Những mẫu xe tăng đoản mệnh trong lịch sử

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Nhiều vấn đề bất cập trong thiết kế đã khiến những mẫu xe tăng này không thể tồn tại lâu.

1. M60A2 (Mỹ)

M60 là dòng xe tăng chủ lực của quân đội Mỹ trước khi chiếc M1 Abram ra đời. Hai phiên bản sản xuất phổ biến nhất của M60 là M60A1 và M60A3, chúng sử dụng pháo cỡ 105mm. Tuy nhiên, vẫn còn một mẫu khác có tên M60A2, đây là một phiên bản đặc biệt, sử dụng pháo nòng ngắn cỡ lớn 152mm.

Pháo nòng ngắn là điểm nhận biết rõ ràng nhất của M60A2
Pháo nòng ngắn là điểm nhận biết rõ ràng nhất của M60A2

Loại pháo nòng lớn này được thiết kế để có thể đồng thời bắn đạn thông thường và là ống phóng cho tên lửa chống tăng có điều khiển Shillelagh. Nó từng được trang bị cho xe tăng hạng nhẹ Sheridan và dự kiến sẽ được trang bị cho MBT70, chương trình phát triển xe tăng thay thế cho M60. Mặc dù chương trình này sau đó bị hủy nhưng việc trang bị pháo 152mm cho M60 vẫn được tiếp tục.

Việc phát triển M60A2 được bắt đầu vào 1966, và quân đội Mỹ rất lạc quan về dự án này, do trên lý thuyết chỉ cần ráp tháp pháo mới vào thân xe M60 có sẵn. Tuy nhiên, việc chế tạo tháp pháo này gặp nhiều khó khăn và việc sản xuất hàng loạt chỉ có thể bắt đầu vào năm 1973.

M60A2 trên thực địa
M60A2 trên thực địa

Tuy vậy, quá trình phát triển kéo dài đó cũng không thể giải quyết các điểm yếu cố hữu của loại pháo 152mm. Cỡ nòng lớn khiến sức giật tăng lên, đồng thời kích thước đạn lớn khiến M60A2 chỉ có thể mang theo 46 viên đạn, thay vì 67 viên loại 105mm, trong đó bao gồm 13 tên lửa Shillelagh và 33 đạn thông thường.

Trong quá trình khai hỏa của đạn pháo 152mm, sức nóng và tàn lửa từ thuốc phóng có thể bị đẩy ngược vào trong tháp pháo và gây cháy. Sức mạnh từ liều thuốc phóng mạnh này còn làm giảm 1 nửa tuổi thọ của nòng súng trên M60A2 so với M60A1. Nó phải được thay thế sau mỗi 500 lần bắn.

Ngoài ra, tên lửa Shillelagh, lí do chính cho việc thiết kế loại pháo nòng ngắn 152mm, cũng có nhiều vấn đề riêng. Đầu đạn tên lửa chỉ có thể được kích nổ sau khi nó di chuyển ít nhất 600m, do đó không thể dùng trong cận chiến. Ngoài ra, cơ chế ngắm bắn của tên lửa khác với khi dùng đạn thông thường, và cần phải được căn chỉnh lại sau mỗi lần bắn đạn thông thường.

Hơn nữa, Shillelagh dùng cơ chế dẫn đường bằng sóng vô tuyến, có thể bị gây nhiễu bởi các biện pháp tác chiến điện tử của đối phương hay thậm chí là các thiết bị vô tuyến khác của đồng đội.

Các thiết bị điều khiển bên trong M60A2 cũng rất phức tạp, cộng với yêu cầu kỹ thuật cho việc bảo dưỡng cao là lí do các lính tăng gọi nó một cách hài hước là "Phi thuyền". Hệ thống điện tử điều khiển trên xe cũng không được thiết kế chống nước tốt, do đó có thể bị đoản mạch khi hoạt động trong môi trường nhiều nước, hơi ẩm…

Chỉ có 540 chiếc M60A2 được chế tạo, so với 8.000 chiếc M60A1 và 1.000 chiếc M60A3. Đến năm 1982, hầu như mọi chiếc M60A2 được thay thế tháp pháo, sử dụng lại loại pháo 105mm truyền thống và được cải biến thành mẫu M60A3, đồng nghĩa với việc mẫu tăng này chỉ có tuổi đời hơn 5 năm.

M60A2 chỉ được sử dụng trong thời gian rất ngắn
M60A2 chỉ được sử dụng trong thời gian rất ngắn

2. JS-3 (Liên Xô)

Joseph Stalin là dòng xe tăng hạng nặng được Liên Xô phát triển trong Thế chiến thứ 2. Trong đó, 2 mẫu JS-1 và JS-2 được sản xuất và kịp đưa vào sử dụng trong chiến tranh. Mẫu JS-3 bắt đầu được phát triển vào cuối 1944 và chỉ kịp được sử dụng ở quy mô nhỏ trong chiến dịch chống lại quân đội Nhật ở Mãn Châu.

Một trong số ít chiếc JS-3 còn hoạt động được hiện nay
Một trong số ít chiếc JS-3 còn hoạt động được hiện nay

Về khả năng cơ động, JS-3, nặng 51 tấn, được trang bị động cơ 600 mã lực, tương đương 11,8 mã lực/tấn. Trong khi đó chiếc M48 của Mỹ khi đó đạt 14,4 mã lực/tấn. Đồng thời, JS-3 chỉ có khả năng leo dốc với độ nghiêng 36%, đa số các loại tăng sau thế chiến có thể leo dốc đến 60%. Các thông số về tầm hoạt động và tốc độ tối đa cũng kém ấn tượng, chỉ tương ứng với 240km và 37km/h.

Hỏa lực của JS-3 có vẻ rất ấn tượng khi nó được trang bị pháo cỡ 122m. Đây là loại nòng được dùng trên pháo dã chiến và sau đó chuyển qua sử dụng trên xe tăng. Nó có sức công phá tốt hơn nhiều so với loại pháo 85mm tiêu chuẩn trên đa số các loại xe tăng khác của Liên Xô khi đó nhưng tầm bắn của nó vẫn không bằng nòng cỡ 88mm trang bị trên xe tăng Tiger 2 của Đức.

Song vấn đề lớn nhất của loại pháo này là nó không thể dùng được với các loại đạn chống tăng chính xuất hiện sau thế chiến thứ 2, như đạn xuyên hiệu ứng nổ hay đạn xuyên động năng sabot. Do đó, JS-3 sẽ gặp bất lợi khi tác chiến chống lại các loại tăng hiện đại khác. Ngoài ra, pháo của JS-3 chỉ có thể hạ thấp tối đa 1 góc 3 độ, hạn chế khả năng tận dụng địa hình ẩn nấp và khai hỏa. JS-3 cũng chỉ có thể mang theo tối đa 28 viên đạn, chưa bằng 1 nửa so với các loại tăng khác.

Trong khi đó, Liên Xô cũng đã đồng thời phát triển thành công pháo cỡ 100mm trang bị trên các dòng tăng T-54/T-55. Tuy có cỡ nhỏ hơn, pháo 100mm này lại uy lực hơn pháo 122mm. Và quan trọng hơn, nó có thể sử dụng những loại đạn chống tăng mới. Không những thế, pháo 122mm của JS-3 có tuổi thọ chỉ 200 lần bắn, trong khi đó tuổi thọ của pháo 100mm trang bị trên T-54/T-55 là 800 lần bắn, của pháo 105mm trên M48 là 1.500 lần bắn.

JS-3 trong một cuộc diễu binh ở Quảng Trường Đỏ
JS-3 trong một cuộc diễu binh ở Quảng Trường Đỏ

Lớp giáp bảo vệ của JS-3 ở mức chấp nhận được. Trong chiến tranh 6 ngày giữa Israel và khối Ả-rập năm 1967, pháo 90mm trên tăng M48 của Israel không thể xuyên thủng giáp trước của JS-3. Tuy nhiên, lớp giáp bên hông thì lại rất mỏng và dễ bị xuyên phá. Sau cuộc chiến này, phía Israel thu được rất nhiều tăng Liên Xô từ các nước Ả-rập. Tuy nhiên, họ chỉ tái biên chế những xe tăng T-54/T-55, T-62, còn JS-3 thì được chôn xuống đất và đóng vai trò như những ụ pháo. Điều này cho thấy Israel không đánh giá cao JS-3.

Đây cũng là cuộc chiến lớn duy nhất mà JS-3 mà tham gia, nó chỉ được xuất khẩu đến 4 nước, so với 30 nước của dòng T-54/T-55. Sau khi Joseph Stalin qua đời, quân đội Liên Xô cũng nhanh chóng rút các loại tăng hạng nặng ra khỏi biên chế, hoặc chuyển giao cho các nước đồng minh và chuyển hẳn sang cơ cấu thiết giáp chỉ gồm xe tăng chủ lực.

3. Panzer 68 (Thụy Sĩ)

Đây là mẫu xe tăng do Thụy Sĩ tự thiết kế và chế tạo, được bắt đầu đưa vào sử dụng vào 1971. Tuy nhiên, ngay sau khi ra đời, nó đã gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng như:

- Hệ thống ngăn ngừa phóng xạ, tác nhân hóa-sinh không hoạt động. Do đó, tổ lái phải mặc trang phục phòng độc bên trong xe tăng trong trường hợp đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa-sinh.

- Việc sử dụng thiết bị sưởi ấm có thể làm khẩu pháo tự khai hỏa do chúng dùng chung một số mạch điện điều khiển.

- Radio gây nhiễu với hệ thống điều khiển tháp pháo, khiến cho tháp pháo đôi lúc tự di chuyển khi radio được dùng ở mức công suất cao.

Panzer 68
Panzer 68

Tư lệnh binh chủng tăng thiết giáp của Thụy Sĩ thừa nhận rằng mẫu tăng này không đủ tiêu chuẩn để tham gia chiến đấu. Mặc dù phần lớn những vấn đề này đã được khắc phục trong lần nâng cấu sau đó, Panzer 68 đã gây một vụ tai tiếng lớn đến mức Bộ trưởng Bộ quốc phòng Thụy Sĩ khi đó là Rudolf Gnagi đã phải từ chức. Đối với thế hệ tăng sau đó, Panzer 87, Thụy Sĩ quyết định không tự thiết kế nữa mà mua quyền sản xuất mẫu Leopard 2 của Đức.

4. M103 (Mỹ)

Tuy là một thiết kế thất bại, nhưng JS-3 cũng có một đóng góp quan trọng, đó là buộc Mỹ phát triển một loại tăng hạng nặng tương tự. Và mẫu tăng này, M103, cũng không khá hơn đối thủ của mình.

Bắt đầu được đưa vào biên chế vào năm 1957, M103 nặng 60 tấn, là loại tăng nặng nhất mà Mỹ từng chế tạo trước khi M1 Abram xuất hiện. Vào thời điểm đó, đây là một con số rất lớn, khi mà đa số các loại tăng khác chỉ từ 40 đến 50 tấn. Sức mạnh của động cơ không tương xứng với trọng lượng này. Phiên bản sản xuất đầu tiên, M103A1, được trang bị động cơ xăng 750 mã lực. Phiên bản sau, M103A2, có động cơ diesel 810 mã lực. Vận tốc tối đa của chúng tương ứng chỉ là 34km/h và 37km/h, tương đương chiếc JS-3. Tầm hoạt động của M103 còn tệ hơn, chỉ 130km cho thế hệ đầu tiên. Chiếc M103A2, với động cơ diesel, có cải thiện hơn, với 480km.

M103 có kích thước lớn hơn M1 dù nhẹ hơn
M103 có kích thước lớn hơn M1 dù nhẹ hơn

Trọng tâm trong thiết kế M103 là khẩu pháo 120mm nòng xoắn, dùng để tấn công xe tăng hạng nặng của Liên Xô từ khoảng cách rất xa. Tuy nhiên, nó lại cần đến 2 lính nạp đạn, một người nạp đầu đạn và một người nạp thân đạn. Do đó tổ lái của M103 có đến 5 người. Cơ chế nạp đạn 2 người này còn làm giảm tốc độ bắn và nó cũng chỉ mang theo được 33 viên đạn. Pháo 120mm trên M103 cũng có tuổi thọ thấp, chỉ 250 lần bắn.

M103 được thiết kế để chống lại các loại tăng hạng nặng của Liên Xô
M103 được thiết kế để chống lại các loại tăng hạng nặng của Liên Xô

Trên thực tế, khi M103 ra đời thì xe tăng hạng nặng đã trở nên lỗi thời. Quân đội các nước đã chuyển sang dùng tăng chủ lực. Chỉ có 300 chiếc M103 từng được chế tạo, và chưa từng tham gia chiến đấu. Đến năm 1974, toàn bộ số M103 đã được rút ra khỏi biên chế.

5. AMX-50 (Pháp)

Đây là mẫu tăng hạng nặng được Pháp thiết kế trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh, ngay sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc. Đây là một dự án rất quan trọng vì lực lượng thiết giáp của Pháp nói riêng và của châu Âu nói chung khi đó hoàn toàn lép vế cả về số lượng và chất lượng trước thiết giáp Liên Xô.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các cường quốc dần bắt đầu bỏ hệ thống phân loại tăng theo hạng mà chỉ tập trung vào một loại duy nhất là xe tăng chủ lực. Hơn nữa, bản thân nước Pháp trước đó cũng chưa có kinh nghiệm phát triển các loại tăng hạng nặng thực sự hiệu quả trên chiến trường. Mẫu xe tăng mới được gọi là AMX-50 vì trọng lượng sự kiến của nó là 50 tấn. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, con số này không ngừng tăng lên, tùy theo các nguyên mẫu thử nghiệm mà chúng có thể năng từ gần 60 đến 70 tấn. Trọng lượng của bản sản xuất cuối cùng là 60 tấn.

Quân đội Pháp từng đặt nhiều kỳ vọng vào AMX-50
Quân đội Pháp từng đặt nhiều kỳ vọng vào AMX-50

Theo thiết kế ban đầu, AMX-50 sẽ được trang bị động cơ 1200 mã lực. Tuy nhiên, cuối cùng thì con số thực tế chỉ là 850 mã lực, với momen xoắn chỉ 2017 Nm. Như vậy trung bình mỗi tấn trọng lượng, động cơ AMX-50 cung cấp 34 Nm momen xoắn. Trong khi đó, con số này của T-54 là 46 Nm. Trọng lượng tăng lên trong khi công suất động cơ giảm xuống khiến sức cơ động của AMX-50 rất kém so với các đối thủ. Động cơ này của AMX-50 lại chạy bằng xăng, thay vì diesel như mọi loại tăng hiện đại khác sau Thế chiến thứ 2. Xăng là loại nhiên liệu dễ bắt cháy hơn so với diesel và do đó giảm độ an toàn của xe tăng trong chiến đấu.

Ngoài ra, sức nặng của AMX-50 còn khiến nó phải sử dụng thiết kế các bánh xích chịu lực xếp so le với nhau. Thiết kế này từng được mẫu tăng Tiger của Đức sử dụng trong Thế chiến thứ 2 và có nhược điểm là bùn đất có thể kẹt vào các khe hở giữa các bánh.

AMX-50 phải dùng nhiều bánh chịu lực cho trọng lượng lớn của mình
AMX-50 phải dùng nhiều bánh chịu lực cho trọng lượng lớn của mình

Theo thiết kế ban đầu, AMX-50 được trang bị pháo 100mm và cơ chế nạp đạn tự động. Nhưng sau đó nó được thay bằng pháo 120mm. Sự thay đổi này làm giảm độ tin cậy của thiết bị nạp tự động do nó không được thiết kế cho đạn cỡ 120mm. Ngoài ra, loại nòng pháo 120mm này cũng có tuổi thọ rất thấp, chỉ 250 lần bắn. Và mặc dù có kích thước lớn hơn hầu hết mọi loại tăng chủ lực khác khi đó, AMX-50 lại có lớp giáp bảo vệ rất kém, chỗ dày nhất chỉ 120mm, bằng 1 nửa của các loại tăng khác.

AMX-50 gặp quá nhiều vấn đề đến mức ngay cả quân đội Pháp cũng không muốn đặt hàng nó và tất nhiên cũng không có đơn hàng xuất khẩu nào cho loại tăng này. Trong suốt 15 năm sau thế chiến thứ 2, nước Pháp không có mẫu xe tăng hạng nặng hay tăng chủ lực nội địa nào. May mắn là họ được Mỹ cung cấp xe tăng M47 để sử dụng trong thời gian này.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại