Việt Nam và Cộng hòa Czech là hai quốc gia có quan hệ ngoại giao tốt đẹp từ lâu đời, chính nhờ yếu tố trên mà hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng có thể nói là khá cởi mở. Khi nhắc tới vũ khí - khí tài của Cộng hòa Czech trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam thì mọi người thường nghĩ ngay tới những “Lớp học trên trời" Aero L-39.
Máy bay huấn luyện L-39 của Trường sỹ quan không quân
Gần đây, quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech đã bước lên một tầm cao mới, theo báo cáo thường niên về việc giám sát xuất khẩu thiết bị quân sự và vũ khí mới công bố thì trong năm 2013 Việt Nam đã vươn lên giữ vị trí nhà nhập khẩu vũ khí số 1 của Czech, những vũ khí - khí tài hiện đại của Cộng hòa Czech được Việt Nam nhập khẩu trong thời gian qua gồm có những chủng loại đáng chú ý sau đây:
1. Radar cảnh giới thụ động Vera-E
Radar thụ động Vera-E
Vera-E là loại radar thụ động do Cộng hòa Czech nghiên cứu và chế tạo, hoạt động trên nguyên lý không phát mà chỉ thu tín hiệu của sóng điện từ trong một môi trường không gian đồng nhất. Loại radar này hoạt động tương tự hệ thống Kolchuga của Ukraine và là phiên bản cơ động, lắp đặt trên khung gầm xe dòng radar thụ động Tamara cũng của Cộng hòa Czech chế tạo.
Khả năng của Vera-E tinh vi tới mức có thể phát hiện máy bay ném bom tàng hình B-2 từ khoảng cách 250 km. Còn Tamara - hệ thống radar thụ động đời trước trong quá trình thử nghiệm đã phát hiện mục tiêu là tiêm kích F-16 ở cự ly 400 km, CF-18A là 355 km và F-15 là 365 km. Thời gian trên đủ để hệ thống phòng không, các máy bay trực chiến vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Nếu bố trí các trạm radar thụ động Vera-E phân tán xa nhau, khoảng 3 đến 4 trạm thành một cụm, máy tính trung tâm sẽ tổng hợp giao hội đồng thời mọi tín hiệu thu về theo phương pháp định vị “vi sai thời gian tới của tín hiệu” trên các tam giác, tứ giác (số lượng trạm), nhờ đó xác định được rất nhanh toạ độ mục tiêu.
Vera-E ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Czech Vondra vào năm 2013, trên website chính thức của Bộ Công thương nước này phát đi thông báo từ năm 2010 Việt Nam đã tiếp nhận 3 hệ thống radar thụ động tinh vi chuyên dùng để phát hiện máy bay tàng hình Vera-E.
2. Máy bay vận tải hạng nhẹ L-410
Theo Báo Quân đội Nhân dân, ngày 17/4/2013 tại Đà Nẵng, Cục Kỹ thuật (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã tổ chức Hội nghị tập huấn ngành máy bay động cơ cho 80 đồng chí là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm kỹ thuật, trưởng ban, trợ lý kỹ thuật ngành máy bay động cơ của các đơn vị trực thuộc quân chủng.
Hội nghị tập huấn ngành máy bay động cơ
Trong thời gian 2 ngày tập huấn, các học viên đã được giới thiệu về các loại vũ khí trang bị mới như máy bay CASA-212, DHC-6, EC-225 và đặc biệt là loại máy bay vận tải hạng nhẹ L-410 do Cộng hòa Czech chế tạo.
Máy bay vận tải L-410
L-410 là máy bay vận tải 2 động cơ tầm ngắn do hãng LET của Cộng hòa Czech nghiên cứu phát triển và được sản xuất từ năm 1971 tới nay. Hiện có khoảng 1.000 chiếc L-410 đang phục vụ trong cả lĩnh vực dân sự lẫn quân sự ở khoảng 10 quốc gia trên thế giới.
L-410 Turbolet có chiều dài 14,42 m; cao 5,83m; sải cánh 19,48m; trọng lượng cất cánh tối đa 6,4 tấn; máy bay chở được 1,6 tấn hàng hóa hoặc 19 người. L-410 được trang bị 2 động cơ turbine cánh quạt Walter M601E cho tốc độ tối đa 380 km/h ở trần bay 4,2 km hoặc tốc độ hành trình 365 km, tầm hoạt động 1.400km.
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Alexandr Vondara vào tháng 3/2012, website của Bộ Công thương Czech loan báo, Việt Nam đang đàm phán để mua 12 máy bay vận tải tầm ngắn L-410. Loại máy bay vận tải này có thể cất hạ cánh trên đường băng ngắn chỉ 565 m nên tỏ ra đặc biệt phù hợp với nhiệm vụ tiếp tế cho cán bộ chiến sỹ đóng quân trên quần đảo Trường Sa.
3. Súng trường tấn công CZ-805 Bren và súng tiểu liên Skorpion Evo 3
Súng trường tấn công CZ-805 Bren
CZ-805 Bren là loại súng trường tấn công thế hệ mới có thể dùng nhiều loại đạn được giới thiệu lần đầu vào năm 2009. CZ-805 được thiết kế để thay thế cho Sa vz. 58 và đã được chọn để làm loại súng tiêu chuẩn cho Quân đội Cộng hòa Czech vào đầu năm 2010.
CZ-805 Bren A1 có trọng lượng 3,77 kg; chiều dài tổng thể 910 mm khi báng mở và 670 mm khi gấp báng; chiều dài nòng 360 mm; súng bắn đạn 5,56 x 45 mm NATO hoặc 7,62 x 39 mm hoặc 6,8 mm Remington SPC; tốc độ bắn 750 phát/phút; tầm bắn hiệu quả 500 m.
Súng tiểu liên Skorpion Evo 3
Skorpion Evo 3 là loại súng tiểu liên do nhà máy Česká Zbrojovka Uherský Brod tại Cộng hòa Czech chế tạo, được thiết kế với vai trò như súng tự vệ cá nhân. Skorpion Evo 3 sử dụng đạn 9 x 19 mm; tốc độ bắn 1.150 phát/phút; sơ tốc 370 m/s; trọng lượng 2,77 kg với hộp tiếp đạn 30 viên. Thân súng được thiết kế với ray Picantinny dễ dàng cho việc lắp phụ kiện tương tự như CZ-805.
CZ-805 A1/A2 và Skorpion Evo 3 của đội tuyển bắn súng quân dụng
Hiện tại Việt Nam đã nhập khẩu một lượng nhỏ CZ-805 ở cả phiên bản tiêu chuẩn CZ-805 A1 và bản carbine CZ-805 A2 cùng Skorpion Evo 3 để trang bị cho đội tuyển bắn súng quân dụng.
4. Nâng cấp radar cảnh giới P-18 lên chuẩn P-18M
Radar cảnh giới P-18 của Việt Nam
P-18 là loại radar cảnh giới nhìn vòng hoạt động trên băng sóng mét có tầm quét 250 km, độ cao tối đa 35 km, góc phương vị 3600. Radar P-18 được Việt Nam đưa vào hoạt động từ năm 1970 đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nhằm đáp ứng nhu cầu hiện đại hoá lực lượng Phòng không - Không quân, Việt Nam đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với công ty RETIA của cộng hòa Czech để tiến hành nâng cấp các đài radar P-18 lên chuẩn P-18M với nhiều tính năng vượt trội.
Màn hình hiển thị hiện đại trong buồng điều khiển của radar P-18M
Radar P-18M nâng cấp có một số ưu điểm so với nguyên bản như sau: Áp dụng công nghệ kỹ thuật số; Cải thiện hiệu suất hoạt động của radar (tăng cường khả năng theo dõi tự động lên đến 200 mục tiêu/giây và 1.000 mục tiêu/vòng quay anten); Tăng cường khả năng kháng nhiễu (lắp thêm 4 anten kháng nhiễu); Thông số đầu ra được hiển thị dưới dạng kỹ thuật số; Loại bỏ toàn bộ các thiết bị lỗi thời bằng các thiết bị mới hiện đại (như thay thế toàn bộ các đèn tia điện tử trên đài P-18 cũ bằng màn hình LCD với các thiết bị điều khiển hiện đại); Tăng cường độ tin cậy, tuổi thọ cũng như nguồn phụ tùng thay thế dồi dào (hiện nay do đài P-18 thế hệ cũ đã không còn được sản xuất nên việc tìm kiếm phụ tùng thay thế là rất khó khăn); Tích hợp hệ thống nhận diện địch-ta (IFF); Giảm chi phí vận hành.
Ngoài những loại vũ khí - khí tài trên, hiện nay còn có tin Cộng hòa Czech đang tích cực chào hàng tới Việt Nam loại máy bay huấn luyện - chiến đấu L-159B, hậu duệ của L-39 đang phục vụ trong biên chế Không quân Việt Nam. Dù yếu thế hơn trong cuộc đua với Yak-130 nhưng khả năng L-159B xuất hiện tại Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.
Máy bay vận tải L-410
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA