Muốn giúp Mỹ chặn Nga, thực lực quân sự Ba Lan tới đâu?

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Sức mạnh quân đội Ba Lan sẽ chẳng là gì so với Nga, thậm chí họ còn yếu hơn cả Ukraine nếu không có sự chống lưng của NATO.

Nhằm đối phó với diễn biến ngày càng phức tạp ở Ukraine, Mỹ đã có được sự đồng ý của chính phủ Ba Lan để triển khai đến nước này 12 chiến đấu cơ F-16 và 300 quân nhân.

Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ cho rằng Ba Lan có vị trí tốt nhất để từ đó, Mỹ có thể triển khai nhanh nhất các hoạt động hỗ trợ Ukraine.

Tuy nhiên, trên thực tế, thực lực quân sự của Ba Lan có đủ sức để làm bàn đạp cho Mỹ đối phó Nga? cũng như đủ sức tự bảo vệ mình nếu Moscow nổi giận?

Hồn Liên Xô, da NATO

Những năm chiến tranh lạnh, Ba Lan là thành viên của Hiệp ước Warszawa, một liên minh quân sự do Liên Xô đứng đầu nhằm chống lại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Tất nhiên, vũ khí trang bị của quân đội nước này đều xuất phát từ Liên Xô, ngoài ra có một số loại do họ tự sản xuất theo hướng Liên Xô.

Đến năm 1999, Ba Lan gia nhập NATO, họ bắt đầu một chiến dịch “thanh trừng” vũ khí từ thời Liên Xô để thay thế bằng các vũ khí tiêu chuẩn NATO. Tuy nhiên, việc thay thế số lượng lớn vũ khí Liên Xô không phải là điều đơn giản và vô cùng tốn kém. Ngoại trừ một số phần cứng của các thiết bị điện tử được nâng cấp theo tiêu chuẩn NATO cùng một số máy bay chiến đấu F-16, xe tăng Leopard 2A4 của Đức, hiện phần lớn các vũ khí còn lại của Ba Lan đều có từ thời Liên Xô.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2A4 nắm đấm hỏa lực mạnh nhất của quân đội Ba Lan.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2A4 nắm đấm hỏa lực mạnh nhất của quân đội Ba Lan.

Lục quân Ba Lan có quân số 106.000 người, trang thiết bị của họ là tập hợp giữa cả vũ khí NATO vào Liên Xô cũ trước đây. Lực lượng tăng thiết giáp của họ có khoảng 128 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2A4 đã qua sử dụng được chuyển giao từ Đức, 233 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực PT-91 do Ba Lan phát triển dựa trên xe tăng chiến đấu chủ lực T-72M1 của Liên Xô cùng khoảng 690 chiếc T-72.

Xe chiến đấu bộ binh các loại khoảng 1.510 chiếc, xe thiết giáp chở quân khoảng 693 chiếc, xe chiến đấu bọc thép chống mìn khoảng 40 chiếc chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ sau khi họ gia nhập NATO. Lực lượng pháo binh mặt đất của Ba Lan khá khiêm tốn, chỉ khoảng 950 khẩu, trong đó đáng chú ý là pháo tự hành Krab 155mm do Ba Lan sản xuất và đưa vào sử dụng từ năm 2012, pháo tự hành 1977 Dana 152mm do Tiệp Khắc sản xuất, pháo tự hành 2S1 Goździk do Liên Xô sản xuất.

Tiêm kích chủ lực F-16C block 52 plus của Không quân Ba Lan.
Tiêm kích chủ lực F-16C block 52 plus của Không quân Ba Lan.

Bên cạnh đó lực lượng mặt đất Ba Lan còn có một số pháo phản lực bắn loạt BM-21 của Liên Xô, RM-70 do Tiệp Khắc sản xuất, WR-40 do Ba Lan sản xuất. Lực lượng trực thăng thuộc lục quân khoảng 145, chiếc chủ yếu do Liên Xô và Ba Lan sản xuất, đáng chú ý là 32 chiếc trực thăng tấn công Mi-24, 37 chiếc PZL W-3 Sokol, 46 chiếc Mi-2,17 chiếc Mi-8 và 13 chiếcMi-17.

So với lực lượng mặt đất của Ukraine thì lực lượng mặt đất của Ba Lan còn yếu hơn, họ không có số lượng xe tăng chiến đấu chủ lực đông đảo như Kiev cũng như một số vũ khí có tầm chiến lược như tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn OTR-21 Tochka hay pháo phản lực bắn loạt tầm xa BM-30 Smerch.

Không quân không "khá khẩm" hơn Ukraine

Mặc dù đã gia nhập NATO từ năm 1999 song lực lượng Không quân Ba Lan cũng không khá khẩm hơn Ukraine là bao. Lực lượng chiến đấu trên không mạnh nhất của họ là 48 chiếc tiêm kích F-16C/D nhập khẩu từ Mỹ và 34 chiếc tiêm kích MiG-29A. Nếu so với Không quân Ukraine thì F-16C/D của Ba Lan còn kém hơn Su-27 của nước này về tầm bay và tải trọng vũ khí.

Lực lượng phòng không của Ba Lan còn yếu hơn nhiều so với Ukraine.
Lực lượng phòng không của Ba Lan còn yếu hơn nhiều so với Ukraine.

Lực lượng tấn công mặt đất còn yếu hơn cả Ukraine với nòng cốt là 48 chiếc cường kích Su-22M4, trong khi đó, Ukraine được trang bị 59 chiếc cường kích Su-24 và 46 chiếc cường kích Su-25.

Lực lượng phòng không Ba Lan còn tệ hơn. So với lực lượng phòng không Ukraine, Ba Lan chưa được phân nửa. Loại tên lửa phòng không mạnh nhất của họ là S-200 tầm bắn 200km, tên lửa phòng không tầm trung mạnh nhất là 2K12 Kub (SA-6) khoảng 30 hệ thống, kế đến là S-125 khoảng 60 hệ thống.

Lực lượng phòng không tầm thấp của Ba Lan trang bị khoảng 64 hệ thống, chia làm 16 khẩu đội cùng một số pháo phòng không ZSU-23-4, tên lửa phòng không vác vai 9K32 Strzała. Với lực lượng phòng không như vậy, Ba Lan rất khó chống đỡ một cuộc tập kích đường không quy mô lớn. Tuy nhiên, họ có sự “chống lưng” của NATO nên hạn chế này cũng không phải là vấn đề quá lớn.

Hải quân chỉ bằng một góc Hạm đội Baltic (Nga)

Mặc dù được đánh giá là một trong những lực lượng hải quân lớn trên biển Baltic song sức mạnh của Hải quân Ba Lan cũng chỉ bằng một góc của Hạm đội Baltic (Nga). Toàn bộ lực lượng Hải quân Ba Lan có khoảng 94 tàu chiến các loại, trong đó có 2 khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry của Mỹ, 1 tàu hộ tống ORP Kaszub, 2 tàu tên lửa cao tốc lớp Tarantul.

Lực lượng tàu ngầm của họ có 5 chiếc, trong đó có 1 chiếc tàu ngầm Kilo do Liên Xô sản xuất, 4 chiếc tàu ngầm Type 207 của Đức cùng một số tàu quét mìn, tàu đổ bộ, tàu hậu cần các loại.

Trong khi đó, Hạm đội Baltic có 2 tàu khu trục hạng nặng lớp Sovremenny, 2 tàu hộ tống tên lửa mới nhất của Nga lớp Steregushchy, 2 tàu khu trục lớp Neustrashimy, chỉ riêng lực lượng tàu chiến này cũng đủ "đè bẹp" Hải quân Ba Lan, đó là chưa kể đến Hạm đội Baltic còn có 2 tàu đổ bộ khí đệm mạnh nhất thế giới lớp Zubr.

Mặc dù Hải quân Ba Lan khá yếu nhưng một lần nữa họ có sự chống lưng của NATO đặc biệt là Hải quân Mỹ nên sự thua thiệt về năng lực chiến đấu so với Hạm đội Baltic của Nga cũng không phải là một vấn đề quá lớn. Cũng chính nhờ sự chống lưng này nên họ mới có thể gật đầu để Mỹ triển khai F-16 đến lãnh thổ của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại