nga đã thông báo với Hải quân Ấn Độ rằng tàu ngầm lớp Amur của họ có thể mang theo tên lửa BrahMos với thay đổi rất ít.
Chưa có đại hiện nào từ DCNS, Navantia hay HDW đưa ra bình luận về khả năng đáp ứng với yêu cầu mới của MoD. Hiện tại, Ấn Độ đang xử lý gói thầu mua 6 tàu ngầm tiêu chuẩn hiện đại với công nghệ động cơ đẩy khí độc lập. Dự kiến, kết quả của gói thầu sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Một quan chức của MoD cho biết 6 tàu ngầm được mua theo khuôn khổ Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa, cấm các tên lửa có tầm bay trên 300 km. Tên lửa BahMos là sự lựa chọn tốt nhất cho lô tàu ngầm này vì nó được sản xuất trong nước và có tầm bắn dưới 300 km.
Tàu ngầm mới phải đáp ứng yêu cầu đạt tốc độ 22 km/giờ trên mặt nước và 35 km/giờ dưới nước. Chúng sẽ có khả năng hoạt động liên tục từ 50 đến 60 ngày trên mặt nước và từ 20 đến 30 ngày dưới nước. MoD cũng yêu cầu 2 trong tổng số 6 tàu ngầm được đóng tại các nhà máy nước ngoài và 4 tàu còn lại được nhượng quyền sản xuất cho một công ty quốc doanh của nước này.
Vụ hỏa hoạn trên tàu ngầm Sindhurakshak do Nga sản xuất mới đây đã giảm số tàu ngầm đang hoạt động của Hải quân Ấn Độ xuống con số 11. Với việc cho nghỉ hưu các tàu ngầm lớp HDW của Đức vào năm tới, Hải quân Ấn Độ sẽ chỉ còn 7 tàu ngầm hoạt động vào năm 2015.