Status-6 - Vũ khí khiến lá chắn tên lửa Mỹ trở nên bất lực

Đức Anh |

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu đường không có thể sẽ trở nên vô dụng trước vũ khí Status-6 của Nga.

Truyền thông Nga "vô tình" làm lộ bí mật

Trong một buổi ghi hình cuộc họp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức Bộ Quốc phòng. Không rõ do vô tình hay cố ý, truyền thông Nga đã để lộ bản vẽ thiết kế tàu ngầm hạt nhân mới cùng hệ thống vũ khí Status-6.

Các hình ảnh sau đó đã được kênh truyền hình Nga gỡ xuống, nhưng nhiều báo nước ngoài vẫn kịp dẫn lại và gây xôn xao giới tình báo phương Tây.

Ngoài tàu ngầm tấn công hạt nhân mới 09852 Belgorod và 09851 Khabarovsk, bản vẽ thiết kế hệ thống vũ khí đại dương đa mục đích Status-6 là đối tượng được giới phân tích phương Tây đặc biệt chú ý.

Theo BBC, Status-6 có nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của đối phương ở khu vực ven biển.

Đầu đạn hạt nhân lắp trên Status-6 sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng lãnh thổ đối phương bằng cách tạo ra khu vực nhiễm phóng xạ rộng lớn, không thể sử dụng cho mục đích quốc phòng, kinh tế trong thời gian dài.


Tên lửa đánh chặn của hệ thống NMD, Mỹ trong một lần thử nghiệm. Chúng có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không nhưng bất lực trước Status-6. Ảnh: USAF

Tên lửa đánh chặn của hệ thống NMD, Mỹ trong một lần thử nghiệm. Chúng có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không nhưng bất lực trước Status-6. Ảnh: USAF

Lá chắn tên lửa Mỹ bất lực

Mỹ bắt đầu xây dựng lá chắn tên lửa xuyên lục địa (NMD) từ năm 2002. Washington tuyên bố, NMD ra đời nhằm bảo vệ các đồng minh của họ trước mối đe dọa từ Triều Tiên và Iran.

Đến năm 2009, chương trình được mở rộng để sử dụng cả hệ thống tên lửa cố định và di động tầm trung khác cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa.

Giai đoạn 1, Mỹ đã triển khai 30 tên lửa đánh chặn trong silo cố định ở Kuwait, Qatar, UAE và hệ thống phòng không Patriot ở Bahrain.

Bên cạnh đó là lắp đặt radar cảnh báo sớm khu vực Địa Trung Hải ở Thổ Nhĩ Kỳ, nâng cấp các tàu Aegis với tên lửa đánh chặn SM-3, bổ sung một trạm radar cảnh báo sớm ở Nhật Bản nhằm hỗ trợ cho trạm ở Alaska.

Giai đoạn 2 và 3 chủ yếu tập trung vào nâng cấp tên lửa SM-3 để đánh chặn tên lửa ở độ cao 1.500 km bên ngoài bầu khí quyển.

Giai đoạn 4 được tính đến sau năm 2020, sẽ phát triển một tên lửa đánh chặn tinh vi hơn để thay thế cho SM-3.

Với kế hoạch chi tiết cùng vũ khí tối tân, hệ thống NMD có thể vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo liên lục địa nhắm vào Washington. Bên cạnh đó, việc mang NMD đến Romania và Ba Lan sẽ khiến an ninh quốc gia Nga bị đe dọa.


Bản vẽ hệ thống vũ khí Status-6 bất ngờ rò rỉ trên sóng truyền hình Nga. Ảnh: BBC

Bản vẽ hệ thống vũ khí Status-6 bất ngờ rò rỉ trên sóng truyền hình Nga. Ảnh: BBC

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Status-6 có thể làm phá sản kế hoạch NMD của Washington.

Theo hãng tin TASS, Status-6 là một loại ngư lôi có phạm vi hoạt động lên đến 10.000 km, nó hoạt động ở độ sâu 1.000 m và được trang bị nhiều công nghệ tối tân để qua mặt các thiết bị dò tìm dưới nước.

Tờ Rossiiskaya Gazeta, Nga gọi Status-6 là robot tàu ngầm mini di chuyển ở tốc độ 100 hải lý/giờ.

Điểm đặc biệt khác của Status-6 là nó được lắp và phóng từ bên dưới thân tàu ngầm mẹ, nên các vệ tinh do thám rất khó phát hiện ra chúng. Status-6 sẽ di chuyển một cách lặng lẽ dưới nước mà “quỷ không biết, thần chẳng hay” để tiếp cận bờ biển đối phương.

Theo một số nguồn tin, Status-6 nhiều khả năng sẽ được trang bị đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ lên tới 100 megaton.

Konstantin Sivkov, nhà chính trị học người Nga nói với BBC rằng, vụ nổ từ đầu đạn này có thể tạo ra cơn sóng thần có chiều cao 500 m và quét sạch mọi thứ trong phạm vi 1.500 km.

Đầu đạn hạt nhân mà Status-6 mang theo sẽ xóa sổ các khu vực ven biển mà lá chắn NMD hoàn toàn bất lực, vì chúng được thiết kế để đánh chặn từ trên không. Khi người Mỹ còn chưa kịp hoàn thành NMD theo kế hoạch thì Nga đã sắp có vũ khí làm phá sản NMD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại