T-50 Nga sẽ có tên lửa "truy cùng diệt tận" mọi mục tiêu

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Hệ thống anten APAA cho phép tên lửa K-77M tiêu diệt mọi mục tiêu, bất chấp nó trình diễn khả năng vòng tránh tên lửa phức tạp tới mức nào.

Nga hiện đang toàn tất một hệ thống tác chiến trên không tiên tiến tích hợp hệ thống dẫn đường “bắn-quên” và khả năng “tiêu diệt bằng phát bắn duy nhất” trong một tên lửa không đối không. Hệ thống này nhắm tới khả năng vô hiệu hóa mọi hoạt động vòng tránh tên lửa của mục tiêu.

Tên lửa không-đối-không K-77M với hệ thống dẫn đường tiên tiến sẽ được trang bị trên tiêm kích thế hệ 5 PAK-FA (T-50) và sẽ được chuyển giao cho Không quân Nga trước năm 2017.

Theo tờ Izvestia, điểm cải tiến chính của tên lửa K-77M nằm ở hệ thống dẫn đường dựa trên một anten mạng pha chủ động (APAA) của chính tên lửa. Hệ thống APAA giúp đảm bảo phản xạ tức thì của tên lửa đối với cơ động bất ngờ của mục tiêu. Một khi tên lửa đã khóa mục tiêu thì chắc chắn mục tiêu sẽ bị trúng đạn, bất chấp nó trình diễn khả năng vòng tránh tên lửa phức tạp tới mức nào.

 	Tên lửa K-77M sẽ

Tên lửa K-77M sẽ "truy cùng diệt tận" mọi mục tiêu (Ảnh: militaryrussia.ru)

Hệ thống dẫn đường APAA trên tên lửa K-77M do Phòng thiết kế Detal (Nga) phát triển. Phát biểu trên tờ Izvestia, Mikhail Vershinin, kĩ sư trưởng của Detal cho biết hiện tại họ đang tìm kiếm một nhà thầu lắp đặt dây chuyền sản xuất của tên lửa tiên tiến này để đảm bảo việc sản xuất có thể bắt đầu vào năm 2015.

Mỗi anten mạng pha chủ động gồm số lượng lớn các ô nhỏ hình nón được lặp đặt dưới một chóp truyền dẫn sóng radio gắn trên mũi của tên lửa. Trong đó mỗi ô nhỏ chỉ tiếp nhận một phần tín hiệu, tuy nhiên ngay khi được xử lý kĩ thuật số, thông tin từ tất cả các ô sẽ được tổng hợp vào một “bức tranh đầy đủ”, cho phép tên lửa K-77M phản ứng tức thì đối với các hoạt động chuyển hướng lớn của mục tiêu, cho phép khả năng đánh chặn của tên lửa trở nên bất khả kháng.

Một công nghệ tương tự hiện cũng được sử dụng phổ biến trên hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do hãng Raytheon (Mỹ) sản xuất.

Tuy nhiên, điều đáng nói là tên lửa K-77M nhỏ gọn hơn nhiều bởi nó được chế tạo để tích hợp vào khoang chứa vũ khí bên trong của tiêm kích PAK-FA nhằm bảo đảm khả năng tàng hình của loại máy bay này.

 	Dự kiến tên lửa K-77M sẽ được chuyển giao cho Không quân Nga trước năm 2017

Dự kiến tên lửa K-77M sẽ được chuyển giao cho Không quân Nga trước năm 2017

Hệ thống tên lửa K-77M hoàn toàn tương thích với hệ thống thông tin liên lạc kĩ thuật số của tiêm kích thế hệ 5 của Nga nhưng nó cũng có thể được sử dụng trên các tiêm kích thế hệ trước đã được hiện đại hóa.

Anten mạng pha chủ động APAA là công nghệ radar hiện đại nhất hiện nay nên chi phí sản xuất mỗi thiết bị như vậy rất tốn kém. Tuy nhiên, theo Aleksandr Khramchikhin, một chuyên gia thuộc viện phân tích chính trị và quân sự (IPMA) cho biết chi phí của một mục tiêu mà tên lửa trang bị APAA có thể tiêu diệt lại cao hơn nhiều, do vậy nếu tên lửa K-77M có thể đảm bảo khả năng tiêu diệt mục tiêu, thì rõ ràng việc đầu tư cho tên lửa này là “đáng đồng tiền bát gạo”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại