YJ-83: Kẻ mở đường cho giấc mộng siêu thanh
Từ những năm 1970, tên lửa P-270 Moskit của Nga với vận tốc siêu thanh Mach 3 ra đời đã khiến Trung Quốc nóng lòng chế tạo được loại tương tự. Sau rất nhiều công sức nghiên cứu, tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh đầu tiên của Trung Quốc đã ra đời với tên gọi là YJ-83.
YJ-83 (tên gọi khác là C-803) được cho là phiên bản nâng cấp từ YJ-82. Tên lửa này được phát triển vào năm 1994. Tầm bắn được giới thiệu từ 150-200km, riêng biến thể phóng trên không có tầm bắn lên đến trên 255km.
Tên lửa hành trình chống hạm YJ-83 của Trung Quốc
Máy bay JF-17 được trang bị 2 tên lửa hành trình chống hạm YJ-83
Đạn tên lửa C-803 dài 6-7m, trọng lượng phóng 850-1.200kg, đường kính thân 0,63m, lắp đầu đạn xuyên giáp nặng 165kg. Tên lửa C-803 lắp động cơ phóng nhiên liệu rắn và một động cơ tuốc bin phản lực nhiên liệu lỏng, độ cao quỹ đạo 10-50m ở giai đoạn bay tiếp cận mục tiêu và khi cách mục tiêu 20km thì hạ xuống 5m. Với độ cao này YJ-83 được cho là có thể vượt qua hệ thống phòng thủ trên các tàu chiến.
Vận tốc của tên lửa trên các giai đoạn là khác nhau:
Phần lớn quãng thời gian tiếp cận mục tiêu tên lửa bay với vận tốc cận âm, trong giai đoạn tiếp cận trung gian (cách 30 km) tên lửa đạt Mach 1.3, giai đoạn cuối tiếp cận mục tiêu (cách 20 km) đạt vận tốc Mach 1.7, giai đoạn tấn công (cách 8 km) đạt Mach 2.
Tên lửa này hiện được trang bị cho các tàu thuộc lớp Hồ Bắc 022, lớp Giang Khải II 054A, lớp Lữ Châu 051C, Lữ Hộ 052… Các tàu này đều có trong biên chế của Hạm đội Nam Hải và đã nhiều lần tiến hành tập trận ở biển Đông.
Không thể xứng với Yakhont
So với Yakhont mà Việt Nam đang sở hữu, YJ-83 thua kém ở rất nhiều điểm. Trước hết, Yakhont có vận tốc siêu thanh trong hầu hết quỹ đạo, với vận tốc lớn nhất lên đến Mach 2.6. Tầm bắn của Yakhont (300km) cũng hoàn toàn vượt trội YJ-83 (200 km). Ngoài ra, Yakhont có khả năng bắn từ trong sâu đất liền lên đến 250 km, điều này yêu cầu phải có hệ thống dẫn đường hết sức hiện đại.
Không chỉ có vậy, Yakhont sử dụng công nghệ tàng hình đối với radar hiện đại (công nghệ Stealth) do vậy tăng khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ của đối phương. Đây là một công nghệ mới mà Trung Quốc chưa có được.
Điểm vượt trội tiếp theo đó là Yakhont sử dụng chiến thuật hết sức linh hoạt. Do tầm bắn ngoài tầm nhìn radar nên Yakhont sử dụng chiến thuật “bầy sói”. Một nhóm mục tiêu sẽ sử dụng 3 quả tên lửa đi theo 3 quỹ đạo khác nhau nhằm tránh hỏa lực của đối phương. Một quả phóng lên cao cung cấp vị trí mục tiêu cho 2 quả bay thấp hơn.
Sau khi tiêu diệt mục tiêu chủ yếu, các tên lửa còn lại hướng đến các tàu khác và loại trừ khả năng 2 tên lửa tấn công cùng một mục tiêu. Đây rõ ràng là một công nghệ vượt quá khả năng của Trung Quốc.
Sở hữu tổ hợp Bastion với tên lửa chống hạm siêu thanh Yakhont vẫn là một ước mơ của Trung Quốc
Với giới chuyên gia quân sự Trung Quốc, Yakhont Việt Nam sở hữu thực sự là một thách thức lớn cho chiến lược bành trướng ở biển Đông. Trung Quốc đã tìm cách nhập khẩu Yakhont nhưng Nga không đồng ý do lo sợ bị đánh cắp công nghệ cũng như vấp phải sự phản đối của Ấn Độ. Chỉ như vậy cũng đủ thấy sự lo sợ lẫn thèm muốn của Trung Quốc với Yakhont như thế nào, ngay cả khi đã có YJ-83.
Đó là chưa kể chất lượng của YJ-83 liệu có thực sự được như công bố hay không, bởi Trung Quốc thường có thói quen “thổi phồng quá mức” đối với các loại vũ khí do mình tự sản xuất. Chỉ cần nhìn qua quá trình đưa vào trang bị cũng thấy được rằng YJ-83 đang tồn tại nhiều vấn đề.
Tên lửa YJ-83 bắt đầu được thử nghiệm từ tháng 11/1995-11/1996, 5 lần phóng thử đã được tiến hành, song có tới 3 lần thất bại, tên lửa lao xuống đất ngay sau khi rời bệ phóng, nguyên nhân được xác định là do hệ thống động cơ do Trung Quốc sản xuất không ổn định.
Trước rào cản này, các nhà thiết kế Trung Quốc đề nghị nhập khẩu hệ thống động cơ của Nga để thay thế. Ý tưởng này bị các quan chức Trung Quốc từ chối. Sau nhiều nỗ lực, hệ thống động cơ nội địa cho tên lửa cũng được hoàn thành, tuy nhiên, tình trạng của dự án tiếp tục bị treo do phát sinh nhiều vấn đề khác.
Đến năm 1997, kinh phí dành cho dự án giảm đi một cách rõ rệt, chỉ có 2 lần phóng thử nghiệm trong giai đoạn này. Tuy nhiên, cả 2 lần thử nghiệm đều thất bại. Lý do được xác định là do bộ phận truyền tín hiệu của máy đo độ cao hoạt động không chính xác, vấn đề được giải quyết bằng việc thiết kế lại bộ truyền tín hiệu mới.
Tuy nhiên, vấn đề này được giải quyết lại phát sinh vấn đề khác, cơ chế điều khiển bánh lái gặp trục trặc trong quá trình kiểm tra chất lượng, 2 người quản lý dự án bị cách chức, toàn bộ nhân viên dự án được gửi đi đào tạo lại.
Sau hàng loạt thất bại này, nhà sản xuất Tổng công ty Công nghiệp Phương Bắc Trung Quốc phát động chương trình quản lý chất lượng mới với các khẩu hiệu “Không sai lầm trong công việc, không khuyết tật trong sản phẩm, không rủi ro trong thử nghiệm”.
Trong tháng 8/1998, một lần phóng thử nghiệm đã được thực hiện sau khi áp dụng chính sách quản lý chất lượng mới, kết quả thành công. Ngay sau đó, ba thử nghiệm khác đã được tiến hành, hai thành công hoàn toàn và một thành công một phần, tên lửa được chấp nhận sử dụng vào năm 2000.
Tàu tên lửa Type 022 lớp Hồ Bắc phóng tên lửa YJ-83
Rõ ràng YJ-83 vẫn có nhiều hạn chế và thua xa Yakhont của Nga hay BrahMos của Ấn Độ, vì vậy mà Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu chế tạo (nếu được) hoặc đánh cắp công nghệ để cho ra lò loại tên lửa mới nhằm tiếp tục “giấc mơ siêu thanh” của mình.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!