Mỹ bí mật hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân ở Đức

Lê Ngọc |

B61-12 được coi là vũ khí duy nhất có khả năng hoàn thành các nhiệm vụ chiến thuật và chiến lược, giải quyết nhiều kịch bản chiến trường.

“Thỏa thuận chia sẻ hạt nhân

Tờ "Tin tức buổi sáng" của Bỉ trích dẫn một tài liệu NATO cho biết, Quân đội Mỹ hiện đang có khoảng 150 vũ khí hạt nhân chiến thuật - được chế tạo để hỗ trợ cho hải quân, lục quân trong các hoạt động chiến đấu gần đối phương, ở châu Âu.

Các địa điểm tàng trữ cách nhau vài trăm km, nhằm “không chỉ có thể đảm bảo khả năng sống sót mà còn đảm bảo nhanh chóng sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp”, đó là: Kleine Brogel (Bỉ), Büchel (Đức), Aviano và Ghedi-Torre (Ý), Volkel (Hà Lan) và Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ).

Riêng số vũ khí hạt nhân được tàng trữ tại căn cứ không quân Büchel là 15-20 đơn vị (bom B61-3, B61-4). Dòng bom B61 do Viện Nghiên cứu Quốc gia Los Alamos thiết kế, được nhà máy Pantex sản xuất từ 1968 tới nay với số lượng 3.155 quả

Bom hạt nhân bố trí tại Büchel được xem là một phần trong “Thỏa thuận chia sẻ hạt nhân” của NATO, được lính Mỹ bảo vệ, khi thực hiện nhiệm vụ tấn công, chúng được Không quân Đức vận chuyển đến các địa điểm triển khai; vị trí chính xác tàng trữ bom cũng được giữ bí mật.

Cũng theo thỏa thuận này, các quốc gia thành viên NATO không sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tham gia lập kế hoạch và huấn luyện sử dụng chúng, đồng thời cho phép các ý tưởng hoặc ý kiến của các nước này được các quốc gia có vũ khí hạt nhân (chủ yếu là Mỹ) chấp nhận hoặc xem xét nhằm đảm bảo quyền các quốc gia không có vũ khí hạt nhân trong NATO được sử dụng vũ khí hạt nhân.

Mỹ bí mật hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân ở Đức - Ảnh 1.

Mỹ đang xúc tiến hiện đại hóa bom hạt nhân tàng trữ ở châu Âu; Nguồn: thesun.co.uk

Tuy nhiên, trên thực tế, thỏa thuận này chỉ là “hữu danh vô thực”, vũ khí hạt nhân của vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ. Mặc dù "Nhóm thiết lập kế hoạch hạt nhân" gồm các Bộ trưởng Quốc phòng của các quốc gia thành viên NATO, nhưng “nhóm này không thể có thêm thông tin và Mỹ cũng không quan tâm đến quan điểm của họ”.

Trung tướng Heinrich Braus (Đức), từng là cựu Phó Tổng Thư ký NATO cho biết, mặc dù có "thỏa thuận chia sẻ hạt nhân", nhưng Mỹ không muốn chia sẻ thông tin về các chính sách và kế hoạch hạt nhân. "Thậm chí, ngay cả trong trường hợp quan trọng nhất của chúng tôi, Mỹ cũng có thể cắt đứt việc chia sẻ thông tin hạt nhân, gây thiệt hại cho an ninh quốc gia Đức".

Cần phải nói rằng, không phải mọi chính trị gia Đức ủng hộ ý tưởng để các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai trên lãnh thổ quốc gia mình. Cụ thể, Martin Schulz - lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) và từng là ứng viên cho vị trí Thủ tướng Đức đã có quan điểm cần đưa các quả bom hạt nhân của Mỹ ra khỏi lãnh thổ Đức.

Thành viên Quốc hội Đức (Bundestag) Dietmar Bartsch cũng đã lên tiếng ủng hộ việc rút các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi Đức vào năm 2019 - thời điểm đại sứ Mỹ Grenell đề xuất đưa binh sĩ Mỹ ở Đức về nước. Trước đó, tháng 3/2010, Bundestag từng thông qua nghị quyết để vũ khí hạt nhân Mỹ rời khỏi Đức.

Mỹ bí mật hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân ở Đức - Ảnh 2.

B61-12 với nhiều tính năng ưu việt có thể được sử dụng từ nhiều loại máy bay của Mỹ và NATO; Nguồn: zerohedge.com

Các Nghị sĩ Đức tin rằng, một khi chiến tranh nổ ra, Đức chắc chắn sẽ trở thành một trong những mục tiêu bị đối thủ của Mỹ tấn công đầu tiên, do Đức cho phép Mỹ “ký gửi” vũ khí hạt nhân chiến thuật. Hơn nữa, việc Quân đội Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Đức là một dấu hiệu chính trị cho thấy Đức vẫn đang bị chiếm đóng và Mỹ đang sử dụng các đặc quyền và địa vị của riêng mình để đối xử với Đức.

Tuy nhiên, Đức không dám yêu cầu Quân đội Mỹ rút vũ khí hạt nhân, bởi vì điều này sẽ khiến các nước thành viên khác của “Thỏa thuận chia sẻ hạt nhân”, cũng làm theo, không chỉ thỏa thuận sẽ không còn nữa, mà ngay cả trong NATO cũng có thể xuất hiện những mâu thuẫn khó có thể giải quyết.

Siêu bom hạt nhân thế hệ mới B61-12 của Mỹ

Theo tờ Der Spiegel, cuối tháng 8/2019, không quân Mỹ đã dùng máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster đưa khoảng 20 quả bom nhiệt hạch B-61 được Mỹ chế tạo đầu thập niên 1960, từ căn cứ không quân Büchel (bang Rhineland-Palatinate) về Mỹ để thực hiện cài đặt phần mềm mới trong hai ngày, sau khi báo trước ít lâu cho phía Đức kế hoạch.

Hiện chưa có xác nhận chính thức Mỹ nâng cấp số bom hiện có ở đó hay thay bằng một loại bom hạt nhân chiến thuật mới, vì cách đây không lâu, dư luận Đức tức giận do có nhiều thông tin cho thấy, Lầu Năm Góc có kế hoạch thay thế số bom hạt nhân rơi tự do B-61-3, B-61-4 ở Đức bằng bom hạt nhân chiến thuật B-61-12, có sức công phá gấp 4 lần loại bom từng được thả xuống Hiroshima trong Thế chiến II, và dự kiến sẽ được chuyển đến Đức vào năm 2022 - 2024.

Mỹ bí mật hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân ở Đức - Ảnh 3.

B61-12 là phiên bản hợp nhất thay thế 4 phiên bản cũ hơn trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ; Nguồn: fas.org

Phiên bản B61-12 được Mỹ bắt đầu phát triển từ năm 2012 và Lầu Năm Góc có kế hoạch sản xuất 200-480 quả B61-12 từ tháng 3/2020 với kinh phí ước tính 10-12 tỉ USD.

Nhiều cấu phần của B61-12 được phát triển và thử nghiệm trong các phòng thí nghiệm quốc gia ở Los Alamos và Albuquerque (New Mexico), Livermore (California), sau đó sẽ được sản xuất hàng loạt tại nhà máy ở các bang Missouri, Texas, Nam Carolina và Tennessee; bộ phận đuôi định hướng do Boeing cung cấp.

Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, B61-12 thực sự là dòng vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật hoàn toàn mới, thậm chí vũ khí cấp chiến thuật này đã được chuyển thành vũ khí cấp chiến lược, chứ không đơn thuần là phiên bản nâng cấp của dòng bom hạt nhân B61 đã tồn tại từ nhiều thập kỷ qua.

Các phiên bản B61 trước đây chỉ dùng tấn công các mục tiêu trên mặt đất với đương lượng nổ không quá 9 Mt (tương đương 9 triệu tấn thuốc nổ TNT).

B61-12 được trang bị cánh lượn và hệ thống dẫn đường được tối ưu hóa (dẫn đường quán tính, kết hợp hệ thống định vị vệ tinh GPS và laser) cùng khả năng xuyên phá, được coi là thế hệ bom hạt nhân cấp chiến thuật đầu tiên được thiết kế chuyên biệt tấn công chính xác các mục tiêu nằm sâu trong lòng đất, trở thành bom hạt nhân “thông minh” đầu tiên của Mỹ và thế giới.

Bom nặng 350kg và có ba mức đương lượng nổ nổ tùy chỉnh theo mục tiêu cần phá hủy là 5, 10 và 50 Kt (tương đương sức nổ của 5.000, 10.000 và 50.000 tấn TNT; có tài liệu khác viết: có bốn mức nổ, đương lượng nổ thay đổi từ 0,3 đến 360 Kt), có thể nổ trên không hoặc trong lòng đất. Không quân Mỹ đã thử nghiệm thành công bom đa nhiệm B61-12 này từ máy bay F-15E, F-16 và B-2.

Mỹ bí mật hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân ở Đức - Ảnh 4.

B61-12 được tích hợp hệ thống lái và dẫn đường, công suất tùy chọn; Nguồn: dailymail.co.uk

Theo chương trình nghiên cứu, B61-12 là mẫu bom quy tụ mọi ưu điểm của các loại bom khác như bảo đảm an toàn, giảm chi phí bảo trì, chính xác hơn, đặc biệt là giảm số lượng (chỉ sử dụng 1/6 số lượng) chất phân hạch để phá hủy mục tiêu.

Bom được trang bị hệ thống dẫn đường nên máy bay chở bom không cần ném bom theo chiều thẳng đứng, mà có thể thả bom từ xa để bom tự động tìm đến mục tiêu, với bán kính chênh lệch chỉ khoảng 30m, thay vì đến hơn 100m như phiên bản B61-11 (được triển khai vào năm 1997) và hạn chế tối đa thiệt hại dân sự.

B61-12 dễ sử dụng hơn vì tương thích với nhiều loại máy bay của Mỹ và NATO như máy bay ném bom B-2A và B-21, máy bay tiêm kích chiến thuật F-15E, F-16C/D, F-16 MLU, tiêm kích thế hệ thứ năm F-35, PA-200 (Đức và Ý) và Tornado (Đức và Anh).

Hầu hết các bom B61 cũ được trang bị dù để giữ chậm và ổn định bom, cũng như để máy bay ném bom có thời gian thoát khỏi ảnh hưởng từ vụ nổ.

B61-12 là phiên bản hợp nhất thay thế 4 phiên bản cũ hơn trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ đồng thời có trang bị thêm nhiều tính năng và phần cứng khác cho phép tiến hành các cuộc tấn công xuyên vào lòng đất, vụ nổ có công suất thấp với phóng xạ cao, tấn công bằng vụ nổ có sức phá hủy cao, kích nổ trên bề mặt địa hình và tấn công phá hủy các hầm ngầm theo chiến thuật tấn công sạch, không có nhiều bụi phóng xạ cũng như công các mục tiêu ngầm. Các quan chức không quân coi phiên bản bom hạt nhân B61-12 như một vũ khí “toàn diện”.

Mỹ bí mật hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân ở Đức - Ảnh 5.

Mỹ đang có chương trình “khổng lồ” liên quan đến bom hạt nhân “đa nhiệm” B61-12; Nguồn: afmc.af.mil

Đây là quả bom hạt nhân chiến thuật đắt nhất lịch sử nước Mỹ với tổng chi phí sản xuất tới 11 tỷ USD cho 400 quả bom (tương đương 27,5 triệu USD/quả). B61-12 được Lầu Năm Góc xem là trung tâm trong kế hoạch hiện đại hóa hạt nhân của Mỹ với kinh phí dự kiến tới 1.000 tỷ USD trong 30 năm tới, là thành phần then chốt trong bộ ba vũ khí hạt nhân trên bộ, trên biển và trên không của Mỹ.

Tướng Kehler - nguyên Tư lệnh Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) coi B61-12 là át chủ bài trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện nay và là vũ khí duy nhất có khả năng hoàn thành các nhiệm vụ chiến thuật và chiến lược, giải quyết nhiều kịch bản chiến trường. Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới.

Hiện nay, tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II của Tập đoàn Lockheed Martin đã đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu và bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, có khả năng tích hợp bom hạt nhân B61-12, có thể tiếp cận các khu công nghiệp trung tâm, các thành phố lớn, thậm chí cả thủ đô đối phương để tung đòn hủy diệt.

Trong trường hợp nổ ra chiến tranh tổng lực, F-35 nhờ khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn cũng như chống trả các biện pháp tác chiến mạnh của đối phương sẽ được dàn trải trên diện rộng và xuất kích từ các sân bay nhỏ để tung đòn trả đũa hạt nhân. Từ vị thế vũ khí chiến thuật, “song kiếm hợp bích” B61-12 và F-35 sẽ trở thành chiến lược và là mối đe dọa không thể coi thường đối với bất kỳ quốc gia nào./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại