Thân binh không phải để chơi: Quốc vương Thái "tương kế tựu kế" nhằm kiểm soát quân đội?

Hoài Giang |

Giới tướng lĩnh quân sự của Thái Lan đã đảo chính 12 lần kể từ năm 1932. Tuy nhiên, tương lai có thể sẽ khác.

Từ việc 2 trung đoàn bộ binh Thái trở thành "thân binh hoàng gia"

Vào đầu tháng 10, hãng tin Reuters đưa tin Quốc vương Thái Lan Maha Vajirusongkorn đã ra một sắc lệnh chuyển hai đơn vị trực thuộc Quân đội Hoàng gia Thái Lan (RTA) sang nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của quốc vương.

Hai trung đoàn Bộ binh số 1 và 11 có căn cứ tại thủ đô Bangkok là đối tượng sẽ được luân chuyển đợt này.

Sắc lệnh hoàng gia (theo điều 172 Hiến pháp chỉ được ban ra trong trường hợp xuất hiện một mối đe dọa khẩn cấp liên quan tới an ninh quốc gia và chế độ quân chủ lập hiến) được sử dụng trong bối cảnh hiện tại được cho là động thái mới nhất của quốc vương nhằm củng cố quyền lực.

Thân binh không phải để chơi: Quốc vương Thái tương kế tựu kế nhằm kiểm soát quân đội? - Ảnh 1.

Hai người lính RSC với súng trường tấn công TAR-21 mạ vàng.

Theo thông lệ, quốc vương là tổng chỉ huy của tất cả lực lượng vũ trang của Thái Lan, nhưng sắc lệnh mới đã bỏ qua hệ thống phân cấp quân sự thông thường của RTA và biến 2 trung đoàn bộ binh nói trên trở thành một lực lượng cơ động phản ứng nhanh của riêng quốc vương.

Hai trung đoàn trước đây là một phần của Khu vực quân sự số 1 (bao gồm Bangkok và 26 tỉnh miền trung, đông và tây Thái Lan), giờ đây sẽ chỉ nhận lệnh từ quốc vương, người đứng đầu Bộ Tư lệnh An ninh Hoàng gia (RSC) và phó chỉ huy, Hoàng hậu Suthida.

Sắc lệnh cũng đã được đồng thuận của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và được thực thi mà không cần phải thông qua quốc hội Thái Lan.

Thân binh không phải để chơi: Quốc vương Thái tương kế tựu kế nhằm kiểm soát quân đội? - Ảnh 2.

Quốc vương Maha Vajirusongkorn thời gian phục vụ trong quân ngũ.

Sau 2 trung đoàn bộ binh, còn những đơn vị nào sắp trở thành "thân binh" của vua Thái?

Trung đoàn 1 và 11 từng trực thuộc lực lượng Vệ binh Hoàng gia thành lập từ thời Vua Rama IV (từ 1851 đến 1868) và Rama V (1868 đến 1910) với vai trò "vệ sĩ của cung điện".

Trung đoàn bộ binh số 1 và 11 (trước đây là trung đoàn bộ binh số 2) là thành phần chủ chốt của Sư đoàn 1 được thành lập vào năm 1905. Sư đoàn 1 gồm 5 đơn vị với 2 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn kỵ binh, 1 trung đoàn pháo binh và 1 trung đoàn công binh.

Trong lịch sử Thái Lan cận đại, Sư đoàn 1 (và sau này là Trung đoàn 11) đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hoàng gia đối với các sự kiện phức tạp (đảo chính 1932, cuộc nổi loạn Boworadet 1933, cuộc nổi dậy Manhattan 1951 và các cuộc biểu tình chính trị năm 2010).

Sư đoàn cũng đã tham chiến trong Chiến tranh Pháp-Thái (1940-1941) với các chiến dịch nhằm tái chiếm lại các tỉnh Sisophon và Battambang của Đông Dương thuộc Pháp (nay thuộc Campuchia) và chống lại phong trào du kích của Đảng CS Thái Lan (CPT) từ 1963 đến 1983.

Vào tháng 4/1973, Sư đoàn 1 đã trở thành đơn vị "Bảo vệ Vua", và là đơn vị đầu tiên của Thái Lan thuộc loại này.

Sau khi hai trung đoàn 1 và 11 nằm trực tiếp dưới sự chỉ huy trực tiếp của RSC, thành phần của Sư đoàn 1 còn lại Trung đoàn không kỵ 31, Trung đoàn pháo binh dã chiến 1 và Tiểu đoàn xe tăng số 4.

Không quá khó để suy luận rằng, bằng các sắc lệnh hoàng gia trong tương lai, quốc vương Thái Lan sẽ tái kiểm soát toàn bộ phần còn lại của Sư đoàn 1.

Thân binh không phải để chơi: Quốc vương Thái tương kế tựu kế nhằm kiểm soát quân đội? - Ảnh 4.

Xe tăng T-84 Oplot và xe bọc thép đổ bộ AAV-7 của Thái Lan.

"Tương kế tựu kế", quân đội kiểm soát chính quyền thì nhà vua kiểm soát quân đội?

Quân đội Hoàng gia Thái Lan chưa bao giờ chứng tỏ được chính mình trong chiến tranh vì lâu nay họ chỉ tập trung vào việc đối đầu với các chính trị gia trong nước.

Giới tướng lĩnh quân sự Thái Lan đã tổ chức đảo chính 12 lần kể từ năm 1932. Cuộc đảo chính gần đây nhất là vào năm 2014 và vị tướng lãnh đạo nó, ông Prayuth Chan-ocha hiện vẫn giữ cương vị thủ tướng.

Nhưng một số nhà quan sát nước ngoài cho rằng, quyền lực của ông Chan-ocha đối với RTA đang "nhạt dần" và thay vào đó, quốc vương đã nhanh chóng trở thành người có ảnh hưởng lớn nhất đối với các lực lượng vũ trang Thái Lan.

Sự trung thành của các chính phủ đối với chế độ quân chủ lập hiến của Thái Lan luôn gắn liền với uy tín của quốc vương. Các chế độ quân sự củng cố tính hợp pháp của bằng việc tỏ ra trung thành với hoàng gia.

Tuy nhiên, động lực chính cho sự thay đổi hiện tại đến từ quốc vương Vajirusongkorn, người từng tốt nghiệp một học viện quân sự Australia và phục vụ trong quân đội đang cảm thấy hấp dẫn bởi các lực lượng quân sự.

Một số người đã cùng chia sẻ đam mê với quốc vương, nhưng đó hoàn toàn không phải là ân sủng. Hoàng hậu đã phải hoàn thành các khóa huấn luyện quân sự khắc nghiệt để đi lên từ một tiếp viên hàng không hay người mới đây đã bị truất phế từ vị trí hoàng quý phi đã đi lên từ vị thế của một y tá.

Thân binh không phải để chơi: Quốc vương Thái tương kế tựu kế nhằm kiểm soát quân đội? - Ảnh 6.

Hoàng hậu Suditha (Ảnh: Hoàng gia Thái Lan).

Kể từ khi lên ngôi cách đây gần ba năm, nhà vua đã gia tăng quyền lực của chế độ quân chủ bằng nhiều cách khác nhau.

Một lực lượng mới, Bộ Tư lệnh An ninh Hoàng gia (RSC) đã được thành lập theo lệnh của ông. Nó bao gồm nhiều vệ sĩ cũ và 5.000 quân của hai trung đoàn 1 và 11 nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của quốc vương và sẽ đóng quân ở trung tâm Bangkok.

Cùng lúc đó, một trung đoàn bộ binh và một tiểu đoàn kỵ binh là công cụ của các cuộc đảo chính trong quá khứ đã được lệnh ra khỏi thủ đô Bangkok.

Điều này sẽ khiến giới tướng lĩnh gặp khó khăn trong việc phát động đảo chính mà không đảm bảo được sự ủng hộ của nhà vua.

Trong triều đại của quốc vương tiền nhiệm Bhumibol, mối quan hệ giữa các lực lượng vũ trang và quân chủ khá mơ hồ. Nhưng dưới thời quốc vương Vajirusongkorn, sự mơ hồ đã giảm đi. Chỉ huy quân đội hiện tại, Apirat Kongsompong là một người trung thành với quốc vương.

Quốc vương đã tìm cách bỏ rơi giới tướng lĩnh bằng cách từ chối nhận vương miện trong gần hai tháng sau khi cha ông qua đời.

Nhà phân tích Paul Chambers của Đại học Naresuan cho rằng, ảnh hưởng của các lãnh đạo chính quyền hiện tại với quân đội đang nhạt dần, và "nếu các tình huống xấu xảy ra, quốc vương có thể sẽ ở vị trí chỉ huy quân đội".

Giao tranh giữa Quân đội Thái Lan và Campuchia năm 2012 liên quan tới tranh chấp biên giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại