Mỹ không "nổ súng trước" vì Ukraine thì Thổ Nhĩ Kỳ "dại gì mà trêu" Nga?

Trương Mạnh Kiên |

Lựa chọn tốt nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là "cân bằng mềm", đồng thời hợp tác với Nga trong không gian hậu Xô Viết, vừa ẩn mình sau lá chắn răn đe của NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ và canh bạc mạo hiểm

Ngày 10/4, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã lên đường tới Istanbul để tham dự cuộc họp lần thứ 9 của Hội đồng Hợp tác Chiến lược Cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ-Ukraine.

Mục đích chính chuyến thăm của ông Zelensky là thu hút sự ủng hộ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc đối đầu với Nga, một ưu tiên cấp bách hơn là thương mại và đầu tư , theo Al Jazeera.

Trong những tuần gần đây, Ukraine đang cảm thấy bầu không khí trở nên nóng hơn. Kể từ cuối tháng 3, Moscow đã tích lũy quân đội ở biên giới Ukraine-Nga. Theo Kiev, hiện có khoảng 40.000 quân Nga trong khu vực, nơi không xa tiền tuyến ở Donbass, và ở Crimea cũng có lượng quân tương tự.

Mặc dù chỗ dựa hàng đầu của Zelensky là Mỹ, ông cũng có lý do chính đáng để tin tưởng vào Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đây, Ankara đã từ chối công nhận sự sáp nhập Crimea của Nga và đưa ra lời ủng hộ hùng hồn đối với Ukraine.

Mối quan hệ Ukraine-Thổ Nhĩ Kỳ là có bản chất chứ không phải chỉ là những lời khoa trương. Vào năm 2019, Kiev đã mua 12 máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2, hệ thống vũ khí từng mang lại lợi thế cho các đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trên chiến trường Syria, Libya và Nagorno-Karabakh. Tướng Ruslan Khomchak, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, đã xác nhận kế hoạch mua thêm 5 chiếc nữa.

Hai nước từ lâu đã thảo luận về sản xuất quốc phòng chung, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng lợi từ việc Ukraine và Nga chia cắt. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tận dụng các mối liên hệ của mình với Ukraine để tạo dựng đòn bẩy với Mỹ.

Giờ đây, căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine tạo cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục mối quan hệ với Mỹ và phần còn lại của NATO sau thời gian tạm lắng. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Erdogan-Zelensky, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ thông báo hai tàu khu trục của Mỹ, USS Donald Cook và USS Roosevelt đã hướng đến Biển Đen.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc lại tỏ ra không mấy mặn mà với vấn đề của đồng minh, khi lưu ý rằng việc triển khai như vậy là một phần trong kế hoạch điều động thường xuyên của NATO. Sau đó, Mỹ đã rút các tàu khỏi khu vực.

Chính quyền Biden đã chọn áp đặt vòng trừng phạt mới đối với Nga, liên quan đến những cáo buộc can thiệp chính trị của Mỹ chứ không phải Ukraine, thay vì tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.

Với những động thái trên, Thổ Nhĩ Kỳ khó có khả năng đánh một canh bạc mạo hiểm với Nga vì Ukraine.

Tại cuộc họp báo chung với ông Zelensky, ông Erdogan đã kêu gọi giảm leo thang ở Biển Đen.

Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng gửi hỗ trợ quân sự trực tiếp cho tiền tuyến, như đã làm ở Nagorno-Karabakh hoặc ở Libya năm ngoái.

Nga dằn mặt

Mỹ không nổ súng trước vì Ukraine thì Thổ Nhĩ Kỳ dại gì mà trêu Nga? - Ảnh 3.

Mỹ chưa có động thái thể hiện sự ủng hộ Ukraine trong khu vực.


Vào ngày 12/4, Chính phủ Nga thông báo sẽ ngừng các chuyến bay thường lệ đến Thổ Nhĩ Kỳ cho đến ngày 1/6 vì lo ngại về COVID-19. Quyết định này gợi nhớ đến chiến dịch gây áp lực mà Moscow thực hiện trong "cuộc khủng hoảng máy bay" 2015-16, dù có những lo ngại thực sự liên quan đến dịch bệnh, nhưng nó cũng gửi đi một thông điệp rõ ràng đối với Ankara.

Quan trọng hơn hết, bản thân Ukraine dường như cũng không đặt mình trong chế độ leo thang. Trong khi Nga sục sôi nơi biên giới, chính quyền Zelensky không đánh trống trận hay tập trung quân để phản ứng.

Trên thực tế, động thái như vậy rõ ràng sẽ phản tác dụng, vì Kiev có khả năng bị chỉ trích là có các hành động khiêu khích hoặc tệ hơn là tạo cớ cho một cuộc tấn công. Đúng hơn, Tổng thống Ukraine đang cố gắng xây dựng sự ủng hộ ngoại giao.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có mặt tại Brussels vào tuần trước cho một vòng tham vấn NATO, nơi Ukraine nằm trong chương trình nghị sự.

Tại đây, ông cũng đã gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Liên minh sẽ thể hiện sự thống nhất nhưng có khả năng không phản ứng quá mức với những động thái từ Nga.

Theo Al-Jazeera, việc Thổ Nhĩ Kỳ qua lại với Ukraine cho thấy điều quan trọng về chiến lược của Ankara đối với Nga. Ankara đang tự tin đảm bảo rằng sự cạnh tranh với Moscow sẽ không vượt tầm kiểm soát.

Tổng thống Erdogan tỏ ra là một nhà lãnh đạo ít màng đến rủi ro, nhưng ông nhận thức được rằng cuộc đối đầu với người Nga ở Donbass hoặc Crimea sẽ mang lại rất ít lợi ích, trong khi cái giá phải trả quá nhiều.

Với những khó khăn chồng chất, lựa chọn tốt nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là "cân bằng mềm": đồng thời hợp tác với Nga trong không gian hậu Xô Viết, ẩn mình sau lá chắn răn đe của NATO, và xây dựng quan hệ an ninh với Azerbaijan, Gruzia hoặc Ukraine. Như năm 2014, Ankara sẽ tìm cách tránh xung đột để không bị mất mặt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại