Nói đến Nhật Bản mọi người thường nghĩ ngay tới một quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Dựa vào nền tảng khoa học kỹ thuật tiên tiến của mình, bên cạnh những ngành công nghiệp dân sự Nhật Bản còn sở hữu một nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) hàng đầu thế giới.
CNQP Nhật Bản từng có quy mô rất lớn trong những năm Thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, sau khi kết thúc chiến tranh, quy mô đó đã thu hẹp lại rất nhiều để phù hợp với các điều khoản yêu hòa bình của Hiến pháp mới.
Theo đó, CNQP Nhật Bản chỉ duy trì ở mức độ vừa đủ cung cấp cho Lực lượng phòng vệ và không được phép xuất khẩu. Mặc dù quy mô bị giới hạn song ngành CNQP nước này vẫn nắm giữ những công nghệ tiên tiến bậc nhất, mỗi sản phẩm của họ đều được đánh giá là những đỉnh cao của thế giới.
Do các sản phẩm quốc phòng của Nhật Bản không được phép xuất khẩu nên tên tuổi của chúng vẫn chưa được biết đến một cách rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên thời gian gần đây trước những diễn biến bất thường của tình hình chính trị thế giới đặc biệt là sự lớn mạnh không ngừng của Quân đội Trung Quốc đã tác động đến các chính sách quốc phòng của Tokyo.
Chính phủ Nhật Bản mới đây đã thông qua nguyên tắc chỉ đạo mới trong việc xuất khẩu vũ khí vào ngày 01/04/2014, động thái trên được xem là đã tháo “vòng kim cô” kìm hãm ngành CNQP nước này suốt hơn 40 năm qua. Sắp tới thị trường vũ khí thế giới sẽ chào đón thêm một "ông lớn" nữa là Nhật Bản.
Tuy nhiên, ngay cả trước khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ thì một số vũ khí của Nhật Bản đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các khách hàng nước ngoài trong đó có thể kể đến lựu pháo tự hành Type-99 155 mm.
Type-99 được phát triển bởi Mitsubishi Heavy Industries nhà thầu quốc phòng lớn nhất Nhật Bản cùng Japan Steel Works đơn vị chuyên cung cấp cho Lực lượng mặt đất của Cục phòng vệ. Quá trình phát triển Type-99 bắt đầu vào năm 1985 nhằm thay thế cho lựu pháo tự hành Type-75 cũ.
Type-99 sử dụng khung gầm sửa đổi từ xe chiến đấu bộ binh Type-89 với thân xe được kéo dài hơn và bổ sung thêm một bánh chuyển động so với nguyên bản. Type-99 trang bị pháo chính 155 mm với chiều dài nòng bằng 39 lần đường kính.
Pháo chính của Type-99 có tầm bắn tối đa 30 km với đạn pháo thông thường và 38 km khi bắn đạn tăng tầm, tốc độ bắn khoảng 6 viên/phút. Lái xe được trang bị 3 kính tiềm vọng hoạt động ban ngày, trong đó kính ở vị trí trung tâm có một kênh hồng ngoại để sử dụng vào ban đêm.
Vị trí của người chỉ huy nằm bên phải tháp pháo được trang bị 1 đại liên 12,7 mm với tấm chắn ở phía trước. Type-99 trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại cho phép tác chiến nhanh chóng với độ chính xác cao. Khẩu pháo được vận hành bởi kíp chiến đấu 4 người, toàn bộ thân xe bọc giáp với khả năng chống mảnh đạn pháo và vũ khí cá nhân, ngoài ra còn kíp xe còn được bảo vệ khỏi tác động của vũ khí hủy diệt hàng loạt (NBC).
Trái tim của Type-99 là động cơ diesel 600 mã lực cho phép chạy với tốc độ tối đa 50 km/h, dự trữ hành trình khoảng 500 km. Khẩu đội Type-99 bao gồm xe tiếp đạn, xe chỉ huy thông tin di động và một radar điều khiển hỏa lực.
Type-99 được đánh giá là một trong những lựu pháo tự hành hàng đầu thế giới, nó cùng với K9 Thunder của Hàn Quốc, PLZ-05 của Trung Quốc là “ba ông vua” pháo tự hành của khu vực châu Á.
Quốc gia đầu tiên quan tâm tới Type-99 là Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đã từng đàm phán với Nhật Bản về việc mua xe tăng chiến đấu chủ lực Type-10 và lựu pháo tự hành Type-99 nhưng không thành công do lúc đó Nhật Bản chưa nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí.
Tuy nhiên tình hình bây giờ đã khác, vũ khí Nhật Bản đã được phép xuất khẩu, các khách hàng thế giới có thêm một lựa chọn vũ khí công nghệ cao từ xứ sở Mặt trời mọc.
Mặc dù lệnh cấm xuất khẩu đã được dỡ bỏ nhưng vũ khí Nhật Bản sẽ gặp không ít khó khăn để giành thị phần trên thế giới. Rào cản lớn nhất của vũ khí Nhật Bản chính là đơn giá quá cao do chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế. Mặc dù vậy nhiều người tin rằng chất lượng vượt trội sẽ giúp nó vẫn hấp dẫn được các khách hàng mà “tiền không phải là vấn đề”.
Pháo tự hành Type-99 155 mm
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA