Nga vốn là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, tuy nhiên thị trường chủ yếu của vũ khí Nga là tại châu Á, các nước thuộc Liên Xô cũ và một số quốc gia Mỹ Latin.
Trung Đông trước kia cũng là thị trường truyền thống của vũ khí Liên Xô, nhưng từ khi khối Warsaw tan rã, Nga không còn giữ được vị thế của mình tại khu vực này.
Tuy rằng Syria, Libya, Iran vẫn là bạn hàng truyền thống của Nga, nhưng thị phần ngày càng thu hẹp. Đặc biệt ở Iran và Libya, Moscow đã mất khá nhiều hợp đồng do áp lực từ phương Tây.
Nhưng thời gian gần đây tình hình đã dần có những chuyển biến tích cực. Nhiều quốc gia trước kia quen mua khí tài Mỹ như UAE cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến vũ khí Nga.
Su-35 bắt đầu đắt hàng
UAE, Kuwait, Ai Cập bày tỏ mong muốn mua tiêm kích đa năng Su-35 của Nga.
Sự chuyển biến trên xuất phát từ “màn trình diễn” ấn tượng của các chiến đấu cơ hiện đại mà Moscow điều đến Syria không kích IS. Lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga điều động một lượng lớn khí tài quân sự vượt hàng nghìn kilomet đến Trung Đông để tham chiến.
Đây cũng là lần đầu tiên một số loại chiến đấu cơ hiện đại nhất của Nga xuất kích chiến đấu trực tiếp, như máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 Fullback hay tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-30SM Flanker-H.
Trong các phi vụ oanh tạc, Su-34 đã chứng minh hiệu năng đáng nể khi đánh trúng mục tiêu mặt đất với độ chính xác cao. Tần suất xuất kích của chiến đấu cơ Nga khiến giới quân sự phương Tây phải ngạc nhiên.
Ngoài tiến hành không kích, Hải quân Nga còn phóng tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu của IS từ biển Caspian, cách đó hơn 1.500 km.
Từ dội bom đến nã tên lửa hành trình, quân đội Nga đã cho thấy một sự hồi sinh đáng kinh ngạc sau nhiều năm trì trệ. Màn thể hiện ấn tượng đó đã tạo động lực cho các quốc gia Trung Đông tìm đến vũ khí Nga.
Một trong những chủng loại vũ khí được khu vực này quan tâm là tiêm kích Su-35. Xét về tính năng, Su-35 còn hiện đại hơn cả Su-30SM.
Giới phân tích quân sự thế giới đánh giá rất cao Su-35 nên hiển nhiên nhiều quốc gia đang muốn sở hữu chiến đấu cơ này nhằm tăng cường sức mạnh quân sự.
Theo Ria Novosti, trong khuôn khổ triển lãm hàng không quốc tế Dubai Air Show 2015, Kuwait đã bày tỏ sự quan tâm đến tiêm kích Su-35 và một số vũ khí hiện đại khác của Nga. Đặc biệt hơn là UAE, nước vốn có truyền thống mua vũ khí Mỹ cũng tỏ ý muốn có Su-35.
Không quân Bahrain thì mong muốn sở hữu trực thăng vũ trang Mi-35 sau khi nghe giới thiệu về đặc tính kỹ chiến thuật ưu việt của nó. Theo một quan chức của tập đoàn Rostec, đầu năm 2016 Nga sẽ giao cho Ai Cập 1 chiếc tiêm kích MiG-35 để nước này đánh giá.
S-300, S-400 cháy hàng
S-400 Triumf sản xuất chưa đủ trang bị cho quân đội Nga nhưng nhiều khách hàng nước ngoài đã muốn mua hệ thống này.
Bên cạnh chiến đấu cơ, hệ thống phòng không của Nga cũng đang nhận được sự quan tâm lớn từ các khách hàng Trung Đông. Cụ thể, Ria Novosti cho biết Saudi Arabia đang muốn mua hệ thống phòng S-400 Triumf.
Nhưng theo đại diện của tập đoàn Rostec, thương vụ trên chỉ có thể thực hiện sau khi hoàn thành trang bị cho quân đội Nga và hoàn tất hợp đồng với Trung Quốc.
Kuwait cũng bày tỏ mong muốn mua hệ thống phòng không tầm xa S-300 và tổ hợp tên lửa - pháo phòng không tích hợp Pantsir-S1. Theo Ria Novosti, ngày 10/11, Nga và Kuwait đã ký bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật quân sự
Ngoài các khách hàng mới, hợp đồng S-300 với Iran bị gián đoạn trước đây sẽ được ký kết lại vào năm 2016. Theo Interfax-AVN, Iran sẽ mua khoảng 4 sư đoàn S-300PMU2, quá trình giao hàng bắt đầu từ năm 2017.
Ngoài ra, các nước Trung Đông còn muốn mua trực thăng vận tải đa năng Mi-17/171, xe tăng T-90 và nhiều loại khí tài khác.
Không chỉ có các thương vụ mua sắm mới, Moscow còn đang đứng trước cơ hội lớn để tiếp nhận các hợp đồng nâng cấp một số loại vũ khí mà trước đây Liên Xô xuất khẩu cho khu vực này.
Rõ ràng quyết định điều động vũ khí hiện đại nhất tham chiến chống IS của Tổng thống Vladimir Putin đã tạo cú hích cho vũ khí Nga trên thị trường thế giới.