Cuối tháng 11/2012, quân đội Israel đã thực hiện chiến dịch quân sự “Pillar of Defence” (trụ cột quốc phòng) nhằm đáp trả lại các hành động phóng rocket vào Israel của nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas.
Trong chiến dịch này, hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Sắt) đã có màn trình diễn cực kỳ ấn tượng. Theo thông tin từ Lực lượng phòng vệ Israel, trong 3 ngày diễn ra chiến dịch quân sự Pillar of Defence, lực lượng Hamas đã bắn 737 tên lửa vào Israel, 492 quả đã rơi xuống, 245 quả đã bị hệ thống đánh chặn Iron Dome bắn hạ.
Như vậy có đến hơn 99% các tên lửa có khả năng đe dọa cho tính mạng người dân đều đã bị đánh chặn. Chỉ với 5 hệ thống được triển khai hoạt động, Iron Dome đã vô hiệu hóa gần hết các mối đe dọa từ tên lửa của lực lượng Hamas đối với tính mạng của người dân Israel.
Tuy nhiên, chuyên gia về phòng thủ tên lửa, tiến sĩ Nathan Faber đến từ Viện nghiên cứu Technion có trụ sở tại Haifa, Israel lại có một cái nhìn hoàn toàn khác về hiệu suất của hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome.
Chuyên gia Faber cho rằng, bất chấp những tiến bộ ấn tượng của Iron Dome trong chiến dịch Pillar of Defence, hệ thống này vẫn không hiệu quả như những gì nhà sản xuất Rafael tuyên bố. Để minh chứng cho lập luận của mình, ông Faber chỉ ra rằng một trong những nhược điểm chính của hệ thống Iron Dome là nó không thể ngăn chặn cuộc tấn công bằng tên lửa trong phạm vi từ 4,5-15km.
Ông Faber cho rằng, lý do chính của vấn đề này là những hạn chế về kỹ thuật của nhà phát triển. Nhận ra điều này, chính phủ Israel đã buộc phải chi tiêu hàng trăm triệu USD để xây dựng các hầm trú ẩn dọc theo biên giới Gaza.
Theo chuyên gia Faber, chìa khóa để hiểu vấn đề này không phải là câu hỏi liên quan tới bán kính tối thiểu, trong đó hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ có hiệu quả, mà vấn đề chính là thời gian. Bất kỳ hệ thống phòng thủ nào cũng cần phải có một thời gian nhất định, từ khi tên lửa được phóng đi, đọc quỹ đạo bay của nó, nơi nó hướng đến và dẫn hướng cho tên lửa đánh chặn.
Điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống không đủ thời gian để thực hiện các bước nhận diện tên lửa, tọa độ mục tiêu và chuẩn bị đánh chặn, nếu không có những bước này, hệ thống sẽ không thể hoạt động. Ông Faber cho rằng, trong quá trình phát triển, các nhà thiết kế Iron Dome chỉ nhằm vào các tên lửa tương đối chậm và nhẹ của đối phương.
Vì thế, trong khoảng thời gian từ lúc phát triển hệ thống Iron Dome, cho tới khi đưa nó vào sử dụng, đối phương đã học được cách sản xuất các tên lửa nhanh hơn. Với khoảng cách quá ngắn, hệ thống Iron Dome không đủ thời gian để bắn hạ nó.
Đó là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với các khu dân cư gần dải Gaza, Iron Dome không có khả năng bảo vệ thành phố Sderot và các khu dân cư xung quanh. Trong trường hợp những kẻ khủng bố sử dụng khái niệm “quỹ đạo ngang” khi đó tốc độ của tên lửa có thể tăng lên đến 4 lần và gần như không thể đánh chặn.
Ông Faber cũng lên tiếng chỉ trích số liệu thống kê của IDF, theo đó Iron Dome đã bắn hạ 85% tên lửa, ông cho rằng khả năng này của hệ thống chỉ khoảng 66%. Tuy nhiên, vấn đề của Iron Dome chỉ là một phần nhỏ trong hệ thống phòng thủ đa cấp của Israel.
Từ các vấn đề tồn đọng trong hệ thống Iron Dome của Israel đã được nêu trong bài viết này thì có thể thấy rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đang đứng trước nguy cơ sụp đổ vào những thời điểm quan trọng nhất.