Những công nghệ quân sự Nga-Mỹ yếu kém nhất (II)

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Chế tạo súng tiểu liên, tàu ngầm diesel-điện... là những lĩnh vực quân sự mà 2 siêu cường Nga - Mỹ không thể nắm giữ vị trí số 1.

Mặc dù là 2 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới trong 1 thời gian dài, nhưng cả Mỹ và Nga không phải lúc nào cũng là nước dẫn đầu trong công nghệ quân sự. Sau đây là một số lĩnh vực tiêu biểu mà 2 siêu cường này không thể nắm giữ vị trí số 1.

3. Súng tiểu liên

Trong Thế chiến thứ 2, cả Mỹ và Liên Xô đều có riêng cho mình những mẫu tiểu liên huyền thoại. Với Mỹ đó là khẩu Thompson, với Liên Xô là PPSh-41. Hai mẫu này tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, sự xuất hiện của súng trường tự động khiến tiểu liên không còn là trang bị tiêu chuẩn cho bộ binh nữa. Cùng lúc đó là sự ra đời của những mẫu súng tiểu liên nổi bật từ các quốc gia khác.

Loại nổi tiếng nhất trong thời kì sau Thế chiến thứ 2 chắc chắn là khẩu Uzi của Israel. Với ưu điểm nhỏ gọn, đơn giản, dễ chế tạo và sửa chữa, Uzi nhanh chóng trở nên rất phổ biến trên toàn thế giới, và được sử dụng rộng rãi trong các lực lượng quân đội, an ninh, cảnh sát của trên 90 quốc gia, với trên 10 triệu khẩu đã được xuất khẩu.

Mật vụ Mỹ với Uzi khi tổng thống Reagan bị bắn ngày 30/03/1981

Mật vụ Mỹ với khẩu Uzi khi Tổng thống Reagan bị bắn ngày 30/03/1981

Các hãng sản xuất súng quen thuộc ở châu Âu cũng chiếm lĩnh thị trường với những thiết kế của riêng mình. Nổi bật nhất là mẫu MP5 của H&K, Đức. Nó là một trong những mẫu súng thông dụng nhất trên thế giới với hơn 100 phiên bản khác nhau. Với ưu điểm gọn nhẹ, chính xác, và đặc biệt là độ tin cậy cao, MP5 được sử dụng rộng rãi trong các đơn vị quân đội và cảnh sát, đặc biệt là trong vai trò vũ khí cận chiến. Điểm yếu đáng kể nhất của nó là sức xuyên kém. Tuy nhiên, trong một số tình huống, như giải cứu con tin trong không gian hẹp, đây lại là ưu điểm vì có thể đảm bảo đạn không đi xuyên qua mục tiêu và làm hại con tin gần đó.

MP5 được dùng rộng rãi trong cận chiến
MP5 được dùng rộng rãi trong cận chiến

Các nhà sản xuất châu Âu cũng tiên phong trong việc phát triển các thế hệ tiểu liên mới. Tiêu biểu nhất là MP7, cũng của H&K, và P90 của FN, Bỉ. Chúng có điểm chung là được thiết kế đặc biệt để xuyên thủng áo giáp, một điểm yếu của các loại tiểu liên truyền thống.

MP7 được phát triển để thay thế MP5
MP7 được phát triển để thay thế MP5
P90
P90

4. Hệ thống phòng vệ chủ động

Liên Xô là nước tiên phong trong việc phát triển các hệ thống phòng vệ chủ động cho thiết giáp, chủ yếu để chống lại tên lửa chống tăng, như Drozd, Arena. Tuy nhiên, những hệ thống này có giá thành cao, và Liên Xô không thể triển khai hàng loạt cho số lượng xe tăng khổng lồ của mình.

Trong khi đó, Israel lại là một quốc gia có dân số rất nhỏ, và thiết giáp đóng vai trò trung tâm trong tác chiến trên bộ của nước này. Do đó, Israel rất coi trọng an toàn của các tổ lái xe tăng.

Trophy, hệ thống phòng vệ chủ động do nước này phát triển, được thiết kế để có thể chống lại tên lửa có điều khiển và không điều khiển (RPG), và thậm chí cả đạn chống tăng hiệu ứng nổ từ xe tăng khác. Ngoài ra, nó cũng có thể bảo vệ 360 độ quanh xe tăng thay vì chỉ một phần như các hệ thống trước đây. Đây cũng là hệ thống đầu tiên hoạt động thành công trên thực tế chiến trường. Dựa trên thành công đó, Israel tiếp tục phát triển các hệ thống tân tiến hơn, như Iron Fist, hay Fliker, một hệ thống tương tự dành cho trực thăng. Hiện nay, Israel vẫn là nước duy nhất trang bị rộng rãi hệ thống phòng vệ chủ động cho lực lượng thiết giáp của mình.

Trophy trang bị trên xe tăng Merkava 4
Trophy trang bị trên xe tăng Merkava 4
Một cuộc thử nghiệm của Fliker, hệ thống phòng vệ chủ động cho trực thăng
Một cuộc thử nghiệm của Fliker, hệ thống phòng vệ chủ động cho trực thăng

5. Tàu ngầm diesel-điện

Nước Mỹ từ lâu đã không còn sản xuất tàu ngầm diesel-điện, trong khi đó Nga vẫn có át chủ bài Kilo khá thành công trên thị trường vũ khí quốc tế. Tuy nhiên, các nước Châu Âu hiện nay vẫn đang nắm giữ vai trò tiên phong trong lĩnh vực này. Đặc biệt là ứng dụng của công nghệ pin nhiên liệu trong hệ thống cung cấp năng lượng chu trình kín.

Tàu ngầm lớp Oyashio, Nhật Bản

Tàu ngầm lớp Oyashio, Nhật Bản

Những thế hệ tàu ngầm mới của Châu Âu như Scorpene của Pháp, U-212 của Đức, S-80 của Tây Ban Nha…khi vận hành bằng pin nhiên liệu có độ ồn cực thấp, do có rất ít bộ phận cơ khí chuyển động. Những tàu ngầm này thường giành phần thắng mỗi khi tham gia tập trận trong khối NATO hoặc với Hải quân Mỹ. Nhật Bản cũng là một nước dẫn đầu trong lĩnh vực này, mặc dù ít được nhắc đến. Tàu ngầm loại Oyashio của Nhật, nhờ vào kích thước lớn của mình, có thể được trang bị hệ thống điều khiển tác chiến gần tương tự như của các tàu ngầm hạt nhân.

Tàu ngầm lớp U212
Tàu ngầm lớp U212

Xem thêm:

Phần 1: Những công nghệ quân sự Nga-Mỹ yếu kém nhất

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại