Hôm qua (4/3), RIA Novosti dẫn lời phát ngôn Lầu Năm Góc thông báo: “Bộ Quốc phòng Mỹ luôn đánh giá cao sự phát triển hợp tác quân sự với Nga những năm gần đây, giúp cho hai nước cải thiện tính minh bạch, hiểu biết lẫn nhau và làm giảm nguy cơ xung đột. Tuy nhiên, sự kiện Ukraine gần đây khiến chúng tôi phải tuyên bố đình chỉ hợp tác quân sự giữa Mỹ và Nga, bao gồm các cuộc tập trận, các cuộc đàm phán song phương, tham vấn cũng như các hội nghị hợp tác quốc phòng”.
Xung quanh vấn đề này, giới quan sát quốc tế đang đặt vấn đề về những thiệt hại do quyết định này của Mỹ đem lại. Vậy ai sẽ chịu thiệt hại? Trang Vzlyad đăng nội dung phỏng vấn Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Nga Sergei Zhigarev về đánh giá của ông xung quanh vấn đề này.
Ông Sergei Zhigarev khẳng định: “Với quyết định của Mỹ ngừng hợp tác quân sự với Nga, xét về khả năng chiến đấu thì cả Nga và Mỹ sẽ chẳng mất mát gì nhưng chỉ có an ninh và ổn định toàn cầu là bị ảnh hưởng”. Ông lý giải trên một số lĩnh vực:
Thứ nhất, về cơ bản, hợp tác kỹ thuật - quân sự Nga-Mỹ chủ yếu là trao đổi chuyên gia quân sự. Nga và Mỹ “kiểm soát tình hình” tại các cơ sở quân sự của nhau, cử quan sát viên tham gia các cuộc tập trận của nhau… Tuy nhiên, Nga và Mỹ luôn trong tình trạng cạnh tranh nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo và bán vũ khí, hai nước là hai cường quốc và tự xếp hạng mình vào thứ hạng “siêu cường”. Nga và Mỹ chưa có các dự án, nghiên cứu chung nào. Như vậy, trong lĩnh vực nghiên cứu, hiện đại hóa và buôn bán vũ khí, 2 nước hoàn toàn không có gì để mất nếu hợp tác này bị ngưng trệ.
Thứ hai, Nga và Mỹ hầu như chỉ tiến hành các cuộc tập trận quy mô không lớn với NATO. Những cuộc tập trận đó chỉ mang tính chất tại chỗ và với quy mô nhỏ. Nga cũng tiến hành những cuộc tập trận kiểu này với Trung Quốc. Theo thời gian, Nga tiến hành tập trận với bất kỳ tổ chức nào nhưng chủ yếu là hợp tác, tất nhiên là với các đồng minh và đối tác trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể. Trong đó, đối với Belarus thì Nga tập trận với quy mô vừa phải, chủ yếu là trong lĩnh vực phòng không. Còn đối với Mỹ, Nga cũng có các hoạt động diễn tập chung trên biển. Nhưng hai bên có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau trong vấn đề này ngay từ thời Liên Xô, khi đó Mỹ ưu tiên cho tàu sân bay còn Nga lại ưu tiên cho tàu ngầm. Chính sự khác biệt này không cho phép 2 bên tiến hành các cuộc tập trận chung ở quy mô lớn.
Mỹ từng hủy hợp đồng mua trực thăng Mi-17 của Nga
Thứ ba, xung quanh việc trao đổi vũ khí giữa hai bên, Nga khá tích cực cung cấp cho Mỹ các vũ khí hạng nhẹ, súng săn, nhưng không phải dành cho chiến đấu hay trang bị cho quân đội. Đó chỉ là hoạt động mua bán trực tiếp của lĩnh vực tư nhân, còn các cơ quan quốc gia Mỹ chưa bao giờ mua vũ khí của Nga. Chỉ có trường hợp là Mỹ đã nỗ lực mua trực thăng của Nga để sử dụng tại Afganistan nhưng sau đó tình hình thay đổi thì Mỹ đã từ bỏ ý định này. Hơn nữa, thực tế cho thấy, không nước nào sản xuất được trực tăng vận tải tốt hơn các trực thăng Mi của Nga.
Cùng quan điểm với ông Sergei Zhigarev, Tổng biên tập tạp chí “Quốc phòng” của Nga Igor Korotchenko phát biểu với hãng RIA Novosti rằng: “Tình hình đang thay đổi hiện nay không gây ra những hậu quả tiêu cực nào đối với các lực lượng vũ trang Nga”. Chuyên gia này khẳng định: Hợp tác quân sự Nga-Mỹ chỉ yếu mang tính biểu tượng và được ghi nhận như một yếu tố chính để thúc đẩy sự liên lạc chính trị - ngoại giao giữa hai bên.
Vậy ai sẽ thiệt hại trong vấn đề này, Sergei Zhigarev nhận định: Việc thiệt hại có thể liên quan tới việc kiểm soát lẫn nhau trong lĩnh vực quân sự giữa hai bên, nhưng vấn đề này lại liên quan chung tới an ninh toàn cầu. Dưới thời cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, lần đầu tiên các chuyên gia quân sự Mỹ được đặt chân tới lãnh thổ của Bộ quốc phòng Nga và các căn cứ quân sự của Nga ở nước ngoài. Hợp tác đó được phát triển cho tới nay. Có lẽ đây là một trong những yếu tố mấu chốt để đảm bảo an ninh toàn cầu. Và nếu Mỹ đơn phương tuyên bố cắt đứt hợp tác quân sự với Nga này thì điều này ngay lập tức ảnh hưởng tới trật tự, ổn định thế giới và vấn đề kiểm soát vũ khí.
Theo ông Sergei Zhigarev, quyết định này cho thấy, Mỹ đã không thể nghĩ ra được gì hơn để cho thấy rằng mình không đồng thuận với Nga trong vấn đề Ukraine. Còn trong lĩnh vực kinh tế, do Nga là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, nên việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga cũng không hề đơn giản.
Dự báo phát triển tình hình tiếp theo, ông Sergei Zhigarev cho rằng: Vấn đề Ukraine sẽ kết thúc như thế nào không nằm trong tay của Nga hay Mỹ mà đáng tiếc là rơi vào tay của chính những người theo chủ nghĩa dân tộc của Kiev. Nếu những người này có lý trí và dừng lại các hành động kích động hận thù sắc tộc, tôn giáo thì tình hình sẽ được kiểm soát. Còn nếu họ không còn lý trí, tình hình sẽ tiếp tục bùng phát.