Kế hoạch tuyệt mật giải cứu tù binh phi công Mỹ ở Sơn Tây
Giữa năm 1966, trước sự thúc ép của dư luận nước Mỹ, nhất là của gia đình các phi công Mỹ bị bắn rơi trong các cuộc không kích tại miền Bắc Việt Nam, một cuộc họp bất thường đã được Bộ Quốc phòng Mỹ tổ chức với thành phần gồm một số chuyên viên tình báo và chuyên viên giải thoát tù binh của nhiều đơn vị hữu quan.
Mục đích của cuộc họp là tìm ra được phương pháp hữu hiệu thu thập thông tin về tù binh phi công Mỹ bị bắt và bị mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam.
Tác giả Nguyễn Hữu Mão - Cựu chiến binh Trung đoàn tên lửa 263
Trước mắt, có hai việc cần phải tiến hành ngay:
Thứ nhất, xác định danh sách những phi công sau khi bị bắn rơi đã bị bắt làm tù binh để mối quan tâm lo lắng của gia đình họ được vơi đi phần nào.
Thứ hai, xác định được vị trí của những trại tù binh phi công để đưa chúng ra ngoài mục tiêu ném bom bắn phá của không quân Mỹ nhằm tránh xảy ra chuyện "gậy ông đập lưng ông" và tiến tới tìm cách giải thoát cho số phi công tù binh này!
Kể từ đó, Lầu Năm góc đã mở một chiến dịch săn lùng, kiếm tìm ráo riết của các lực lượng tình báo và kỹ thuật Mỹ, được huy động với hết khả năng và điều kiện cho phép.
Đến giữa năm 1970, lực lượng này đã khám phá ra điều nóng hổi mà cả cơ quan tình báo Mỹ đang mong chờ: Có ít nhất hai trại giam tù binh phi công Mỹ tại phía tây Hà Nội. Một trong hai trại đó nằm ở thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 cây số!
Họ lập tức huy động các chuyên gia giỏi nhất tập trung nghiên cứu vùng Sơn Tây. Các chuyên gia tình báo quân sự Mỹ đã lập cả một sơ đồ thực sự để nhận biết và lên kế hoạch giải thoát cho tù binh ở trại giam này.
Ảnh khu vực Trại giam Sơn Tây do trinh sát đường không của Mỹ chụp tháng 7/1970.
Sau rất nhiều cuộc bàn bạc, huấn luyện biệt kích, cuối cùng, một kế hoạch tập kích Sơn Tây giải thoát tù binh phi công Mỹ đã được Lầu Năm góc xây dựng hoàn chỉnh đến từng chi tiết cụ thể. Chiến dịch tuyệt mật này được ngụy danh bằng một cái tên khá thơ mộng: "Bờ biển Ngà".
Kế hoạch cụ thể của chiến dịch "Bờ biển Ngà" tuyệt mật đến mức chỉ có Tổng thống Nixon, Cố vấn An ninh Kissinger và mấy Bộ trưởng Bộ quan trọng được biết.
Tất cả số biệt kích và phi đoàn bay được đưa đến huấn luyện tại một vùng đất rộng khoảng 465.000 hec ta có xây dựng sa bàn khu vực trại giam Sơn Tây giống y như thật ở phía Bắc bang Florida.
Theo quyết định của Tổng thống Nixon, chiến dịch giải cưu phi công Mỹ bị giam giữ tại Sơn Tây được tiến hành vào đêm 20 rạng sáng 21/11/1970 là đêm có thời tiết tốt nhất ở khu vực Sơn Tây nói riêng và cả miền Bắc Việt Nam nói chung.
Tên lửa phòng không Việt Nam xuất sắc bẻ gãy cuộc đột kích của Mỹ
Đúng 23h25 ngày 20/11/1970, từ căn cứ Udon (Thái Lan), 6 máy bay trực thăng Mỹ cất cánh mang theo đội biệt kích 103 người bay về hướng bắc Việt Nam với sự yểm trợ trực tiếp của các máy bay cường kích AD-6.
Cùng đi với 6 trực thăng này còn có 1 chiếc C-130 dẫn đường cùng 2 chiếc C-141 để chở tù binh từ Sơn Tây về.
Toàn bộ đội hình này đều bay ở độ cao rất thấp, men theo các triền núi để tránh sự phát hiện của radar Việt Nam.
Theo số liệu của Lầu Năm Góc, Mỹ đã điều tổng cộng hơn 100 máy bay các loại của Không quân và Hải quân cất cánh từ 5 căn cứ không quân tại Thái Lan, 3 tàu sân bay tại Vịnh Bắc bộ để làm nhiệm vụ chế áp lực lượng phòng không - không quân của Việt Nam và ném bom, bắn phá các nơi nhằm nghi binh hỗ trợ cho chiến dịch này.
Còn quy mô của chiến dịch tập kích Sơn Tây giải cứu phi công Mỹ diễn ra trên một vùng trời rộng tới 300.000 km2 ở Đông Nam Á!
Trước khi tốp trực thăng đổ bộ xuống trại giam ở Sơn Tây, hải quân Mỹ cho 4 tốp máy bay hoạt động ở ven biển Hải Phòng, thả pháo sáng ở khu vực đảo Vạn Hoa và Long Châu để nghi binh, đánh lạc hướng và nhiều tốp máy bay phản lực bay ở tầng trung, lượn vòng quanh Hà Nội, làm phân tán sự đối phó của lực lượng ta.
Tình huống trên không lúc này rất phức tạp và căng thẳng.
Trong đêm tối, còi báo động rền vang khắp các tỉnh, thành miền Bắc cùng với tiếng gầm rú của hàng đàn máy bay phản lực và tiếng nổ liên hồi của bom, đạn...
Các trận chiến đấu ban đêm thường là khó khăn hơn cho bộ đội phòng không do địch được trang bị nhiều khí tài trinh sát và đánh đêm hiện đại, có thể tấn công khá chính xác.
Còn phía ta, ngoài bộ đội tên lửa thì lực lượng pháo phòng không và súng máy cao xạ không thể quan sát được mục tiêu như ban ngày nên phải xạ kích bằng phương pháp bắn đón theo tiếng động cơ máy bay hoặc dựng màn đạn ở cự ly và độ cao nhất định để bảo vệ yếu địa, do đó hiệu quả thấp hơn…
Tên lửa SAM-2 rời bệ phóng
Lợi dụng tình hình đó, tốp trực thăng bay ở độ cao rất thấp vẫn tiến về phía Sơn Tây. Tuy vậy, đài quan sát mắt của ta ở Suối Rút đã phát hiện tiếng động cơ máy bay lạ và kịp thời thông báo về sở chỉ huy.
Trên mạng tình báo B1, radar của ta phát hiện hàng chục tốp máy bay địch bay vào vùng trời miền Bắc ở các hướng.
Lúc đó là gần 2 giờ sáng ngày 21/11/1970, các đơn vị phòng không của ta đã được lệnh báo động chiến đấu. Trong đó Trung đoàn tên lửa 263 thuộc Sư đoàn phòng không Hà Nội trang bị tên lửa SAM-2 đã cảnh giác cao, vào cấp 1 nhanh nhất.
Nhớ lại khoảnh khắc đó, dù đã trải qua 50 năm nhưng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Hiếu - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, lúc đó là chiến sỹ thông tin của Đại đội 20 làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu bảo đảm thông tin liên lạc trong sở chỉ huy Trung đoàn 263 vẫn nhớ rất rõ từng chi tiết.
Ông Hiếu kể: "Nhiệm vụ của tôi khi ấy là trực chiến đấu bảo đảm thông tin liên lạc tại Sở chỉ huy Trung đoàn. Tôi nhớ, lúc bấy giờ, Sở chỉ huy của Trung đoàn là một ngôi nhà hầm nửa nổi nửa chìm trong khuôn viên chùa Thượng (tên chữ là chùa Quang Phúc) ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.
Đêm đó, trong Sở chỉ huy Trung đoàn, Chủ nhiệm Thông tin Vũ Trường Tu làm nhiệm vụ trực ban tác chiến luôn theo dõi chặt chẽ tin tình báo thu được trên mạng B1và kịp thời xử lý báo cáo chỉ huy Trung đoàn ra lệnh cho các tiểu đoàn tên lửa chuyến cấp chiến đấu.
Tôi vẫn còn nhớ tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán của Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Quảng trực tiếp chỉ huy trận đánh đêm ấy".
Được Trung đoàn trưởng chỉ thị trực tiếp mục tiêu, cả 3 tiểu đoàn hỏa lực 41, 43, 44 của Trung đoàn 263 đều lần lượt phát hiện thấy địch.
Các tốp máy bay này, vốn được chuẩn bị cho nhiệm vụ chế áp ta, liên tiếp phóng hàng chục quả tên lửa Shrike chống radar về phía trận địa tên lửa, buộc các kíp trắc thủ tên lửa phải thao tác đối phó nhiều lần.
Lúc 2 giờ 39 phút, tiểu đoàn 43 ở trận địa Chèm (Từ Liêm, Hà Nội) đã nhanh chóng phát hiện 1 tốp mục tiêu bay vào vùng hỏa lực của mình và lập tức phóng ngay 2 quả đạn, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-4.
13 phút sau, tiểu đoàn 44 ở trận địa Yên Nghĩa (Hoài Đức, Hà Tây cũ) bám sát chính xác tốp mục tiêu khác đang tiếp tục lao vào và chỉ phóng 1 quả đạn đã thiêu cháy 1 máy bay F-4, biến nó thành một bó đuốc cháy đùng đùng rơi xuống sườn núi.
Còn cựu chiến binh - Đại tá Ngô Văn Khoát, khi ấy là chiến sỹ trực xe thông tin tiếp sức P405 của Đại đội chỉ huy, bảo đảm thông tin liên lạc từ chỉ huy Trung đoàn xuống các tiểu đoàn tên lửa, kể:
"Sau gần 2 tháng về làm lính Trung đoàn tên lửa 263, đêm ấy là lần đầu tiên tôi biết thế nào là một trận chiến đấu của đơn vị tên lửa. Trực chiến ca đêm trên xe khí tài, qua cáp tai nghe tôi thấy từ dưới tiểu đoàn báo cáo lên trung đoàn đã bắt được mục tiêu.
Lệnh của Trung đoàn trưởng từ Sở chỉ huy Trung đoàn cho tiêu diệt. Tôi nhớ là chỉ sau khoảng 2 - 3 phút thì nghe tiếng đồng chí chỉ huy dưới tiểu đoàn báo cáo lên là "Mục tiêu đã bị tiêu diệt".
Trong tai nghe của tôi lúc ấy là tiếng hò reo từ Sở chỉ huy Trung đoàn và dưới tiểu đoàn rộn rã cả lên. Mừng quá, tôi cũng hô to: "Ta thắng rồi… anh em ơi!". Lúc ấy, cả tiểu đội đang ngủ dưới nhà cùng bật dậy. Nghe tôi nói lại, mọi người vui mừng, bàn tán xôn xao cho đến sáng không ai ngủ nữa.
Sáng hôm sau, nghe thông báo của trên thì chúng tôi mới biết đêm qua, không quân Mỹ đã tổ chức cuộc tập kích bất ngờ vào Sơn Tây hòng cứu số giặc lại đang bị ta giam giữ ở đó nhưng cuộc tập kích của chúng bị thất bại do số giặc lái ở trại giam này đã được chuyển đi nơi khác trước đó.
Đã vậy chúng còn bị Trung đoàn 263 chúng tôi chuyển cấp chiến đấu kịp thời, bắn rơi 2 chiếc phản lực F-4".
Tác giả và các đồng đội bạn chiến đấu Trung đoàn 263. Ngoài cùng bên phải là CCB Nguyễn Hữu Hiếu. Ngoài cùng bên trái là CCB - Đại tá Ngô Văn Khoát.
Trước sự đánh trả quyết liệt của tên lửa phòng không ta như vậy, lũ phản lực Mỹ phải tan tác đội hình bay dạt ra phía ngoài xa.
Rất tiếc là tiểu đoàn tên lửa 41 đêm ấy ở trận địa Mậu Lương (Thanh Oai, Hà Tây cũ) đã bắt được mục tiêu từ xa, tín hiệu rất rõ bay chậm về hướng Sơn Tây, đủ điều kiện xạ kích nhưng do mất liên lạc với sở chỉ huy, không xác định rõ được địch - ta, sợ bắn nhầm máy bay ta nên không đánh được.
Trong khi đó, do bị bất ngờ nên hầu hết các đơn vị tên lửa, pháo phòng không trong Sư đoàn và các đơn vị đều không kịp đánh địch.
Do cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, kịp thởi nổ súng đánh địch và lập được chiến công đêm hôm đó, Trung đoàn tên lửa 263 đã được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi tặng lẵng hoa. Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ cũng tặng Trung đoàn 2 bức trướng để ghi nhận chiến công đặc biệt xuất sắc này!
Còn kế hoạch tập kích Sơn Tây của Mỹ được thực hiện khá chặt chẽ nhưng kết quả lại không đạt được mục tiêu. Nhóm biệt kích đã đổ bộ vào một trại giam trống rỗng vì các tù binh phi công Mỹ đã được ta chuyển đi nơi khác từ trước đó mà tình báo và trinh sát đường không của Mỹ không nắm được!
Chúng tức tối bắn giết bừa bãi một số người dân xung quanh trại giam rồi đặt thuốc nổ phá hủy chiếc trực thăng bị tai nạn, bỏ lại một số trang, thiết bị để dồn quân lên các trực thăng còn lại và vội vàng tháo lui.
Kết cục ấy là do phía Mỹ đã không thể biết rằng trước đó khá lâu, sau những hoạt động đáng ngờ của Mỹ và một số người nước ngoài khác đến Việt Nam thăm dò về tình hình phi công Mỹ bị bắt, cùng với nguồn tin tình báo khác nên chúng ta đã cảnh giác, chuẩn bị đối phó và lặng lẽ cho chuyển số tù binh ở đây đi nơi khác.
Đồng thời ta cũng bí mật bố trí lực lượng phục kích ở đây đón lõng quân Mỹ. Tuy nhiên chờ một thời gian không thấy có động tĩnh gì nên quân ta đã rút đi làm nhiệm vụ khác…
Có thể nói đây là một thất bại của Mỹ đối với chiến dịch quy mô lớn và được chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy. Đã không cứu được phi công nào mà còn tổn thất 1 trực thăng bị tai nạn và 2 máy bay phản lực bị bắn hạ.
Chiếc trực thăng gặp nạn đã bị biệt kích Mỹ phá hủy còn bỏ lại Sơn Tây.
Còn chúng ta, sau khi cảnh giác làm thất bại âm mưu cứu phi công của Mỹ cũng đã nhanh chóng củng cố mạng lưới thông tin liên lạc và hệ thống an ninh mặt đất để sẵn sàng đối phó tốt hơn với tình huống tương tự.
Tuy nhiên, từ đó cho đến khi phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam tháng 1/1973, phía Mỹ đã không dám phiêu lưu thêm một lần nào nữa.