Đài Tiếng nói nước Nga (VOR) cho biết việc Moscow lên kế hoạch mở rộng kho vũ khí hạt nhân đã khiến các chuyên gia Mỹ lo ngại. Mặc dù trong tuyên bố gần đây, Tổng thống Putin chỉ đề cập tới việc đưa vào trang bị hơn 20 tên lửa liên lục địa (ICBM) thế hệ mới nhưng các chuyên gia Mỹ cho rằng Nga đang nỗ lực làm hồi sinh sức mạnh quân sự của mình.
Cuối tháng trước, tại một cuộc họp bàn về tăng cường Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga (RVSN), Tổng thống Putin cho biết hai trung đoàn RVSN sẽ nhận được các tên lửa đạn đạo liên lục địa di động tiên tiến RS-24 Yars trước cuối năm nay. Ông cũng nói thêm rằng trong năm tới, sẽ có 22 hệ thống như vậy được đưa vào hoạt động. Mặc dù Tổng thống Putin không tiết lộ loại ICBM nào sẽ được triển khai nhưng các chuyên gia dự đoán những tên lửa này sẽ là ICBM Yars phiên bản di động và phiên bản cho hầm phóng silo. Theo ông Putin, những tên lửa mới này có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa.
Trước động thái này của Nga, các phương tiện truyền thông Mỹ đã đưa ra nhiều bình luận. VOR cho biết mặc dù việc cải tiến và hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Nga nói chung, quân đội Nga nói riêng đã được đoán trước từ lâu nhưng tờ Daily Beast của Mỹ đã "xoay 180 độ và dọa dẫm độc giả của mình bằng luận điệu cho rằng mối đe dọa Liên Xô giờ đây sẽ bắt nguồn từ Nga". VOR cho rằng đây là chứng cứ cho thấy những phản ứng nực cười thường thấy ở phương Tây trước bất kì nỗ lực nào của Nga.
Tiếp đó, VOR chỉ trích những bình luận trên tạp chí National Interest khi "coi việc cải tiến và hiện đại hóa lực lượng tên lửa chiến lược của Nga là một dấu hiệu bất ổn của một cuộc cạnh tranh chiến lược khác giữa Moscow và Washington". Theo VOR, tạp chí này đã kể tên tất cả các hệ thống tên lửa mới của bộ ba hạt nhân của Nga, rõ ràng là nhằm gieo rắc sự sợ hãi lên độc giả, đồng thời cảnh báo họ một cách đầy căng thẳng rằng không có lý gì để Mỹ tụt lại phía sau chương trình nâng cấp tên lửa đạn đạo của Nga.
Vì sao các chuyên gia Mỹ lại phải lo ngại như vậy?
Trung tướng nghỉ hưu Yevgeni Buzhinski, nguyên phó chủ tịch của trung tâm nghiên cứu chính trị Nga (PIR) cho biết, hệ thống RS-24 Yars đơn thuần chỉ là một biến thể cải tiến của Topol-M. ICBM mới này có 9 đầu đạn tự phân tách (MIRV) và có thể mang 4 đến 6 đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ từ 150 đến 300 kiloton. Một trong những điểm mới của Yar nằm ở chỗ tên lửa này được trang bị các đầu đạn tự dẫn tấn công từng mục tiêu riêng lẻ, với sự cơ động ưu việt làm cho khả năng sống sót gia tăng. Điều này khiến đối phương gặp khó khăn trong việc phát hiện và đánh chặn Yars.
Theo Mikhail Khodaryonok một thành viên của Hội đồng Ủy ban công nghiệp quân sự thuộc Chính phủ Nga thì rõ ràng lực lượng tên lửa này là một mối đe dọa đối với lá chắn tên lửa Mỹ hiện đang triển khai ở châu Âu. “Vấn đề nằm ở chỗ khi một hệ thống phòng thủ tên lửa tiến hành đánh chặn và tiêu diệt ICBM của đối phương, nó sẽ hoạt động dựa trên cơ chế chuyển động thẳng đứng và ngang bằng với mục tiêu, nếu không hệ thống phòng thủ này sẽ không thể khóa mục tiêu. Tuy nhiên khi đầu đạn của một tên lửa đạn đạo bắt đầu cơ động nhanh chóng và không thể đoán trước trong giai đoạn cuối của hành trình bay thì khả năng đánh chặn của tên lửa là gần như bằng không”.
VOR nhận định Mỹ ngày càng trở nên lo ngại và bất bình trước sự phục hồi sức mạnh hạt nhân của Nga, thậm chí đã không che giấu thực tế rằng mãi cho tới gần đây họ đã luôn hy vọng một ngày Nga tự phá hủy lực lượng vũ trang của mình. Chính sách mà Tổng thống Barack Obama tuyên bố về việc xây dựng một tương lai phi hạt nhân của thế giới đã khiến Mỹ mất thể diện sau khi Moscow giữ quan điểm không ủng hộ đề xuất của Mỹ trong việc hoàn tất một hiệp ước khác để cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân.
Với trật tự chính trị và quân sự thế giới hiện nay, lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga là sự bảo đảm duy nhất đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga, bởi theo ông Yevgeni Buzhinski, nước Mỹ đã vượt qua Nga trong việc phát triển những vũ khí thông thường có độ chính xác cao và các loại máy bay không người lái. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã tận dụng mọi nỗ lực trang bị các tên lửa đạn đạo của họ bằng các đầu đạn thông thường, điều này khiến Nga lo ngại.
VOR kết luận các chuyên gia quân sự có uy tín đều thống nhất rằng ngày nay hạt nhân vẫn là nhân tố bảo đảm hòa bình hiệu quả nhất trên phạm vi toàn cầu. Một thế giới không có vũ khí hạt nhân vẫn là một viễn cảnh xa vời.