Nga lập lá chắn tên lửa chống tấn công từ vũ trụ như thế nào?

Đức Dũng |

Sau khi thống nhất các lực lượng, một lá chắn tên lửa tầm cao được dàn trận, có thể đánh chặn được các mục tiêu như tên lửa đạn đạo, máy bay, tên lửa hành trình và máy bay không người lái ở mọi độ cao.

Hệ thống tên lửa của quân đội Nga

Kênh truyền hình quốc phòng Nga Star dẫn lời phát ngôn viên Lực lượng phòng không vũ trụ Nga (VKO) – Đại tá Alexei Zototukhin cho biết:

Các hệ thống tên lửa tầm cao S-400 "Triumph", S-300 "Favorit" và tổ hợp tên lửa - pháo phòng không "Pantsir-S" kết hợp với lực lượng phòng thủ tên lửa đã thực hiện hơn 50 vụ phóng tên lửa, mô phỏng một cuộc tấn công phòng không vũ trụ thông thường chống lại kẻ thù.

Lực lượng phòng không vũ trụ là một trong những binh chủng mới nhất của quân đội Nga, là sự kết hợp của Lực lượng phòng thủ không gian (theo dõi hoạt động các vệ tinh quay quanh Trái đất và kiểm soát không gian vũ trụ) và Lực lượng phòng không không quân (PVO).

Mục đích thành lập Lực lượng này nhằm bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công bằng đường không từ ngoài vũ trụ.

Trung tâm của hệ thống bảo vệ là trạm radar cảnh báo tên lửa tầm xa “Don-2N” đặt tại vùng Serpukhov, ngoại ô Moscow và hệ thống phòng thủ tên lửa A-135.

Sau khi thống nhất các lực lượng, một lá chắn tên lửa tầm cao được dàn trận, có thể đánh chặn được các mục tiêu như tên lửa đạn đạo, máy bay, tên lửa hành trình và máy bay không người lái ở các độ cao khác nhau.

Nhờ đó, 90% khu vực thủ đô Moscow và khoảng 60% các khu công nghiệp trọng điểm của Nga được bảo vệ an toàn.

A-135 là hệ thống phòng thủ tên lửa độc nhất trên thế giới, bởi nó khác xa với các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và các nước khác. Các nhà thiết kế Nga đã chế tạo ra hệ thống phòng thủ này bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Độc nhất trong cách thức tiếp cận để đánh chặn các mục tiêu bằng đầu đạn hạt nhân. Khi thâm nhập vào tầng khí quyển, đơn vị chiến đấu của A-135 tăng vận tốc tới 10 km/s. Tại thời điểm hiện tại, không radar nào có thể đo được vận tốc này.

Hệ thống phòng không S-400 của quân đội Nga

Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ bao gồm: tổ hợp đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa GMD (Ground-based Midcourse Defense) và hệ thống THAAD (Terminal High Altitude Area Defense system) - bắn hạ tên lửa tầm trung và tầm ngắn trong một vài phút trước khi đánh trúng mục tiêu.

Hệ thống tên lửa này được Mỹ chế tạo hơn chục năm, không thể coi là 1 thành tựu lớn. Chỉ có 31 trong số 39 vụ phóng thử nghiệm hệ thống THAAD thành công.

Một nửa số này được đưa vào sử dụng mô phỏng loại tên lửa đạn đạo nổi tiếng của Liên Xô R-17 (NATO gọi là SS- 1 Scud).

Loại tên lửa này đã lỗi thời, quỹ đạo bay quá đơn giản. Theo người Mỹ, trường hợp sử dụng loại tên lửa hiện đại hơn thì kết quả có thể thay đổi hoàn toàn.

Ví dụ so sánh với loại tên lửa đạn đạo Topol-M và Yars của Nga. Vận tốc khởi hành của 2 loại này lớn hơn nhiều so với R-17, quỹ đạo bay cũng phức tạp hơn, đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa có thể bay với vận tốc siêu thanh và di chuyển tích cực tiếp cận mục tiêu.

Nếu người Mỹ không dự đoán được điểm dừng của chúng trong giây tiếp theo, họ sẽ không thể ngắm bắn chính xác được.

Tuy nhiên, các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga cũng có vấn đề tương tự. Hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 bảo vệ thủ đô Moscow được cải tiến so với những năm 70, ngăn chặn triệt để sự tấn công của các đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa đánh chặn sẽ bay vào khu vực dự báo xuất hiện đầu đạn hạt nhân của địch và tự làm nổ đầu đạn của mình. Nhưng hậu quả các vụ nổ hạt nhân không chỉ gây ô nhiễm phóng xạ cho toàn khu vực Moscow mà còn nhiều thiệt hại nghiêm trọng nữa.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc phòng STAR, ông Ruslan Pukhov - Giám đốc trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ LBNga cho biết:

“Vấn đề không phải là hệ thống GMD và THAAD bắn hạ được bao nhiêu đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo, mà nằm ở công nghệ Mỹ sử dụng để chế tạo chúng.

Như trong hệ thống THAAD, Mỹ sử dụng công nghệ đánh chặn bằng động lực học - chỉ sử dụng động năng của một đơn vị phần cứng, tên lửa không có phần đầu đạn riêng biệt”.

Nói cách khác, các tên lửa đánh chặn phải đâm trực tiếp vào mục tiêu, đòi hỏi tốc độ đánh chặn cao, nhắm mục tiêu chính xác và cú đánh chính xác hoàn hảo.

Nhưng radar hiện đại của Hệ thống phòng không/ phòng thủ tên lửa Mỹ lại không thể phát hiện được các tên lửa hành trình siêu thanh cũng như các đầu đạn hạt nhân.

Người Mỹ vẫn liên tục tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật mới. Hệ thống GMD và THAAD được coi là chuẩn mực đánh giá sự phát triển công nghệ đánh chặn tên lửa của Mỹ.

Còn ông Pavel Sozinov - Giám đốc thiết kế của tập đoàn sản xuất vũ khí Almaz Antey, cho biết:

Gần đây Nga đang chế tạo hệ thống tương tự (bản sao) của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung và các đầu đạn của tên lửa đạn đạo liên lục địa trong phạm vi hạn hẹp.

Quá trình hiện đại hóa sẽ ảnh hưởng tới hệ thống A-135 - hệ thống phòng thủ tên lửa bí mật nhất của Nga, bảo vệ thủ đô Moscow.

Ông Sozinov tiết lộ, “Nga đang chế tạo một phiên bản cơ động của hệ thống THAAD. Nó có vài tính năng khác.

Theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng, chúng tôi phải cung cấp hệ thống đánh chặn có hiệu suất cao hơn hẳn so với hệ thống THAAD của Mỹ. Các nguyên mẫu của phiên bản mới này sẽ đưa vào phục vụ cho quân đội Nga trong thời gian tới”.

Tháng 12 năm 2012 tại thao trường Sary-Shagan ở Kazakhstan, Nga đã phóng thử thành công một tên lửa đánh chặn tầm ngắn.

Nga đã phóng thử tên lửa 53T6 (đã được nâng cấp) thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa A-135. Bộ Quốc phòng không giải thích gì về vấn đề này.

Nhưng theo một số nguồn tin, tên lửa đánh chặn này được cải thiện về độ chính xác đánh trúng mục tiêu. Cũng có thể, các đầu đạn hạt nhân được thay thế bằng các chất nổ ít độc hại hơn.

Tất cả điều này dẫn đến việc cần thiết phải chế tạo ra các phương tiện mới phát hiện và hướng dẫn cho tên lửa đánh chặn.

Hệ thống S-300 bắn đạn thật

Đáp ứng vấn đề này, một hệ thống các trạm radar mới cảnh báo sớm tên lửa lớp Voronezh được xây dựng. Trạm radar đầu tiên được triển khai hoạt động tại làng Lekhtusi ,ngoại ô St. Petersburg năm 2008.

Và Quân đội đã thu được thành quả lớn, radar có thể quan sát mọi hoạt động diễn ra trong không trung và vũ trụ trong phạm vi từ bờ biển Morocco đến Spitsbergen và tầm nhìn xa tới bờ biển phía đông của Mỹ.

Trạm radar thứ hai được đặt tại vùng Armavir năm 2009, giám sát khu vực từ Bắc Phi đến Ấn Độ.

Năm 2011, một trạm radar nữa được đăt tại làng Pioneer thuộc tỉnh Kaliningrad bao quát khu vực phía Tây (trước đó thuộc phạm vi giám sát của các trạm radar tại vùng Mukachevo – Ukraine và Baranovich – Belarus).

Trạm radar tại Armavir thay thế cho trạm radar Gabala ở Azerbaijan. Tương lai gần, một trạm mới sẽ được đặt tại khu vực Irkutsk, có khả năng bao quát cả khu vực rộng lớn từ Trung Quốc đến bờ biển phía Tây của Mỹ.

Trạm radar này sẽ là trạm chiến đấu thí điểm. Năm nay theo kế hoạch các trạm radar tương tự sẽ được lắp đặt tại thị trấn Yeniseysk thuộc Krasnoyarsk, thành phố Barnaul thuộc lãnh thổ Altai.

Các trạm radar đặt tại Vorkut (thành phố Pechora, Cộng hòa Komi), Murmansk và Orsk bắt đầu được xây dựng.

Theo Đại tá Alexei Zototukhin - người phát ngôn của Lực lượng phòng không vũ trụ Nga: “ Sau khi vận hành tất cả các trạm radar này , có thể nói rằng, chúng ta đã khôi phục hoàn toàn hệ thống radar cảnh báo tên lửa sớm của đất nước”.

Tuy nhiên, do thiếu “Mắt thần”, các trạm radar lớp Voronezh mất khoảng thời gian đáng kể để phát hiện mục tiêu tên lửa đạn đạo. “Mắt thần” là tên gọi một loại vệ tinh của Nga, chuyên phát hiện dấu hiệu các vụ phóng tên lửa đạn đạo ở nước ngoài.

Gần đây, Nga đã gặp phải vấn đề nghiêm trọng. Nga gần như hoàn toàn mất đi khả năng tập hợp nhóm thiết bị này.

Tháng 4 năm ngoái, do lỗi kỹ thuật vệ tinh cuối cùng trong chuỗi thiết bị 8 vệ tinh đã vượt ra khỏi quỹ đạo. Vì nguyên do này, các hệ thống cảnh báo sớm tên lửa của Nga chỉ có thể kiểm soát lãnh thổ của Mỹ ba giờ một ngày.

Năm ngoái, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nga - Sergei Shoigu đã tuyên bố thành lập Hệ thống phát hiện các vụ phóng tên lửa thống nhất toàn Nga (EKS) để phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo.

Theo các nguồn tin, Nga sắp cho ra mắt một loại vệ tinh cảnh báo tên lửa đạn đạo mới có tên 14F142 "Tundra". Viện nghiên cứu khoa học trung ương “Kometa” và Tập đoàn tên lửa vũ trụ “Energia” tham gia chế tạo loại vệ tinh này.

Theo báo cáo, vệ tinh Tundra có khả năng phát hiện được khu vực, mục tiêu nhắm bắn của tên lửa đạn và các loại tên lửa khác (bao gồm cả tên lửa phóng ra từ tàu ngầm).

Trên thiết bị này sẽ cài đặt hệ thống kiểm soát và trong trường hợp cần thiết, thông qua hệ thống này, tín hiệu tấn công trả đũa sẽ được đưa ra.

Sắp tới thành phần cơ bản của hệ thống phòng thủ tên lửa Nga sẽ sát nhập vào hệ thống tên lửa S-400 "Triumph" (phiên bản hiện đại hóa của hệ thống tên lửa phòng không S-300 với lực lượng điện tử hiện đại) và S-500 "Triumphant".

Trung tâm điều khiển

Tổng biên tập báo "Người đưa tin quốc phòng"- ông Mikhail Khodarenok cho biết “S-500 là hệ thống tên lửa thế hệ mới, có khả năng chiến đấu với tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, vệ tinh và các mục tiêu trong phạm vi nhỏ.

Nó được chế tạo để giải quyết một số thách thức như: lựa chọn các mục tiêu thực và giả ở khoảng cách lớn, đảm bảo đánh chặn các tên lửa có vận tốc siêu thanh, theo dõi và hướng dẫn đường đi chính xác cho tên lửa đánh chặn. Nó giải quyết mọi vấn đề người Mỹ đang vấp phải hiện nay”.

Hệ thống S-500 dự kiến sẽ được kết hợp với hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Moscow. Trong tương lai, hệ thống phòng thủ tên lửa mới A-235 cũng sẽ thay thế cho tổ hợp này.

Với sự tham gia của hệ thống A-235, khả năng quân đội Nga sẽ có một tổ hợp phòng thủ tên lửa lý tưởng nhất tính tới thời điểm đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại