7 lý do Mỹ không thể ra "nắm đấm quân sự" với Nga ở Ukraine

Thiên Minh |

(Soha.vn) - Tạp chí Forbes (Mỹ) đưa ra 7 lý do giải thích tại sao Mỹ không thể đối đầu quân sự với Nga ở Ukraine.

Mỹ là cường quốc quân sự trên thế giới, tuy nhiên, điều này không có ý nghĩa gì trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Bất kể Nga muốn chiếm giữ Crimea hay toàn bộ Ukraine, Mỹ vẫn sẽ không tham gia vào một cuộc chiến tranh với Nga. Theo tạp chí Forbes (Mỹ), có ít nhất 7 lý do khiến Mỹ không thể đối đầu quân sự với Nga ở Ukraine:

1. Nga là một cường quốc hạt nhân

Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars của Nga
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars của Nga

Theo Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS), Nga có khoảng 4.500 đầu đạn hạt nhân, có thể phá hủy hoàn toàn nước Mỹ, cũng như các khu vực còn lại trên hành tinh. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ dù có hoạt động tốt đi nữa cũng không thể ngăn chặn được một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn của Nga.

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, Nga và Mỹ là kỳ phùng địch thủ của nhau, tuy nhiên, 2 bên chưa bao giờ trực tiếp giao chiến dù từng có lẫn Mỹ và Liên Xô suýt chút nữa xảy ra chiến tranh trong Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Obama và Putin sẽ không điên rồ tới mức muốn lịch sử tái diễn.

2. Quân đội Nga vô cùng hùng hậu

Trong khi quân đội Nga chỉ là cái bóng của quân đội Liên bang Xô Viết trước đây thì nó vẫn là một lực lượng đáng gờm. Theo bản báo cáo thường niên "Cán cân quân sự 2014" của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS (Anh), quân đội Nga có khoảng 300.000 binh sĩ và 2.500 xe tăng (chưa kể đến 18.000 xe tăng dự trữ). Không quân Nga có tới 14.000 máy bay và hải quân có 171 tàu chiến, trong đó bao gồm 25 chiếc được trang bị cho Hạm đội Biển Đen.

So với quân đội Nga, quân đội Mỹ có điều kiện luyện tập tốt hơn, được trang bị các hệ thống cảm biến, vũ khí, phương tiện bay không người lái mạnh hơn (mặc dù tiêm kích thế hệ năm của Nga là T-50 có thể gây rắc rối lớn cho phi công Mỹ). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa quân đội Mỹ mạnh hơn quân đội Nga. Với các hệ thống vũ khí tiên tiến như xe tăng T-80, tên lửa chống tăng AT-15 Springer, pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch và hệ thống phòng không S-400, quân đội Nga có đủ sức mạnh để gây thiệt hại đáng kể cho Mỹ.

Pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch (NATO định danh là Typhoon)
Pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch (NATO định danh là Typhoon)

3. Ukraine gần Nga hơn

Thủ đô Kiev (Ukraine) cách thủ đô Moscow (Nga) khoảng hơn 800km, trong khi đó, khoảng cách giữa Kiev và New York lên tới hơn 8.000km. Vì vậy, so với Mỹ, Nga sẽ dễ dàng triển khai quân cũng như thực hiện các hoạt động tiếp tế tới Ukraine hơn.

4. Binh lính Mỹ kiệt sức

Sau gần 13 năm chiến tranh, các lực lượng vũ trang của Mỹ cần được nghỉ ngơi. Trang thiết bị vũ khí đã bị bào mòn sau thời gian dài phục vụ tại Iraq và Afghanistan. Các binh sĩ cũng kiệt sức sau những đợt triển khai nhiều lần ra nước ngoài. Hiện vẫn còn khoảng 40.000 binh sĩ vẫn đang tham chiến ở Afghanistan.

5. Lực lượng Mỹ có thể triển khai không nhiều

Thủy quân lục chiến Mỹ trong một cuộc tập trận
Thủy quân lục chiến Mỹ trong một cuộc tập trận

Mỹ có thể dễ dàng hỗ trợ trên không cho Ukraine nếu các đồng minh NATO cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ không quân của họ. Tàu sân bay George H. W. Bush và hàng trăm máy bay quân sự của Mỹ đang tuần tra tại Địa Trung Hải. Tuy nhiên, nếu phải tham gia một cuộc chiến tranh trên bộ để giải phóng Crimea hoặc bảo vệ Ukraine, Mỹ chỉ có Lữ đoàn lính dù số 173 tại Italia, Đơn vị viễn chinh số 22 của Thủy quân lục chiến tại Tây Ban Nha, trung đoàn kỵ binh Stryker số 2 ở Đức và sư đoàn lính dù số 82 tại Fort Bragg, North Carolina.

Lính dù của Mỹ có thể đổ bộ xuống khu vực tác chiến, lính thủy đánh bộ có thể vượt qua hệ thống phòng thủ của Nga ở Biển Đen và trung đoàn Stryker có thể băng qua Ba Lan để vào Ukraine. Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn đưa tới Ukraine lữ đoàn chiến đấu cơ giới thì việc di chuyển sẽ khó khăn và quan trọng hơn là thời gian triển khai có thể mất tới vài tháng.

6. Nhân dân Mỹ mệt mỏi

Những chính trị gia đáng thương đang cố bán công chúng Mỹ vào một cuộc chiến tranh khác, cụ thể ở đây là cuộc xung đột phức tạp tại quốc gia đông Âu xa xôi (Ukraine).

Trong một cuộc thăm dò dư luận của CNN, 6/10 người dân Mỹ cho rằng cuộc chiến ở Iraq là một sai lầm, và khoảng 5/10 người có chung ý kiến về cuộc chiến ở Afghanistan. 3/4 người Mỹ nói rằng Mỹ không phải là sen đầm quốc tế (lực lượng vũ trang tự cho mình có quyền can thiệp vào nội bộ của các nước khác).

7. Đồng minh Mỹ ở châu Âu e ngại

Các đồng minh châu Âu của Mỹ sẽ không muốn đối đầu với Nga bởi nền kinh tế vốn đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn của họ sẽ thực sự khủng hoảng nếu Nga ngừng xuất khẩu khí đột tự nhiên.

Ngày nay, khoảng 1/3 lượng khí đốt tự nhiên đang tiêu thụ ở EU vẫn là của Nga thông qua các hợp đồng kéo dài đến tận năm 2020. Một số quốc gia thậm chí còn mua nhiều hơn so với hồi năm 2008, bởi Gazprom (Hãng dầu khí quốc gia Nga) cung cấp khí đốt với giá rẻ nhất.

Tạp chí Forbes nhận định với 7 lý do trên, không có nghĩa là chiến tranh không thể xảy ra. Tổng thống Barack Obama sẽ phải đối mặt với câu hỏi phải làm gì nếu cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa trực tiếp tới an ninh của một thành viên khác thuộc NATO như Ba Lan. Tuy nhiên, cho tới nay, việc huy động lực lượng quân sự đối đầu với Nga vẫn chỉ nằm trên bàn thảo luận mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại