Kashtan CIWS là tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm ngắn được phát triển từ những năm 1970 bởi tập đoàn KBP Instrument Design Bureau. Đây là nơi từng phát triển các mẫu súng huyền thoại trên trực thăng tấn công Mi-24 “Krokodil” (Cá sấu) hay Mi-28 “Havoc” (Kẻ tàn phá) và cho ra đời những khẩu pháo GSh Shipunov.
Hiện nay, Kashtan được Hải quân Nga sử dụng chủ yếu trên các tàu khu trục tên lửa và các hàng không mẫu hạm. Sự kết hợp của pháo GSh-30K, tên lửa Tunguska 9K22 và 9M311 đã làm nên tên tuổi của hệ thống phòng thủ tầm gần Kashtan trên thế giới.
Được trang bị cho Hải quân Nga từ những năm 1989, cho đến nay Kashtan đã chứng tỏ được một hệ thống phòng thủ đầy uy lực cũng như đáng tin cậy. Kashtan được lắp đặt đặt trên hàng không mẫu hạm Admiral Kuzetsov, tàu tuần dương tên lửa lớp Kirov, khinh hạm lớp Neustrashimyy của Hải quân Nga và một số tàu khu trục lớp Sovremenny của Hải quân Trung Quốc. Đặc biệt, trong các bên sử dụng Kashtan CIWS có cả Hải quân Việt Nam. Cụ thể, Kashtan được lắp đặt trên 2 tàu khu trục tên lửa khá hiện đại là Gerpard 3.9.
Là một trong những hệ thống phòng thủ tầm gần và cực gần tối ưu nhất hiện nay, Kashtan có khả năng phòng thủ trước các tên lửa chống hạm, tên lửa chống bức xạ, bom dẫn đường laser cũng không ngoại lệ.
Bên cạnh đó, Kashtan còn có thể 'thổi bay' một máy bay cường kích hay một máy bay không người lái (UAV) chỉ trong tích tắc. Các thuyền cỡ nhỏ cũng khó thoát khỏi Kashtan. Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao và nhờ đâu Kashtan lại có một khả năng đáng sợ như vậy?
Hệ thống vũ khí theo module
Kashtan CIWS được kết hợp những module với nhau, bao gồm module dò tìm tích hợp radar cực mạnh, module kiểm soát hỏa lực với 2 khẩu GSH-30K và bệ phóng tên lửa Tunguska. Kashtan khá được trọng dụng trên tàu sân bay Admiral Kuznetsov. Hiện nay, số lượng tổ hợp Kashtan được trang bị trên Kuznetsov lên tới con số 8!
Nhờ vào khả năng làm việc độc lập của các module, Kashtan có thể dò tìm một cách chính xác, đồng thời ghi nhớ và theo dõi các mối nguy hiểm trong phạm vi dò tìm của nó.
Ngay khi phát hiện được mối nguy hiểm hiện hữu trong phạm vi, Kashtan sẽ gần như ngay lập tức ghi nhớ và sẵn sàng khai hỏa để triệt hạ các mối nguy hiểm này. Module tìm kiếm được tích hợp radar phát hiện các vật thể bay bao gồm tên lửa hạm đối hạm, các máy bay cường kích, UAV… sử dụng công nghệ tái tạo hình ảnh 3D, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết dù là khắc nghiệt nhất.
Ngay khi tái tạo xong hình ảnh 3D của vật thể, nó sẽ định hướng các tên lửa và 2 khẩu pháo GSh-30K sẵn sàng tấn công tiêu diệt. Phụ thuộc vào số lượng module dò tìm, hệ thống tác chiến sẽ xử lý nhanh hơn, đồng thời có khả năng theo dõi và tiêu diệt được nhiều mục tiêu hơn.
Khi hệ thống đã ghi nhớ số lượng mục tiêu, module kiểm soát hỏa lực sẽ tính toán số lượng mục tiêu và lên đạn sẵn cho GSh-30K còn được NATO định danh à AO-18K. Đây là một loại pháo phòng không xoay, tốc độ bắn 9000 vòng/phút.
Với khả năng bắn khủng khiếp như vậy, nó sẽ rải ra một lượng đạn khổng lồ nhằm tiêu diệt mục tiêu nhanh gọn. Cùng lúc này, hệ thống sẽ nạp tên lửa vào bệ phóng, có thể là 9M311 hoặc Tunguska 22K.
Với các mục tiêu ở xa mà GSh-30K không có khả năng bắn tới, tên lửa sẽ được phóng đi. Trong một số trường hợp mà tên lửa hạm đối hạm thuộc loại siêu âm thì Kashtan sẽ không sử dụng GSh-30K mà thay vào đó là tên lửa Tunguska 9K22. Đây là tính năng đáng kể nhất của Kashtan giúp nó thống trị trong các hệ thống phòng thủ tầm gần.
Các loại vũ khí và các biến thể của Kashtan CIWS
Hiện nay có 2 biến thể của Kashtan CIWS là Kashtan-M và Kashtan. Kashtan-M là phiên bản được Hải quân Nga sử dụng, bao gồm tất cả các tính năng của Kashtan nguyên mẫu. Kashtan phiên bản xuất khẩu bị lược bỏ một số tính năng không có được như Kashtan-M.
- Súng phòng không:
+Kashtan-M: 2 x GSh-30K (AO-18K) 165mm
+Kashtan: 2 x GSH-30D (AO-18D) (Kashta).
- Tên lửa: 8 x 9M311 + 32 tên lửa dự phòng (Kashtan-M) hoặc 8 x 9M311 + 24 tên lửa dự phòng (bản xuất khẩu Kastan).
- Tầm bắn tên lửa: Tốc độ tên lửa 900m/s
+Kashtan-M: 6000m.
+Kashtan: 3500m.
Kashtan được đánh giá là hệ thống phòng thủ tầm gần và cực gần có sức mạnh vượt trội hiện nay. Những tính năng ưu việt, khả năng tác chiến độc lập, nhanh chóng của các module đã giúp Kashtan trở thành ‘anh cả’ của các hệ thống phòng thủ tầm gần và cực gần.
Nhờ sự kết hợp đáng kinh ngạc của đạn pháo và 2 loại tên lửa 9M311 và Tunguska 9K22, tỷ lệ bắn trúng và hạ gục mục tiêu của Kashtan gần như tuyệt đối, đạt tỷ lệ 96 đến 99%. Với tỷ lệ này nó đã qua mặt cả hệ thống Phalanx CIWS của Hoa Kỳ và Goalkeeper CIWS của Hà Lan.
*Bài viết có sử dụng một số tư liệu từ militarynews.ru của Nga