Tối 30/10 vừa qua, Syria lại khiến cả thế giới bàng hoàng vì những tiếng nổ ở thành phố biển Latakia. Nhiều nguồn tin từ Syria và Li-băng cho rằng đây là cuộc tấn công của Israel từ Địa Trung Hải. Trước đó, vào ngày 5/7/2013, một vụ tấn công khác được cho là của Israel đã đánh trúng doanh trại Hải quân Syria ở Safira, gần thành phố cảng Latakia.
Israel có thật sự là thủ phạm của các vụ tấn công trên hay không? Cho tới nay, tất cả thông tin đều mang tính chất dự đoán. Dù một quan chức Nhà Trắng sau đó xác nhận Israel đứng sau vụ tấn công hôm 30/10 và mục tiêu là chuyến hàng tên lửa SA-125 được cho là sắp chuyển cho Hezbollah, nhưng tới nay, cả Israel và Syria đều chưa chính thức bình luận về vụ việc này.
Có điều, nếu Israel thực sự là thủ phạm của hai vụ tấn công trên thì phải thừa nhận rằng họ xứng đáng là bậc thầy của những vụ tấn công bí mật chớp nhoáng, bởi trong cả 2 lần, chưa lần nào Syria ngăn chặn và bảo vệ thành công cơ sở quân sự của mình.
Đánh vào sào huyệt “ngáo ộp” Yakhont
Trở lại với cuộc tấn công ngày 5/7/2013, giữa lúc tình hình Syria đang hết sức căng thẳng, có nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh. Nga muốn tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình ở Syria nên đã trao cho Damascus một bảo bối, đó là tên lửa P-800 Yakhont.
Yakhont là một trong những loại tên lửa chống hạm tối tân nhất thế giới, với tầm bắn lên đến 300 km, vận tốc tới 750 m/s (2,6M), khả năng bay sát mặt biển (cách mặt biển 5-15 m), gần như không một hệ thống phòng thủ hạm tàu nào có thể ngăn chặn được Yakhont.
Việc Syria sở hữu Yakhont khiến Mỹ và các nước đồng minh hết sức lo ngại, không dám mạo hiểm phát động một cuộc tấn công vào Syria. Chưa bàn về tính hiệu quả đích thực của Yakhont, chỉ cần sở hữu nó thôi cũng đã gây ra những hiệu ứng tâm lý hết sức mạnh mẽ. Yakhont thực sự khiến Mỹ, đồng minh và quân nổi dậy lo sợ, còn quân chính phủ Syria thì hết sức tự tin. Rõ ràng một mục tiêu then chốt như kho chứa các tên lửa Yakhont là lựa chọn hàng đầu cho các cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh, trong đó không loại trừ Israel.
Việc Syria sở hữu "bảo bối" Yakhont đã khiến Mỹ và đồng minh lo sợ
Tất nhiên, mục tiêu như vậy cũng sẽ được Syria bảo vệ một cách nghiêm ngặt ở một vị trí bí mật. Vì thế, vụ tấn công vào kho vũ khí của Syria ở gần thành phố cảng Latakia hôm 5/7 là một sự kiện khá bất ngờ và chấn động.
Tờ Sunday Times của Anh ngày 14/7 đưa tin tàu ngầm lớp Dolphin của Israel đã thực hiện vụ tấn công. Cuộc tấn công sau đó bị cáo buộc có sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ và nhằm vào 50 tên lửa chống hạm Yakhont do Nga sản xuất, được vận chuyển cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hồi đầu năm.
Qassem Saadeddine, người phát ngôn Hội đồng Quân sự Tối cao Quân đội Syria Tự do (FSA), cho biết cuộc tấn công rạng sáng 5/7 đã đánh trúng doanh trại Hải quân Syria ở Safira, gần thành phố cảng Latakia. Mạng lưới tình báo của phe đối lập xác nhận rằng tên lửa Yakhont đang được cất giữ tại đây.
Để trấn an dư luận, tờ al-Rai, xuất bản ở Kuwait, dẫn nguồn tin thân cận với Bộ Tư lệnh Hải quân Syria cho biết: “Tin đồn về việc tiêu diệt được các tên lửa Yakhont có vẻ giống với những tưởng tượng thường thấy ở Hollywood nhiều hơn là với thực tế quân sự đang diễn ra”. Theo nguồn tin trên, “vụ nổ ở một hầm chứa” không có nghĩa là phá hủy được toàn bộ khả năng tên lửa của Syria.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ ràng đây là cuộc tấn công đã nhằm trúng vào kho chứa Yakhont, còn mức độ thiệt hại thì được Syria giữ kín. Sau cuộc tấn công, cũng không thấy Syria có bất kỳ hành động thị uy tên lửa Yakhont nào như những hành động biểu dương sức mạnh mà chúng ta thường thấy trong các cuộc chiến tranh.
Và câu hỏi mà ai cũng quan tâm đó là: Ai là thủ phạm của cuộc tấn công?
Phát ngôn viên của FSA thuộc phe nổi dậy Kasem Saadedina cho biết: "Cuộc tấn công này không phải do quân nổi dậy thực hiện. Đó là một cuộc không kích bằng tên lửa từ máy bay chiến đấu hay từ tàu chiến ở ngoài Địa Trung Hải”. Họ cho rằng rất có thể quân đội Israel đã gây ra vụ nổ.
Nhiều tờ báo khẳng định, vụ tấn công được thực hiện bằng tên lửa được bắn từ tàu ngầm lớp Dolphin của Israel. Ngoài ra, còn có giả thiết cho đây là một cuộc không kích của Israel được xuất phát từ căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phần mình, Israel không phủ nhận hay thừa nhận các vụ nổ tại căn cứ hải quân Safira có liên quan đến họ. Khi được hỏi về vụ nổ xảy ra tại căn cứ Hải quân Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya'alon cho rằng: “Ở Trung Đông, khi nói đến một cuộc tấn công không rõ nguyên nhân, người ta luôn tìm cách để đổ lỗi cho chúng tôi”.
Một cuộc tấn công thành công vào một mục tiêu mang tính biểu tượng sức mạnh của Syria trong thời điểm căng thẳng nhất, được cảnh giác cao nhất mà không để lại bất kỳ dấu vết nào. Dù chưa thể khẳng định thủ phạm có phải là Israel hay không nhưng chắc chắn đó là một lực lượng hết sức tinh nhuệ.
Lần thứ hai không hề dấu vết
Không chỉ một lần Israel được coi là thủ phạm. Vụ tấn công vào căn cứ phòng không ở Latakia ngày 30/10 vừa qua cũng được gán cho Israel. Cuộc tấn công đã gây ra hàng loạt vụ nổ lớn, phá hủy toàn bộ căn cứ phòng không của Syria gần thành phố biển Latakia. Và dường như có đến 2 chứ không phải 1 mục tiêu bị tấn công. Ngoài căn cứ phòng không Latakia, một mục tiêu khác tại thủ đô Damacus cũng bị tấn công. Latakia được cho là đang triển khai hệ thống phòng không S-125. Mặt khác, cả 2 vị trí này cũng được cho là đang chứa một loại tên lửa phòng không khác là 9K33.
Hệ thống phòng không của Syria với S-125 là chủ lực đã bị phá hủy bất ngờ
Trong khi đó, theo như tin chính thức từ Thông tấn xã nhà nước Li-băng, nước láng giềng của Syria, 6 chiến đấu cơ của Israel đã xâm phạm không phận nước này lúc 13h40 và 16h ngày thứ Tư (theo giờ địa phương), chỉ vài tiếng trước cuộc tấn công.
Lúc 16h05, có thêm 1 máy bay do thám của Israel xâm nhập vùng trời Li-băng. Tất cả máy bay này rời đi vào lúc 17h05. Đây có thể chỉ là một sự trùng hợp, hoặc là một phần của chiến dịch tấn công trên.
Và Israel lại thêm một lần im lặng, không ai có bất kỳ một mảnh vụn bằng chứng nào.
Bậc thầy trong tấn công chớp nhoáng và bí mật
Những cuộc tấn công như trên đòi hỏi phải có một kế hoạch hết sức hoàn hảo và được sự hỗ trợ cực tốt từ các thông tin tình báo cũng như phương tiện kỹ thuật hiện đại mới có thể thực hiện.
Nếu thật sự Israel là thủ phạm thì quốc gia này xứng đáng là bậc thầy trong việc tấn công bí mật, chớp nhoáng các căn cứ đối phương bởi các lí do sau:
- Họ đã nắm bắt các thông tin tình báo về bố trí, lực lượng, phương án tác chiến của đối phương rõ như lòng bàn tay. Tổ chức tình báo Mossad của Israel từ lâu đã được đánh giá là một trong những tổ chức hàng đầu thế giới.
- Các mục tiêu bị tấn công là tên lửa Yakhont và hệ thống phòng không, đây đều là những mục tiêu vừa mang giá trị biểu tượng, vừa mang tính trọng yếu trong sức mạnh của đối phương, được bảo vệ nghiêm ngặt.
- Các cuộc tấn công đều thành công mà không hề để lại bất kỳ dấu vết nào, khiến đối phương hoang mang và thế giới thì chỉ biết bất ngờ, phán đoán.
Liệu Israel có phải là thủ phạm hay không? Có lẽ bí mật này mãi mãi chỉ có Israel biết mà thôi.