Diễn biến mới đẩy tranh chấp biên giới Trung - Ấn vào thế bế tắc

Minh Thu |

Việc Trung Quốc từ chối rút quân khỏi 2 vị trí từng nằm trong chương trình đàm phán hạ nhiệt căng thẳng với Ấn Độ có thể đẩy tranh chấp biên giới hai nước vào thế bế tắc.

Tranh chấp biên giới Trung - Ấn có thể lại rơi vào bế tắc sau hành động đi ngược lại với cam kết của Bắc Kinh. (Ảnh minh họa)

Tranh chấp biên giới Trung - Ấn có thể lại rơi vào bế tắc sau hành động đi ngược lại với cam kết của Bắc Kinh. (Ảnh minh họa)

Tờ Sunday Express của Ấn Độ hôm 18/4 đưa tin, Trung Quốc từ chối rút quân khỏi ít nhất 2 vị trí là Hot Springs và Gogra Post thuộc vùng Ladakh, nơi đang xảy ra tranh chấp biên giới giữa Trung - Ấn.

Sunday Express dẫn lời các quan chức Ấn Độ tham gia đàm phán với phía Trung Quốc cho hay, các quan chức Bắc Kinh nhấn mạnh “Ấn Độ nên cảm thấy bằng lòng với những gì đã đạt được”.

Tuyên bố của giới chức Trung Quốc ám chỉ tới hoạt động rút quân của binh sĩ Trung - Ấn ở dọc bờ phía bắc và phía nam sông Pangong Tso, cũng như ở dãy núi Kailash. Đây là 2 khu vực mà quân đội Trung - Ấn đã đối mặt căng thẳng kể từ năm ngoái.

Theo đó, Trung Quốc nhấn mạnh không thể rút quân khỏi Hot Springs (vị trí tuần tra số 15) và Gogra Post (vị trí tuần tra 17A). Trong khi đây là 2 khu vực tranh chấp từng được các chỉ huy quân đội Trung - Ấn mang ra thảo luận trong cuộc gặp hôm 9/4.

Các quan chức Ấn Độ tham gia đàm phá cho biết thêm, trước đây Bắc Kinh đã đồng thuận rút binh sĩ Trung Quốc khỏi Hot Springs và Gogra Post, nhưng sau đó lại hành động trái ngược với cam kết của các tướng chỉ huy.

Kể từ tháng 5/2020, các cuộc đối thoại cấp chỉ huy quân đội đã được Trung - Ấn tiến hành nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực biên giới tranh chấp Ladakh. Tới vòng đàm phán thứ 11, hai bên đã đồng thuận rút quân khỏi Pangong Tso và dãy núi Kailash. Hoạt động rút quân được Trung - Ấn tiến hành từ tháng Hai năm nay.

Tuy nhiên, các nhà đàm phán Ấn Độ nhấn mạnh họ vẫn chưa thể tiếp cận vị trí Finger 8 ở hồ Pangong Tso. Tình hình hiện tại ở khu vực này vẫn giống như lúc bắt đầu xảy ra tranh chấp biên giới Trung - Ấn vào năm ngoái.

Trong quá trình đàm phán, New Delhi cũng yêu cầu quân đội Trung Quốc rút quân khỏi cao nguyên Depsang, vị trí chiến lược nằm gần ngã ba giữa Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo Ấn Độ, Trung Quốc đã “đột nhập” vào cao nguyên Depsang trong thời gian bùng nổ căng thẳng tranh chấp biên giới ở vùng Ladakh.

“Chúng tôi muốn chứng kiến hoạt động rút quân diễn ra ở những khu vực còn lại, nhằm hướng tới việc hạ nhiệt căng thẳng ở phía đông Ladakh. Chúng tôi hy vọng có thể lập lại nền hòa bình và yên tĩnh, cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển của các mối quan hệ song phương”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố trước thềm diễn ra cuộc đối thoại biên giới Trung - Ấn vào ngày 9/4.

Căng thẳng Trung - Ấn leo thang tới đỉnh điểm kể từ sau cuộc đụng độ đẫm máu hồi tháng 6/2020 khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng ở phía đông Ladakh. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh thừa nhận có thương vong bên quân đội Trung Quốc, nhưng vẫn giấu thông tin về số lượng cụ thể.

Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.

Tới ngày 19/2, Trung Quốc mới lần đầu tiên lên tiếng xác nhận số lượng binh sĩ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội Ấn Độ ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya vào tháng 6/2020 là 4 người.

Trong một cuộc họp báo hồi tháng 12/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subramanian Jaishankar từng nhấn mạnh, Trung Quốc đã đưa “hàng chục ngàn binh sĩ trang bị đầy đủ vũ khí” sẵn sàng chống lại Ấn Độ.

Ông Jaishankar còn khẳng định, xung đột biên giới đã “phá vỡ một cách sâu sắc” niềm tin giữa New Delhi và Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại