Các tên lửa này dự kiến sẽ thay thế cho các tên lửa đối hạm Sea Skua, được quân đội Anh đưa ra khỏi trang bị vào năm 2016 và tên lửa Exocet - đang nằm trong trang bị của Hải quân Pháp.
FASGW-ANL là tên lửa không đối hạm được phóng ra từ máy bay trực thăng. Tổng kinh phí của dự án FASGW-ANL là 500 triệu bảng Anh (khoảng 830 triệu USD).
Dự án chế tạo FASGW-ANL (còn có tên gọi là FASGW(H)/ANL) được khởi động từ năm 2009. FASGW(H) là tên viết tắt của Future Anti-Surface Guided Weapon (Heavy) - Tên lửa có điều khiển lớp không đối đất, hạng nặng. Người Pháp gọi chúng là ANL (Anti Navire Leger) - Tên lửa đối hạm hạng nhẹ. Tập đoàn MBDA chế tạo tên lửa này theo yêu cầu kỹ chiến thuật của quân đội cả 2 nước Anh và Pháp.
Phương tiện mang FASGW-ANL sẽ là các máy bay trực thăng AgustaWestland AW159 Wildcat của Anh và NHIndustries NH90 hoặc Airbus Helicopters AS565 Panther của Pháp.
Theo yêu cầu của Hải quân Anh và Pháp, tên lửa đối hạm mới này phải có trọng lượng tương đối nhẹ với đầu đạn lớn, có khả năng tiêu diệt các tàu nổi với lượng giãn nước từ 50 đến 500 tấn.
Với FASGW-ANL, sức mạnh tấn công của máy bay trực thăng lên các tàu nổi của đối phương sẽ được gia tăng rất nhiều.
Tên lửa FASGW-ANL có chiều dài gần 2,5 m và đường kính thân là 200 mm. Để điều khiển và giữ ổn định quỹ đạo khi bay, thân của tên lửa này được thiết kế với bốn cánh lái có kết cấu chữ X. Trọng lượng của tên lửa không quá 110 kg, trong đó đầu đạn nặng 30 kg.
FASGW-ANL được trang bị động cơ nhiên liệu rắn, cho phép nó bay với tốc độ cao gần bằng vận tốc âm thanh. Tầm xa của nó chưa được tiết lộ, tuy nhiên, thông tin ban đầu cho biết, tính năng kỹ chiến thuật của FASGW-ANL cho phép các trực thăng sử dụng nó có thể tiêu diệt tàu của đối phương mà không bay vào tầm hoạt động của các tổ hợp phòng không trên tàu. Theo tính toán, tầm xa của tên lửa đối hạm này khoảng từ 25 đến 75 km.
FASGW-ANL dự kiến được trang bị đầu đạn tự dẫn bằng hồng ngoại. Nhờ hệ thống tự tìm kiếm mục tiêu này, tên lửa FASGW-ANL có thể được sử dụng theo phương pháp “bắn-quên”.
Để tăng hiệu quả chiến đấu và mở rộng phạm vi ứng dụng, FASGW-ANL được trang bị đường truyền dữ liệu 2 chiều để liên lạc với kỹ thuật viên điều khiển. Trong trường hợp cần thiết, kỹ thuật viên có thể điều khiển quỹ đạo bay sau khi tên lửa đã được phóng ra.
Theo một số thông tin, Hải quân Pháp sẽ tiếp nhận các tên lửa đối hạm mới này với hệ thống dẫn đường phức hợp. Ở giai đoạn đầu, đầu đạn của tên lửa ANL sẽ sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, đầu đạn tự dẫn hồng ngoại sẽ chỉ được kích hoạt khi tên lửa bay vào vùng tiệm cận với mục tiêu.
Dự án FASGW-ANL là một trong những dự án hợp tác về vũ khí giữa quân đội Anh và Pháp trong khuông khổ chương trình One Complex Weapons. Mục tiêu của chương trình này là chế tạo các hệ thống tên lửa mới dùng chung cho lực lượng vũ trang 2 quốc gia này. Chương trình One Complex Weapons còn bao gồm các dự án khác như Tổ hợp tên lửa phòng không MBDA Aster/Sea Viper, tên lửa có cánh tầm xa lớp không đối đất MBDA Storm Shadow/SCALP hay dự án tên lửa tầm xa lớp không đối không MBDA Meteor.