Muốn chặn Nga, vì sao Mỹ không điều Hạm đội 6 tới Ukraine?

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Hạm đội 6 của Mỹ là một lực lượng đáng kể nhưng để triển khai trong một hành động quân sự tới Ukraine thì hoàn toàn không đơn giản.

Cho dù tối hậu thư buộc Ukraine đầu hàng từ Moscow chỉ là một đòn “tâm lý chiến” nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Nga sẽ khoanh tay đối với Ukraine, đặc biệt là bán đảo Crimea nơi Hạm đội biển Đen đã đóng quân được 231 năm. Câu hỏi đang được dư luận thế giới quan tâm là Mỹ-NATO sẽ làm gì nếu Moscow thực sự động binh với Ukraine?

Mạnh miệng nhưng tay run

Kể từ khi bất ổn chính trị tại Ukraine diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, Mỹ vẫn liên tiếp đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ tới Moscow về ý định can thiệp quân sự vào Ukraine. Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố “Nga sẽ phải trả giá đắt nếu có bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào vào Ukraine”.

Không lâu sau tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Nga Putin đã được sự cho phép của Duma Quốc gia để tiến hành các hành động cần thiết nhằm bảo vệ những người dân nói tiếng Nga tại Crimea. Cảnh báo của Washington hoàn toàn không có sức nặng đối với Moscow. Simon Tisdall, biên tập viên của tờ The Guardian (Anh) nhận định “Tổng thống Mỹ đã không xác định một cách rõ ràng về những cái giá mà Moscow phải trả. Người đứng đầu Nhà Trắng đang ở vào tình thế tiến thoãi lưỡng nan mà Mỹ và các đồng minh đang phải đối mặt”.

Người đứng đầu Nhà Trắng đang ở thế tiến thoái lưỡng nan đối với một phản ứng nào đó nếu Nga can thiệp quân sự vào Crimea.
Người đứng đầu Nhà Trắng đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan" đối với một phản ứng nào đó nếu Nga can thiệp quân sự vào Crimea.

Một viễn cảnh được nêu ra là Mỹ, Anh hoặc Pháp có thể triển khai số lượng lớn lực lượng chiến đấu có kinh nghiệm nhằm phản ứng lại một cuộc tấn công của Nga vào Crimea, nhưng đây là điều hoàn toàn không khả thi. Moscow chắc chắn đã nhìn thấy được vấn đề này và rất khó có thách thức như vậy đối với họ, tương tự như những gì đã xảy ra ở Gruzia.

Michael Crowley, một phóng viên cao cấp của tạp chí The Time nhận định “Nga còn nắm trong tay một công cụ quyền lực quan trọng là kinh tế, Nga hiện đang là một trong những nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Châu Âu đang dần phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Moscow. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, liệu họ có mạo hiểm lợi ích kinh tế của mình đối với Moscow?”

Tình hình đối với nước Mỹ thậm chí còn tồi tệ hơn, thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang vật lộn với những khó khăn nội bộ nên Ukraine khó lòng là một ưu tiên hàng đầu của họ.

Khó có thể triển khai quân tới Ukraine

Simon Tisdall bình luận thêm, ngay cả khi Mỹ muốn theo đuổi một lựa chọn quân sự cũng rất khó có thể triển khai một cách đáng tin cậy. Lực lượng quân sự Mỹ đồn trú ở miền Tây châu Âu liên tục bị cắt giảm trong thời gian qua. Hạm đội 6 của Mỹ có trụ sở tại Naples, Italia là một lực lượng đáng kể nhưng để triển khai trong một hành động quân sự tại Ukraine hoàn toàn không đơn giản.

Nếu có bất kỳ kế hoạch nào đối với Ukraine, họ phải vượt qua eo biển Dardanelles và Bosphorus để vào biển Đen. Đây là con đường hiệu quả nhất để tiến hành một hành động can thiệp vào Crimea. Tuy nhiên, ngay cả khả năng này cũng gần như không có chút khả thi nào. Sự di chuyển này rất có thể vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ chỉ có thể đứng nhìn Nga tung hoành ở Crimea mà chẳng làm được gì nhiều.
Mỹ chỉ có thể đứng nhìn Nga tung hoành ở Crimea mà chẳng làm được gì nhiều.

Mặc khác, bán đảo Crimea là một chốt chặn án ngữ trước mặt Ukraine, nơi đó có sự hiện diện của Hạm đội Biển Đen (Nga). Nếu liều lĩnh tiến vào biển Đen, hạm đội 6 của Mỹ chắc chắn sẽ vấp phải sự chống trả quyết liệt của hải quân Nga tại đây. Một cuộc xung đột quy mô lớn có thể xảy ra và chắc chắn không ai muốn điều này.

Nếu tính đến khả năng triển khai một chiến dịch hỗ trợ không kích từ hạm đội tàu sân bay Mỹ thì chỉ có thể triển khai từ Địa Trung Hải và họ phải mượn không phận Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện nhiệm vụ. Nhưng liệu Ankara có đủ sự liều lĩnh để chọc giận Moscow hay không là một câu hỏi gần như đã có sẵn đáp án.

Nếu chính quyền Kiev có kêu gọi hỗ trợ thì việc triển khai bộ binh Mỹ hay NATO cũng không phải là một kế hoạch có tính khả thi cao. NATO, liên minh quân sự lớn nhất thế giới, đã cho Mỹ nhận thấy rằng không theer có sự ảo tưởng nào trong việc hỗ trợ của châu Âu đối với một phản ứng quân sự dành cho Moscow.

Angela Merke, nhà lãnh đạo Đức mạnh mẽ nhất của châu Âu được chào đón ở London vào tuần trước. Hai nước lớn nhất châu Âu này không muốn thực hiện thêm bất cứ điều gì về chiến tranh, họ chỉ muốn gìn giữ hòa bình và rất miễn cưỡng đối với vấn đề này. Mối quan tâm hiện tại của Berlin là thương mại với Moscow. Họ muốn giữ nguồn cung cấp năng lượng, giữ ánh đèn trên những đường phố và những nhà máy hoạt động. Đó là Đức, tương lai không xa là Anh là quốc gia của những người bán hàng ở châu Âu.

Cách đây 5 năm, trong cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Gruzia, Mỹ-NATO cũng không có một phản ứng cụ thể nào đối với Moscow. Nội bộ khối quân sự lớn nhất thế giới này cũng bị chia rẽ sâu sắc trong việc đưa ra một phản ứng mạnh mẽ đối với Nga. Sự ràng buộc về kinh tế của NATO đối với Moscow là quá lớn để họ có thể đánh đổi nó bằng một cuộc phiêu lưu quân sự mới.

Từ những phân tích của các chuyên gia trên thế giới, có thể thấy rằng, Mỹ và NATO cũng chẳng làm được gì nhiều nếu Nga tiến hành một cuộc can thiệp quân sự vào Crimea. Họ chỉ có thể đứng ngoài cảnh báo Nga bằng những lời lẽ có phần “mạnh miệng” nhưng thực tế họ lại “run sợ” trước sức mạnh quân sự-chính trị và cả những ràng buộc kinh tế quá lớn đối với Moscow.

Rõ ràng, Ukraine là quá nhỏ để họ có thể đánh đổi sự đỗ vỡ trong mối quan hệ chính trị-kinh tế với Moscow. Thế chủ động trong cuộc chơi ở Ukraine đang nằm trong tay Nga nhưng họ vẫn khá thận trọng với tình hình tại đây. Hơn ai hết, Nga hiểu rằng một cuộc xung đột quân sự lớn giữa Nga-NATO sẽ là thảm họa cho cả đôi bên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại