Israel liên tiếp đùa giỡn hệ thống phòng không “siêu mạnh” Nga-Syria

Thiên Nam |

Mặc dù Syria sở hữu hệ thống phòng không rất mạnh, lại có sự yểm trợ của Nga nhưng Israel vẫn không kích thành công vào sâu lãnh thổ nước này.

Vừa qua, truyền thông Israel dẫn nguồn tin từ lực lượng đối lập tại Syria cho biết, sáng 11-11, Không quân nước này đã bất ngờ thực hiện không kích vào nước này.

Các mục tiêu bị đánh phá được cho là các đoàn xe vận tải chở vũ khí cho các tay súng thuộc cánh vũ trang Hezbollah.

Trước thông tin về vụ không kích đoàn xe chở vũ khí, Bộ Quốc phòng Israel đã không đưa ra bình luận gì.

Nhưng họ cảnh báo nước này không cho phép tổ chức dân quân Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon sở hữu các loại vũ khí hiện đại, có thể làm thay đổi cụ diện xung đột ở Trung Đông.

Các cuộc không kích của Israel diễn ra thường xuyên, bất chấp việc Syria sở hữu hệ thống phòng không khá mạnh.

Hơn nữa, vào thời điểm đó, có thông tin cho rằng, Moscow đã âm thầm mang các tổ hợp phòng không tiên tiến S-300 sang hỗ trợ Damascus, hình thành lưới phòng không siêu mạnh.

Điểm lại hệ thống phòng không nhiều tầng của Syria

Trước khi S-300 xuất hiện, Mỹ và NATO đã phải công nhận là Syria đang sở hữu hệ thống phòng không rất mạnh với những tổ hợp tên lửa phòng không nhiều tầng lớp của Nga.

Hệ thống tên lửa đất đối không và pháo cao xạ của lực lượng phòng không Syria vừa có sản phẩm hiện đại hóa, vừa có các loại cũ đã trải qua chiến tranh Ả rập - Israel 40 năm trước.

Liên Xô từng bán nhiều vũ khí và cung cấp viện trợ các hệ thống phòng không cực kỳ quý giá cho Syria (Damascus đến nay vẫn chưa hoàn trả 13,4 tỷ USD tiền mua vũ khí).

Nga còn cung cấp vũ khí trang bị, đào tạo nhân viên, vì vậy nguồn vũ khí chính của Quân đội Syria là Liên Xô/Nga.


Hệ thống phòng không tầm thấp 9K33 Osa do Liên Xô sản xuất

Hệ thống phòng không tầm thấp 9K33 Osa do Liên Xô sản xuất

Ông Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm phân tích và thương mại vũ khí toàn cầu có trụ sở tại Moscow đánh giá, Syria có hơn 900 hệ thống phòng không và 4000 khẩu pháo phòng không các loại, được tổ chức chặt chẽ hệt như lưới lửa phòng không Hà Nội năm 1972.

Trong biên chế lực lượng phòng không của Syria, các hệ thống tên lửa phòng không có tầm bắn tương đối cao gồm khoảng 48 hệ thống S-200 Angara và S-200V Vega, S-75 Dvina và S-75M Volga.

Bên cạnh đó là 36 hệ thống phòng không tự hành hiện đại Buk-M1-2 và Buk-M2E; 140 hệ thống S-125 Neva và S-125M Pechora; 200 hệ thống 2KJ2 và 60 hệ thống Osa.

Vào năm 2006, Nga còn ký hợp đồng cung cấp 50 hệ thống phòng không tích hợp tên lửa và pháo Pantsir-S1E tiên tiến nhất. Các hệ thống này đều đã được biên chế. Ngoài ra, Syria còn có số lượng không nhỏ các hệ thống phòng không tầm thấp-tầm gần Tor-M1.

Trong biên chế của Lục quân Syria còn có rất nhiều tên lửa phòng không Strela-1 và Strela-10 (35 hệ thống), khoảng 4.000 tên lửa phòng không vác vai Strela-2, Strela-2M, Strela-3, hơn 2.000 pháo cao xạ ZU-23-2, ZU-23-4 Shilka, trong đó có 400 khẩu ZU-23-4.

Ngoài ra, còn có rất nhiều pháo cao xạ cỡ nòng 37 mm, 57 mm, 100 mm.

Chuyên gia Amminov cũng cho rằng, khả năng phòng không của Syria là rất mạnh và hiệu quả, nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều tổ hợp hiện đại như: hệ thống Pantsir-S1; Pechora 2M; Buk M-2E và tổ hợp S-200 “Angara” do Liên Xô cũ sản xuất, đã được nâng cấp mới.


Hệ thống tên lửa phòng không S-125 Neva/Pechora

Hệ thống tên lửa phòng không S-125 Neva/Pechora

So với Libya, quốc gia cơ bản không thể tiến hành bất cứ sự đối kháng nào với cụm chiến đấu của không quân NATO, hiệu quả chiến đấu của hệ thống phòng không Syria mạnh hơn nhiều, khiến ngay cả Mỹ-NATO cũng phải e ngại.

Sau khi Nga triển khai thêm các tổ hợp phòng không tầm cao, tầm xa hiện đại S-300 và các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung và tầm ngắn như Buk-M2E và Tor-M2, có thể nói rằng, hệ thống phòng không nhiều tầng đang hiện diện ở Syria không phải là quá yếu kém

Syria có khá nhiều hệ thống phòng không hiện đại

Hiển nhiên, phần lớn vũ khí phòng không của Quân đội Syria (80%) là sản phẩm cũ. Nhưng, những năm gần đây một bộ phận hệ thống phòng không đã hoặc đang tiến hành cải tiến sâu sắc, còn có thể đáp ứng nhu cầu hiện đại nhất định.

Pechora 2M là biến thể nâng cấp rất hiện đại của hệ thống S-125 Neva/Pechora (hay SAM-3, tên ký hiệu NATO là SA-3 Goa).

Pechora 2M được nâng cấp mạnh về radar và tên lửa, nó sử dụng tên lửa 5V27D và 5V27DE, tầm bắn từ 3,5 đến 35 km, độ cao tối đa trên 20 km.

Hệ thống S-125 Neva/Pechora của Nam Tư đã chứng minh hiệu quả, khi bắn hạ một chiếc máy bay tàng hình F-117 Nighthawk vào ngày 27-3-1999 và một chiếc F-16 của NATO vào ngày 2-5 trong chiến tranh Kosovo.

Ngoài ra, nó còn bắn hạ một số UAV của Mỹ và NATO trong các cuộc chiến tranh khác.

Hệ thống Buk M-2E là biến thể hiện đại nhất của hệ thống Buk (Cây sồi), ra đời năm 2008, có khả năng ngắm bắn cùng lúc 4 mục tiêu trong khi đang theo dõi 24 mục tiêu khác.

Nó sử dụng tên lửa 9M317 (Nato gọi là SA-17 Grizzly) có tầm bắn 3 - 50 km, độ cao tối đa 25 km với vận tốc đạt tới Mach 4.


Hệ thống phòng không Buk M-2E có tầm phóng tới 3 - 50 km

Hệ thống phòng không Buk M-2E có tầm phóng tới 3 - 50 km

Một tiểu đoàn Buk tiêu chuẩn gồm 6 xe phóng tên lửa, mỗi xe mang 4 quả tên lửa trên bệ, cùng 4 quả dự trữ.

Hệ thống này chỉ cần 5 phút để triển khai chiến đấu và rút khỏi trận địa sau khi phóng. Thời gian phản ứng của tổ hợp từ khi theo dõi mục tiêu tới khi phóng tên lửa là khoảng 22 giây.

Còn hệ thống Pantsir-S1 (Nato gọi là SA-22 Greyhound) là tổ hợp phòng không tích hợp pháo phòng không tự động 30 mm 2A72, radar và tên lửa đối không 57E6-1. Loại tên lửa này có vận tốc 1300 m/s (tương đương mach4), tầm bắn 20 km, trần bắn tối đa 15 km.

Các nhà sản xuất vũ khí Nga khẳng định hệ thống này có thể bắn hạ cả máy bay tàng hình, UAV tàng hình và tên lửa hành trình.

Hệ thống tên lửa S-200 có thể tiêu diệt các mục tiêu cách duyên hải Syria 140 - 150 km, tiêu diệt các mục tiêu cách vùng núi nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và trung tâm công nghiệp lớn 100 km.

Còn tầm bắn của tên lửa S-75 sau nâng cấp cũng có thể đạt 50 -70 km.

Cuối tháng 6-2012, lực lượng phòng không Syria đã bắn rơi máy bay trinh sát RF-4E Phantom của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ gần như ngay lập tức, khi máy bay này tiến hành trinh sát và xâm phạm vùng trời Syria.

Điều này chứng tỏ khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của hệ thống phòng không Damacus.


Syria đã bắn rơi máy bay trinh sát RF-4E Phantom của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6-2012

Syria đã bắn rơi máy bay trinh sát RF-4E Phantom của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6-2012

Syria tập trung bảo vệ không phận tây nam giáp giới Israel và Lebanon

Tuy trong biên chế hệ thống phòng không của Syria chỉ có 12 - 15% vũ khí hiện đại, rất khó đối phó thành công với các cuộc không kích mạnh, trên diện rộng của Mỹ-NATO. Tuy nhiên, ở các vùng, các hướng trọng điểm đều được tập trung bảo vệ rất chặt chẽ.

Thông qua phân tích sơ bộ, đơn giản đối với hệ thống hỏa lực của lực lượng phòng không Syria, không khó để phát hiện, chủ lực phòng không của quân đội Syria tập trung bảo vệ hai hướng tây nam (giáp Lebanon và Israel) và bắc-tây bắc (giáp Thổ Nhĩ Kỳ).

Đầu năm 2012, Quân đội Syria triển khai radar phiên bản nâng cấp do Nga chế tạo ở khu vực phía nam Damascus và vùng núi giáp Lebanon, với mục đích kịp thời nắm được thông tin cảnh báo sớm về khả năng tấn công đường không của Quân đội Israel.

Tuyến đường xâm nhập bí mật siêu thấp và thấp của khu vực phòng không ở những hướng này do 3 tiểu đoàn tên lửa S-200, 3 tiểu đoàn tên lửa S-75 và 2 tiểu đoàn tên lửa S-125 bảo vệ và được sự yểm trợ của một số tổ hợp Buk.

Ngoài ra, hỏa lực phòng không lục quân của các lữ đoàn, sư đoàn bộ binh và bộ binh cơ giới cũng có hàng trăm hệ thống tên lửa phòng không vác vai cùng pháo phòng không tầm thấp, kiểu cơ động Shilka và các trận địa pháo phòng không cố định.

Do đó, mặc dù kể cả chưa có S-300 thì hệ thống phòng không của Syria vẫn được đánh giá khá cao, nhưng họ liên tiếp thất bại dưới các cuộc không kích của Israel.


Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka do Liên Xô chế tạo

Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka do Liên Xô chế tạo

Kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến ở Syria vào tháng 3-2011, máy bay chiến đấu của Israel vẫn thường xuyên không kích các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria, với lý do ngăn cản không để Hezbollah tiếp cận được với nguồn vũ khí từ Iran qua Syria.

Hầu như năm nào Israel cũng tiến hành không kích vào lãnh thổ Syria. Gần đây nhất là vào hồi cuối tháng 10-2015, Không quân Israel đã tiến hành ném bom nhằm vào nhiều địa điểm đóng quân của lực lượng quân đội Syria ở cao nguyên Golan.

Trước đó, Israel cũng đã nhiều lần tập trung đánh vào các đoàn xe chở vũ khí đến biên giới Lebanon cho lực lượng Hezbolah.

Điển hình như vụ tập kích tháng 5-2013, chiến đấu cơ của Israel đã đột nhập vào Syria không kích một đoàn xe chở vũ khí đang di chuyển trên tuyến đường từ Damascus ra biên giới.

Có thể nhận định rằng, mặc dù đã chú ý đề phòng nhưng trong thời điểm hiện tại Syria rất khó đối phó với những đòn đánh kiểu này, bởi không quân Israel sử dụng chiến thuật tập kích đường không bí mật, với một nhóm nhỏ máy bay chiến đấu (khác với không kích ồ ạt).

Đối phó với chiến thuật này, quan điểm cho rằng phải sở hữu những hệ thống phòng không tầm cao, tầm xa hiện đại là vô cùng sai lầm. Để hiểu về điều này, trong kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu về các biện pháp kỹ, chiến thuật của một số vụ tập kích đường không tiêu biểu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại