Xạ thủ kỳ tài TLPK Việt Nam: Diệt 8 máy bay địch và sáng kiến làm chuyên gia LX sững sờ, chấp thuận lắp lên tàu hải quân

Nguyễn Hữu Mão - Cựu chiến binh Trung đoàn tên lửa 263 |

Tên lửa đặc biệt của ta đã thực sự gây bất ngờ và trở thành nỗi khiếp đảm của KQ Mỹ và VNCH, chúng rất kinh hoàng khi thấy làn khói xanh bất thình lình từ dưới đất vút lên.

Năm 1971, tình hình trên các chiến trường miền Nam vô cùng ác liệt. Máy bay địch bắn phá, ném bom thẳng vào đội hình chiến đấu của các đơn vị bộ binh của ta, gây ra nhiều tổn thất.

Vì vậy yêu cầu TLPK Việt Nam phải tiêu diệt các loại máy bay tầm thấp như trực thăng, máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu của địch được đặt ra hết sức cấp thiết. Lúc này, Liên Xô có viện trợ cho ta loại tên lửa vác vai 9K32 Strela-2, Mỹ gọi là SA-7, khi về Việt Nam ta đặt tên loại vũ khí này là A72.

Xạ thủ kỳ tài TLPK Việt Nam: Diệt 8 máy bay địch và sáng kiến làm chuyên gia LX sững sờ, chấp thuận lắp lên tàu hải quân - Ảnh 1.

Tác giả Nguyễn Hữu Mão - Cựu chiến binh Trung đoàn tên lửa 263.

Những phát minh sáng kiến của chàng xạ thủ A72 vốn là sinh viên giỏi toán

Tiểu đoàn tên lửa A72 mang phiên hiệu 172 được ra đời trong hoàn cảnh đó. Trung tá Đặng Văn Cầu - nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 172 đã có lần kể cho tôi nghe về "buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy":

"Tiểu đoàn gồm có 2 Đại đội phần lớn là lính sinh viên các trường đại học Thủy lợi, Bách khoa, Ngoại giao, Sư phạm thuộc Tiểu đoàn 42 của Trung đoàn 263 tên lửa phòng không được điều về lập khung đơn vị.

Các xạ thủ được huấn luyện cấp tốc theo chế độ cực kỳ bảo mật. Sau đó, cả Tiểu đoàn vượt Trường Sơn vào chiến trường B2 - miền Đông Nam bộ. Lúc bấy giờ Lộc Ninh đã được giải phóng và trở thành vùng an toàn nên khu rừng Cấm xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh được chọn làm căn cứ đóng quân của đơn vị".

Nói đến chiến công và thành tích chiến đấu của Tiểu đoàn 172 tên lửa A72 - một đơn vị cấp Tiểu đoàn có lẽ vào loại hiếm có của toàn quân ta vì tập thể Tiểu đoàn, cả 2 Đại đội và 10 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong chiến tranh chống Mỹ.

Đồng thời, nhiều người đều biết đến Thượng tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Xuân, một trong những xạ thủ đặc biệt xuất sắc, vốn là sinh viên năm cuối của trường Đại học Thủy Lợi, nhập ngũ ngày 24/8/1970.

Xạ thủ kỳ tài TLPK Việt Nam: Diệt 8 máy bay địch và sáng kiến làm chuyên gia LX sững sờ, chấp thuận lắp lên tàu hải quân - Ảnh 2.

Thượng tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Xuân khi còn là sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi

Khi vào chiến trường, Trần Văn Xuân là Tiểu đội trưởng kiêm xạ thủ A72. Vào thời điểm ấy, trên thế giới, loại tên lửa vác vai này mới "ra lò" được vài năm nên việc sử dụng nó trên chiến trường cực kỳ mới mẻ.

Là người thông minh, ham hiểu biết và thích tìm hiểu, ngay từ lúc huấn luyện, có những thao tác mà ông Xuân thắc mắc thì chỉ được giáo viên trả lời rằng: "Các chuyên gia Liên Xô hướng dẫn thao tác thế. Không sai đâu. Phải chấp hành!".

"Để rồi khi vào trận - ông Xuân rưng rưng nhớ lại - chúng tôi đã phải trả giá bằng tính mạng! Tôi nhớ trước trận đầu ra quân, cậu Cấy, chiến sĩ trong Tiểu đội cứ xin tôi: "Thế nào anh cũng phải cho em bắn một quả nhé!".

Thế nhưng trong trận ra quân đầu tiên ấy, quả đạn tôi bắn lên không trúng mục tiêu, bị địch bắn lại làm 2 đồng đội hy sinh, trong đó có Cấy. Vậy là cậu ấy không còn kịp thực hiện ước nguyện của mình…".

Cái chết của đồng đội đã ám ảnh Trần Văn Xuân. Vốn là sinh viên giỏi toán, ông hiểu nguyên nhân bắn không hiệu quả là do cách bắn nâng rê trước khi phóng đạn chỉ theo ước lượng của xạ thủ chứ không có tham số mục tiêu cụ thể.

Thế là ông lặng lẽ sử dụng phương pháp lượng giác để làm ra khung điểm đón cho tên lửa A72 trên máy ngắm của súng phòng không 12,7mm.

Đây là phương pháp rất khả thi với tầm quan sát rộng, đón bắt chính xác đường đi và độ cao, độ xa của máy bay. Nhưng mọi việc không đơn giản, sáng kiến của ông bị chỉ huy phản bác, cho rằng "trứng khôn hơn vịt"!

Có một lần do cố tình lắp khung điểm đón vào chiến đấu tại chiến dịch Bù Đông, ông bị Đại đội trưởng cách chức Tiểu đội trưởng, cho xuống làm… "Lê Anh Nuôi"!

Vậy mà ông Xuân vẫn không nản chí. Ông vẫn lặng lẽ mày mò nghiên cứu, hoàn thiện khí tài của mình… Rồi vận may cũng đến khi liên tiếp hai trận đánh, nhân khi Đại đội trưởng đi vắng, ông xin Trung đội trưởng cho lắp khí tài tự chế để bắn máy bay địch.

Kết quả hai trận đánh ấy thật sự gây tiếng vang lớn trong đơn vị khi ông Xuân đã bắn hạ 1 chiếc trực thăng UH-1, 2 chiếc A-37 - trong đó A-37 là loại máy bay có nhiều thủ đoạn đối phó với A72, rất khó đánh.

Xạ thủ kỳ tài TLPK Việt Nam: Diệt 8 máy bay địch và sáng kiến làm chuyên gia LX sững sờ, chấp thuận lắp lên tàu hải quân - Ảnh 4.

Xạ thủ tên lửa A72 Quân giải phóng miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ

Khung điểm đón ra đời đã nâng cao hiệu quả tiêu diệt mục tiêu của tên lửa A72. Sự xuất hiện của tên lửa A72 trên chiến trường miền Đông Nam bộ trong thời gian ấy với những trận đánh tiêu diệt máy bay địch đã thực sự gây bất ngờ và trở thành nỗi khiếp đảm của không quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.

Máy bay của chúng, nhất là trực thăng và A37, rất kinh hoàng khi thấy làn khói xanh bất thình lình từ dưới đất vút lên bắn đuổi, khiến chúng không thể "làm mưa, làm gió" trên chiến trường được nữa.

Sáng kiến độc đáo khiến chuyên gia Liên Xô sững sờ

Thành công tự chế tạo khung điểm đón cho tên lửa A72 bắn máy bay địch của xạ thủ TLPK Việt Nam Trần Văn Xuân từ chiến trường đã bay ra tận Quân chủng PK-KQ ngoài Hà Nội.

Cuối năm 1972, Quân chủng đã cử một cán bộ trợ lý A72 vào chiến trường tiếp nhận cải tiến của Trần Văn Xuân mang ra Bắc, được chuyên gia Liên Xô đánh giá rất cao, chấp nhận và cho cải tiến khí tài ở tàu Hải quân.

Cũng trong những ngày đầu ra trận, xạ thủ Trần Văn Xuân đã nhận thấy lý thuyết được học tập huấn luyện khác xa với điều kiện chiến đấu trên chiến trường.

Ông nhận thấy việc bố trí lực lượng tên lửa A72 cần phải nằm cách tuyến 1 (tuyến đối đầu trực diện với địch) khoảng 1km để có tham số bắn và sử dụng hiệu quả tính năng của tên lửa. Thế nhưng chỉ huy các đơn vị bộ binh thường đưa lực lượng A72 lên tuyến 1.

Anh em A72 phải đào 3 hố công sự (rộng 2,2m và sâu 1,1m) để làm trận địa. Đào xong thì trời đã sáng nên không thể đào hầm trú ẩn, khi trận đánh diễn ra, lực lượng gần như bị phơi lộ rất nguy hiểm.

Mặt khác, khi bắn máy bay, khói từ tên lửa A72 cũng dễ làm lộ trận địa. Để khắc phục hạn chế trên, Trần Văn Xuân đã có sáng kiến:

- Thay đổi tham số từ 2.0 xuống 0 (điều chỉnh lại thời gian bắt và bắn mục tiêu cho phù hợp);

- Không đào hố công sự mà tập trung đào hầm trú ẩn, lợi dụng cây cỏ để nắm bắt hướng gió, sau khi hỏa lực của địch dứt, lực lượng A72 sẽ cơ động xuôi theo chiều gió, lợi dụng các hố bom, đạn pháo làm trận địa. Bắn tiêu diệt máy bay địch xong thì cơ động về hầm trú ẩn.

Vì thế anh em xạ thủ được an toàn.

Với khung điểm đón và chiến thuật đánh địch như vậy, cho đến khi kết thúc chiến tranh, xạ thủ Trần Văn Xuân đã bắn rơi 8 máy bay các loại của địch và trở thành một trong những xạ thủ A72 xuất sắc bắn rơi nhiều máy bay địch của Tiểu đoàn 172.

Năm 1978, ông Trần Văn Xuân được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Từ cõi chết trở về và hết lòng vì đồng đội

Tháng 6/1972, khi đang chiến đấu trên mặt trận tỉnh Bình Phước, Trần Văn Xuân bị sốt rét và được một đồng đội đưa về bệnh xá điều trị. Thế nhưng, đến trung tâm Hớn Quảng thì hai người bị chia cắt do bom đạn và lạc nhau.

Tối đó, Trần Văn Xuân lên cơn sốt, nằm co quắp một mình dưới một đoạn hào thì gặp bộ đội Sư đoàn 9 hành quân qua. Mọi người đã chăm sóc Trần Văn Xuân và ngày hôm sau, chỉ huy Sư đoàn cử 1 chiến sĩ truyền đạt dẫn đường giúp Trần Văn Xuân đi tiếp về bệnh xá.

Chiều hôm ấy, khi đang bước thấp bước cao vì sốt rét qua khu vực suối Xa Cát thì ông Xuân gặp mũi chiến đấu Trung đội 3 gồm 11 chiến sỹ do Trung đội trưởng Nguyễn Khắc My chỉ huy vừa đi chiến dịch đang hành quân về cứ.

Giữa rừng cao su khét lẹt mùi khói, mọi người ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Trông ai cũng lấm lem, khắc khổ nhưng gương mặt thì rạng ngời niềm vui bởi chiến thắng liên tiếp của đơn vị. Anh em rủ ông Xuân ở lại cùng nghỉ qua đêm nhưng ông xin phép đi tiếp, để đồng chí dẫn đường sớm được trở về.

Khu vực này là một phần của rừng cao su đã bị bom đạn phá trụi, cây dại mọc lúp xúp. Hai người nhanh chóng vượt qua khoảng trống tới bìa rừng cao su thì bất chợt máy bay B-52 của địch ào tới rải thảm 3 loạt bom đúng khu vực nơi các đồng đội Trung đội 3 đang dừng chân.

Lúc đó, Trần Văn Xuân chỉ kịp kêu to: "My ơi… Thuận ơi… Tâm ơi…" thì trời đất bỗng tối xầm.

Mở mắt tỉnh dậy, Trần Văn Xuân thấy mình nằm trong bệnh xá quân y, toàn thân đau nhức. Qua câu chuyện với một nữ y tá, ông mới biết là mình đã mê man bất tỉnh 3 ngày 3 đêm.

Cô y tá cho biết: Có mấy anh bộ đội của đơn vị thông tin đang lần theo đường dây để nối lại các đoạn bị bom đánh đứt. Đến một cái khe cách miệng hố bom khoảng dăm mét, mọi người bới đất cát và cây cối đổ rạp phía trên thì phát hiện anh đang nằm ngất lịm ở bên dưới. Thấy anh còn thở nên họ khiêng anh đến bệnh xá…

Sau những ngày chữa bệnh, vừa hồi phục sức khỏe, Trần Văn Xuân liền tìm đường trở về đơn vị. Thấy Trần Văn Xuân về, ai trong đơn vị cũng ngạc nhiên và sửng sốt vì cứ ngỡ rắng ông đã hy sinh rồi!

Xạ thủ kỳ tài TLPK Việt Nam: Diệt 8 máy bay địch và sáng kiến làm chuyên gia LX sững sờ, chấp thuận lắp lên tàu hải quân - Ảnh 6.

Trong một lần gặp các đồng đội lính sinh viên nhập ngũ cùng đợt, ông Trần Văn Xuân kể lại:

Thì ra sau trận B52 thả bom, không nhận được tin tức của tôi nên đơn vị đã tổ chức lực lượng đi tìm.

Đến bìa rừng cao su, mọi người tìm thấy một khẩu AK, một cơ cấu phóng tên lửa A72 và một phần thân thể cháy xém trên cành cây cao su. Mọi người đều nghĩ là tôi đã hy sinh vì cơ cấu phóng đó chỉ có thể là của xạ thủ tên lửa A72, nhưng thực ra đó là chiến sĩ dẫn đường.

Còn mũi chiến đấu của Trung đội 3 hôm đó cũng hy sinh 5 người, chỉ trừ Trung đội trưởng Nguyễn Khắc My đã lập gia đình, còn lại đều ở tuổi đôi mươi.

Lực lượng tìm kiếm đã soi từng hòn đá, lật từng gốc cây nhưng chỉ tìm thấy thi thể của chiến sĩ Nông Bằng Tâm (quê Tràng Định - Lạng Sơn) và một số bộ phận thân thể không thể nhận ra được của ai…

Anh em đành quyết định mai táng chung tất cả những gì tìm thấy vào một ngôi mộ và ghi tên, tuổi, quê quán, ngày hy sinh của 5 đồng đội bỏ vào trong chiếc lọ Penicelin nút chặt chôn cùng. Hôm tôi từ bệnh xá trở về thì đơn vị cũng vừa gửi giấy báo tử về cho các gia đình trước đó ít ngày"…

Nói đến đây, ông Trần Văn Xuân thoáng trầm tư:

"Đối với những đồng đội đã hy sinh, sau ngày hòa bình, tôi cũng đã đến gặp các gia đình và thông báo. Điều đáng tiếc nhất là vì thời gian quá lâu, nên nhiều năm nay, chúng tôi đã tổ chức đi tìm để quy tập cất bốc hài cốt đồng đội về quê hương để thỏa ước mong của thân nhân và gia đình các liệt sĩ mà không được!".

Xạ thủ kỳ tài TLPK Việt Nam: Diệt 8 máy bay địch và sáng kiến làm chuyên gia LX sững sờ, chấp thuận lắp lên tàu hải quân - Ảnh 7.

Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Xuân và cháu nội tại Bảo tàng PKKQ

Nhớ lại những kỷ niệm chiến trường, đôi mắt người Anh hùng vẫn đau đáu nỗi niềm:

"Lực lượng tên lửa A72 hoạt động rất phân tán. Thường thì một tổ 3 người hoặc 1 tiểu đội đi phối thuộc với các lực lượng khác trong chiến đấu nên thành tích, chiến công ít được nhắc đến. Nhiều đồng chí bị chất độc da cam ảnh hưởng đến cuộc sống và con cái.

Các CCB chúng tôi đã thành lập Hội Bạn chiến đấu A72 với mục đích vừa ôn lại quá khứ, động viên hỗ trợ nhau trong cuộc sống, vừa tập hợp lại thành tích của đồng đội để mong các cấp có thẩm quyền xem xét vinh danh và thực hiện chế độ.

Bản thân tôi là người may mắn hơn nhiều đồng đội khác nên tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ Trưởng Ban liên lạc Bạn chiến đấu A72 để góp phần tri ân đồng đội, tri ân cuộc đời".

Trong những năm qua và cho đến hôm nay, có thể nói ông Trần Văn Xuân luôn hoạt động hết lòng vì đồng đội.

Với cương vị Trưởng Ban liên lạc Bạn chiến đấu A72, ông thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình đồng đội là liệt sỹ, thương binh, bị ảnh hưởng chất độc da cam…

Đặc biêt, ông đã kiên trì làm hồ sơ để trình các cấp xét duyệt phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 7 xạ thủ A72 của Tiểu đoàn 172 trong những năm vừa qua là một minh chứng cho tình đồng đội cao đẹp ấy!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại