Tập đoàn Boeing (Mỹ) và công ty Kongsberg Defense Systems của Na Uy vừa tiến hành lắp đặt kiểm tra 2 tên lửa Joint Strike Missile (JSM) lên một chiếc máy bay chiến đấu F/A-18F Super Hornet.
Trong lần kiểm tra này, tên lửa được lắp ở giá treo vũ khí bên ngoài của máy bay để đảm bảo khả năng tương thích.
JSM đang được phát triển để tích hợp vào khoang vũ khí bên trong của chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm F-35 Lightning II Joint Strike Fighter (JSF) mà Lockheed Martin sản xuất. Đây cũng là vũ khí chống hạm duy nhất được trang bị cho máy bay F-35. Người ta cho rằng, F-35 có thể mang được 2 tên lửa này trong các khoang bên trong thân, các tên lửa còn lại có thể lắp trên các mẫu treo ngoài, dưới cánh.
Khả năng trang bị JSM trên máy bay Super Hornet cũng sẽ tăng cường đáng kể khả năng tấn công cho các tàu sân bay tương lai của Hải quân Mỹ, khi mà 2 loại máy bay này sẽ hoạt động hỗ trợ lẫn nhau cho đến năm 2025.
Là một dẫn xuất từ hệ thống tên lửa tấn công hải quân trang bị trên tàu chiến (NSM), JSM có chiều dài 4m, sải cánh 1,4m (khi xòe), trọng lượng phóng 375kg và được trang bị một động cơ phản lực, giúp tên lửa đạt tới tầm bắn xa 370km.
Kongsberg JSM được đưa vào danh sách tên lửa chống hạm thế hệ thứ năm. Nó được thiết kế với khả năng tàng hình, thực hiện cuộc tấn công tầm xa đánh chính xác vào các mục tiêu trên mặt biển và mặt đất. Khả năng kết hợp của tên lửa JSM và tiêm kích F-35 cung cấp cho người sử dụng nhiều khả năng tấn công độc đáo và sáng tạo
JSM có khả năng rất cao trong việc thâm nhập hệ thống phòng không thông qua một sự kết hợp của nhiều đặc tính gồm: giảm bộc lộ tín hiệu trên màn hình radar; bay sát mặt biển; thay đổi tốc độ và độ cao hành trình.
Tên lửa có thể tự động bắt mục tiêu dựa theo hình ảnh, lập thư viện thông tin mục tiêu, cho phép đầu tự dẫn phân biệt các tàu địch, nâng cao hiệu quả của việc lập kế hoạch hành trình bằng việc khai thác dữ liệu địa lý quanh mục tiêu.