"Đánh Ukraine sẽ là cơn ác mộng đối với Putin"

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Tờ Washington Post của Mỹ vừa có bài viết nhận định rằng có những cơ sở để tin Nga sẽ không bao giờ sử dụng tới "giải pháp cuối cùng" là vũ lực ở Ukraine.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Lực lượng quân đội Nga đang trong giai đoạn đầu của chương trình hiện đại hóa kéo dài 7 năm và theo dự kiến khó có thể hoàn thành trước năm 2020.

Theo một bản báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ mới được công bố cách đây một tuần cho hay thiếu kinh phí trong những năm 1990 và đầu những năm 2000 đã khiến khả năng chiến đấu, huấn luyện, đạo đức, kỷ luật trong quân đội (Nga) xuống dốc, các ngành công nghiệp vũ trang trở nên già cỗi.

Cuộc xung đột vũ trang với Gruzia năm 2008 đã cho thấy nhiều yếu kém trong hoạt động của quân đội Nga, thôi thúc Tổng thống Putin đầu tư cho chi tiêu quốc phòng và tái cơ cấu lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, nỗ lực này đã bị kìm hãm bởi những bất cập trong quản lý, thay đổi kế hoạch, những vấn đề về con người và tham nhũng”.

Cân nhắc tình hình ở Ukraine và Crimea, bản báo cáo cho rằng, rất đáng để quan sát xem người Nga nhìn nhận những mối đe dọa quân sự trước mắt của họ như thế nào.

Theo Ruslan Pukhov, một cựu quan chức quốc phòng của Nga và hiện là giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (một tổ chức nghiên cứu về mua bán vũ khí và công nghiệp quốc phòng của Nga) thì những cuộc xung đột đứng đầu trong danh sách "Những mối đe dọa của Nga" nằm ngay trong chính nội tại nước Nga (dưới hình thức ly khai nổi dậy) và những cuộc xung đột tương tự với các nước thuộc Liên Bang Xô Viết trước đây.

“Hầu hết những nước công hòa trên xem Nga là mối đe dọa chính tới chủ quyền của họ và hiện rất quan tâm tới việc làm suy giảm sự ảnh hưởng của Nga trên lãnh thổ của mình và trên thế giới bằng mọi cách”, Pukhov viết trong một bài báo về chiến lược Quốc phòng Nga hồi tháng 8 năm ngoái.

“Phương Tây đã đánh giá thấp tầm quan trọng của vấn đề Ukraine đối với Nga và vai trò của Ukraine như là một nhân tố gây bất ổn định to lớn trước mắt đối với mối quan hệ Nga – phương Tây ”, Pukhov viết.

Một mục đích khác của việc xây dựng lực lượng vũ trang của Nga là nhằm ngăn cản Mỹ và các quốc gia NATO can thiệp vào những cuộc xung đột của các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết trước đây hoặc nỗ lực của phương Tây nhằm ngăn chặn các hành động mà Nga có thể tiến hành nhắm vào những nước cộng hòa này.

Nhân sự là một vấn đề lớn với quân đội Nga.

Theo như chương trình cải cách 10 năm bắt đầu từ năm 2009, lực lượng quân đội Nga năm ngoái sẽ phải ở mức 1 triệu quân. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển được công bố hồi tháng 12/2013, con số trên chưa đầy 800.000 quân. Trong khi đó, Cơ quan nghiên cứu quốc hội Mỹ cho rằng Nga chỉ có khoảng 700.000 quân. Mặc dù vậy, đây hiễn vẫn là lực lượng quân sự lớn nhất trong khu vực. Theo nghiên cứu của Thụy Điển, Lục quân Nga hiện có khoảng 285.000 quân, bao gồm cả lính nghĩa vụ nhưng trên thực tế quân số trong mỗi đơn vị chỉ còn 40-60%.

Bản báo cáo của Mỹ cho hay, theo kế hoạch chi tiêu hơn 700 tỷ USD trong vòng 10 năm để hiện đại hóa vũ khí của Nga đã bắt đầu từ năm 2011 và bao gồm 89 tỷ USD cho “tái xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng phần lớn đã lạc hậu” cùng với việc nhập khẩu vũ khí và công nghệ từ nước ngoài.

Hậu cần cũng luôn là một vấn đề đặt ra đối với quân đội Nga bởi nó do Oboronservis, một tập đoàn nhà nước phụ trách. “Tập đoàn này được giao trách nhiệm tiến hành các dịch vụ bảo quản và hiện đại hóa vũ khí, xây dựng và hậu cần. Tuy nhiên, nó đã trở thành "mảnh đất màu mỡ cho tham ô, tham nhũng và sao nhãng nhiệm vụ”, nghiên cứu của Thụy Điển cho hay.

Đây không phải là nước Nga thời chiến tranh lạnh, và đồng thời nước Nga cũng sẽ không có nhiều đồng minh sẵn sàng tham gia cùng với Tổng thống Putin vào hành động quân sự ở miền đông Ukraine.

Theo Dmitry Gorenburg – một nhà phân tích khu vực của Trung tâm Nghiên cứu Hải quân của Mỹ, bất kì động thái nào như trên cũng sẽ dẫn tới một cuộc xung đột đẫm máu và có tiềm năng leo thang kéo dài” và thậm chí nếu Nga có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh như vậy, thì kết quả nó để lại vẫn là sự bất ổn lâu dài trên các khu vực biên giới của Nga. Ở một thời điểm nào đó, hoạt động chiến tranh du kích rất có khả năng xảy ra.

Tờ Washington Post kết luận, với thực trạng hiện nay của quân đội Nga, có cơ sở để tin rằng Tổng thống Putin sẽ không bao giờ tiến hành “giải pháp cuối cùng” mà ông đề ra.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tờ Washington Post

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại