Tên lửa PK Việt Nam tham chiến ở ĐBSCL: Khổ tâm vì bị gọi là "A7 trượt"... quyết phục thù

Đại tá Ngô Mậu Chiến - Nguyên Chính ủy Sư đoàn Phòng không 377 |

Thật buồn là sau 2 lần bắn nữa, tên lửa vẫn không diệt mục tiêu. Đơn vị bạn đã gọi chúng tôi là "A7 trượt". Khổ tâm, áp lực đè nặng, tôi tự động viên cố giữ vững bản lĩnh lãnh đạo!

LTS: Đồng chí Đại tá Ngô Mậu Chiến - nguyên Chính ủy Sư đoàn Phòng không 377 - là cựu sinh viên Trường Đại học Thủy lợi. Trong những năm chiến tranh, đồng chí Ngô Mậu Chiến là xạ thủ tên lửa A72 tham gia chiến đấu tại đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây, Đại tá Ngô Mậu Chiến đã gửi cho chúng tôi những dòng ký ức đầy ắp kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh ấy. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

---------

Kỳ 1: Những ngày đầu ra trận, khổ tâm vì tên gọi... "A7 trượt"!

Những ngày đầu ra trận

Nhập ngũ ngày 24/8/1970, sau khi huấn luyện tân binh ở Sư đoàn 325B trong Như Xuân - Thanh Hóa, chúng tôi vô cùng sung sướng được Quân chủng PK-KQ vào nhận, đưa ra Thủ đô làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 361 - Đoàn Phòng không Hà Nội.

Tôi được biên chế về Tiểu đoàn 42 thuộc Trung đoàn tên lửa 263. Mùa hè năm 1971, Tiểu đoàn 42 - với phần lớn là sinh viên các trường đại học - giải thể.

Chúng tôi được điều về làm cán bộ khung Tiểu đội trưởng cho Trung đoàn 237 để huấn luyện tên lửa vác A72 - loại vũ khí phòng không mới và rất bí mật của Liên Xô vừa viện trợ cho Việt Nam.

Tên lửa PK Việt Nam tham chiến ở ĐBSCL: Khổ tâm vì bị gọi là A7 trượt... quyết phục thù - Ảnh 1.

Tác giả Đại tá Ngô Mậu Chiến - Nguyên Chính ủy Sư đoàn Phòng không 377

Kết thúc khóa huấn luyện cấp tốc, đầu tháng 2/1972, chúng tôi được biên chế thành 2 Đại đội để thành lập Tiểu đoàn 172 và được lệnh hành quân bộ vượt Trường Sơn vào chiến trường B2 (Miền Đông Nam bộ).

Gần 3 tháng lặn lội vượt núi băng rừng, ngày 30/4/1972, chúng tôi vào tới Xê Nun (Campuchia). Tập kết ở đó được 6 ngày thì đơn vị phân đi các hướng, trong đó có hướng quan trọng là tham gia chiến dịch Quang Trung đánh địch ở thị xã Bình Long - Lộc Ninh và đường 13.

Một số anh em bị sốt rét phải chờ đi đợt sau - trong đó có tôi - được biên chế thành 2 Trung đội trực thuộc các Trung đoàn của Sư đoàn 5 về đồng bằng sông Cửu Long mở vùng, mở mảng để chuẩn bị ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam.

Tôi được bổ nhiệm là Trung đội trưởng đi 1 mũi dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Cúc - Đại đội phó. Còn Trung đội kia đi mũi khác dưới sự chỉ huy của đồng chí Đặng Văn Cầu - Chính trị viên phó Đại đội.

Trước khi về đồng bằng, chúng tôi chuẩn bị mọi thứ như gạo, súng và nhận đạn tên lửa A72. Mỗi người được phát 4m vải, 1 bao nilon liệm, 1 lọ thuỷ tinh có nút cao su kín để đựng lý lịch trích ngang và chuẩn bị 1 bộ thuyền.

Tên lửa PK Việt Nam tham chiến ở ĐBSCL: Khổ tâm vì bị gọi là A7 trượt... quyết phục thù - Ảnh 2.

Xạ thủ tên lửa A-72 trong chiến tranh.

Gọi là thuyền nhưng thực ra là 10 thanh tre giống như cọc màn, 2 đầu bó lại để khi vượt sông thì căng giữa ra đặt tấm bạt nilon để ba lô, súng, đạn vào đó rồi vừa bơi vừa kéo qua sông. Mỗi đêm chúng tôi vượt 3 - 4 sông và kênh lớn.

Lính tên lửa vác vai A72 phần lớn là người Lạng Sơn và Phú Thọ, nhiều người không biết bơi cho nên mỗi đêm hành quân, tôi khá vất vả vì phải trở đi trở lại kéo 2 - 3 anh em qua sông…

Sau 4 đêm hành quân, đơn vị chúng tôi mới về được khu vực chiến đấu ở đồng bằng. Lúc này địch đã "đánh hơi" biết có quân chủ lực của ta về đồng bằng nên chúng tăng cường trinh sát cả trên không và mặt đất.

Chúng dùng B-52 tăng cường ném bom rải thảm. Có đêm mới đào công sự xong thì có tin tình báo của ta là địch sẽ đánh phá khu vực này nên anh em lại gấp rút cơ động chuyển địa điểm trú quân đến nơi khác.

Về đồng bằng là đơn vị bắt đầu tác chiến ngay. Chúng tôi đánh 2 quả đạn đầu nhưng không tiêu diệt được mục tiêu. Đã vậy, chí sau đó 1 tuần thì đồng chí Đại đội phó Nguyễn Văn Cúc đi họp bị B-52 rải thảm hy sinh.

Tên lửa PK Việt Nam tham chiến ở ĐBSCL: Khổ tâm vì bị gọi là A7 trượt... quyết phục thù - Ảnh 4.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 Không quân Mỹ rải thảm.

Tôi và nhiều anh em đã khóc vì thương anh Cúc và cũng lo lắng bởi anh Cúc là cán bộ chỉ huy, là lính cũ đã kinh qua chiến đấu, còn chúng tôi vẫn chỉ là lính mới tò te chưa biết gì. Tôi lúc đó lại bị sốt rét tái phát nhưng vẫn cố gắng động viên anh em cùng nhau phải vượt qua khó khăn để chiến đấu.

"Họa vô đơn chí" và khổ tâm với biệt danh "A7 trượt"

"Họa vô đơn chí", sau khi anh Cúc hy sinh chưa được 1 tuần thì Trung đội tôi lại bị bom B-52 rải thảm khiến 5 chiến sĩ hy sinh.

Thật buồn là sau 2 lần bắn nữa, tên lửa A72 của chúng tôi vẫn không tiêu diệt mục tiêu. Các đơn vị bạn đã gọi chúng tôi là "A7 trượt". Chúng tôi rất khổ tâm và bị áp lực đè nặng… Tôi tự động viên cố gắng giữ vững bản lĩnh lãnh đạo!

Trung đội tổ chức rút kinh nghiệm vì sao đánh không thắng? Qua trao đổi, tôi và nhiều anh em phát hiện ra là đạn A72 qua hành quân đường dài bị va đập nhiều quá nên bị ảnh hưởng các thông số kỹ thuật.

Tôi đề nghị với cấp trên được thay đạn mới, còn số đạn cũ chuyển lên "R" để kiểm tra lại các thông số kỹ thuật.

Được cấp trên chấp thuận, đêm đêm, chúng tôi vượt lộ 4 sang Cai Lậy Bắc nhận đạn mới. Đêm nào trên lộ bình yên thì đi được 2 chuyến. Đạn nhận về, chúng tôi giấu tạm gần lộ để đêm hôm sau ra lấy đem về đơn vị.

Cuộc chiến ở đồng bằng vẫn cứ diễn ra. Đêm hành quân. Ngày cùng đơn vị bộ binh đánh địch, chống càn. Trung bình cứ khoảng từ 7 đến 10 ngày đánh 1 trận. Có trận đánh tốt. Có trận không đánh được, nhất là đến mùa nước lớn.

Tên lửa PK Việt Nam tham chiến ở ĐBSCL: Khổ tâm vì bị gọi là A7 trượt... quyết phục thù - Ảnh 6.

Trực thăng Mỹ hoạt động ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể nói cán cân lực lượng trên chiến trường đồng bằng Nam bộ lúc đó nghiêng hẳn về phía địch. Các đơn vị chủ lực của phải phân tán để bảo toàn lực lượng, không thể triển khai đánh lớn, đánh chính quy được vì ta không có pháo mặt đất, không có pháo phòng không, chỉ có súng 12 ly 7 nhưng cũng còn hạn chế.

Đã vậy, các đơn vị lớn khó tìm được nơi trú quân vì các rừng tràm bị bom đạn đốt cháy không còn lá; các vườn cây của dân cũng bị bom đạn cày xới xơ xác…

Trong khi đó, lực lượng đich thì đầy đủ các phương tiện khí tài chiến đấu với Hải - Lục - Không quân đều phát huy tối đa.

Hải quân của chúng có các tàu nhỏ đi dọc sông. Không quân có B-52 rải thảm, có A37, F-5 ném bom, có trực thăng đổ bộ và trực thăng vận tải hạng nặng CH-47 "cần cẩu bay hai chèo", có máy bay trinh sát OV10, L19.

Pháo mặt đất được bố trí trận địa dày đặc. Còn xe bọc thép M113 lội nước thì "đông nhung nhúc"… Bộ đội ta tác chiến ở đồng bằng sông Cửu Long ngày ấy thật khó khăn, gay go và ác liệt.

(còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại