Pháp có đưa bộ binh tham chiến tại Syria?
Tuyên bố trên của ông Hollande làm chúng ta nhớ lại thời điểm nước Mỹ sau vụ tấn công khủng bố hôm 11/9/2001, khi đó Tổng thống Bush cũng đưa ra những phát ngôn mạnh mẽ không kém và ít lâu sau là một chiến dịch trên bộ lớn diễn ra tại Afghanistan.
Mỹ với sức mạnh kinh tế và quân sự hùng hậu của mình đã dễ dàng tiến hành "cuộc trả thù" sau khi niềm kiêu hãnh bị tổn thương nghiêm trọng. Nhưng đối với Pháp, việc này không hề dễ dàng cho dù họ cũng là một nước lớn.
Thực tế đã chứng minh hiện nay chỉ có duy nhất Mỹ là đủ khả năng tiến hành các hoạt động quân sự trên quy mô lớn tại một quốc gia cách xa lãnh thổ của họ, những đồng minh như Pháp, Anh... chỉ chuyên "đóng vai phụ" mà thôi.
Tiềm lực của Pháp hiện không cho phép họ độc lập triển khai bộ binh để truy quét khủng bố tận hang ổ của chúng, đơn thuần trả đũa bằng các cuộc không kích thì hiệu quả thu được sẽ cực kỳ ít ỏi, thậm chí còn là liều thuốc kích thích IS tổ chức nhiều cuộc tấn công hơn trong tương lai.
Pháp cũng rất khó lôi kéo Mỹ tham chiến cùng với mình, do lúc này ưu tiên của Mỹ đã chuyển sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương và còn đang tìm cách rút lui trong danh dự tại Iraq cũng như Afghanistan. Trong tình cảnh trên, rất có thể cứu cánh của Pháp lại chính là Nga.
Độc lập tổ chức một chiến dịch quân sự trên bộ tại Syria là quá sức đối với Pháp
Nga - Pháp sẽ gạt bỏ bất đồng, chung tay chống khủng bố?
Có thể nói hiện nay Nga mới chính là quốc gia thể hiện rõ quyết tâm tiêu diệt IS nhất.
Không quân Nga ngoài việc sử dụng máy bay ném bom liên tục đánh phá với cường độ cao, họ còn cho cả trực thăng vũ trang tham gia yểm trợ hỏa lực trong các chiến dịch trên bộ của Quân đội Syria (SAA) và đã tạo sự thay đổi lớn trên chiến trường.
Thậm chí gần đây còn có thông tin cho biết về sự hiện diện của bộ binh Nga tại Syria với số lượng ngày càng lớn. Mặc dù Nga vẫn bác bỏ việc tấn công IS trên bộ, nhưng với sự xuất hiện của vũ khí hạng nặng như xe tăng T-90A thì khả năng này vẫn không thể loại trừ.
Nga cũng giống như Pháp, mặc dù là một cường quốc nhưng cũng chưa đủ sức tiến hành một cuộc chiến dài ngày tại nghìn dặm xa. Do vậy, lựa chọn phương thức tác chiến yểm trợ hỏa lực trên không cho SAA tỏ ra là một chiến thuật khá hợp lý.
Nhưng các diễn biến mới nhất cho thấy viễn cảnh Nga sa lầy vào một cuộc chiến kéo dài tương đối cao, đặc biệt khi các cuộc không kích tỏ ra đã bắt đầu "bão hòa" trong khi kết quả thì chưa được như mong muốn.
Chắc chắn Tổng thống Putin rất muốn nhanh chóng kết thúc chiến dịch quân sự, nhất là khi kinh tế Nga vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, nên sắp tới có thể đặc nhiệm Nga sẽ phải tham chiến bên cạnh binh lính Syria.
Xe tăng T-90A của Nga tại Latakia, Syria
Tuy nhiên tính khả thi của giải pháp trên cũng chưa có gì chắc chắn. Cần nhắc lại rằng trong vài năm qua, thực chất Anh, Mỹ cũng đã cử các nhóm đặc nhiệm và lính bắn tỉa âm thầm xâm nhập Syria để tiêu diệt quân IS nhưng hiệu quả vẫn còn khiêm tốn.
Gần như chắc chắn muốn tiêu diệt tận gốc IS phải có một chiến dịch trên bộ quy mô lớn được tiến hành bởi liên quân nhiều quốc gia. Nếu vậy, Nga và Pháp có sẵn sàng gạt bất đồng qua một bên để thiết lập liên minh quân sự?
Đây sẽ là kịch bản tốt cho cả hai, khi vừa san sẻ bớt gánh nặng cho nhau lại vừa là cơ hội để vượt qua cái bóng lớn bao trùm lên khắp thế giới của "Chú Sam", tái khẳng định vị thế cường quốc của hai nước.
Viễn cảnh Nga - Pháp liên minh mở chiến dịch quân sự trên bộ lớn tại Syria là điều đáng được mong chờ, bởi nhiều khả năng sẽ còn có những nước khác gia nhập sau, khi đó việc tổ chức khủng bố tàn bạo nhất hành tinh sớm bị tiêu diệt là điều chắc chắn.