Cuộc chiến tranh kéo dài vô tận và 3 "chìa khóa" giúp tái thống nhất Syria?
Tình trạng chiến tranh trong hơn 8 năm đã làm thay đổi và phân hóa sâu sắc xã hội Syria, yếu tố quan trọng nhất và là bản chất của xung đột giữa quân chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và các nhóm vũ trang đối lập được đánh giá là quan điểm "cuộc chiến một mất một còn".
Trên thực tế, mục tiêu chung của tất cả các phe tham chiến là tiêu diệt hoàn toàn đối phương, điều này khiến việc đàm phán chuyển đổi chính trị hoặc hợp tác trở nên bất khả thi, đặc biệt là quan điểm của chính phủ Syria cho rằng chỉ có giải pháp quân sự mới chấm dứt chiến tranh.
Phiến quân Quân đội Quốc gia Syria (SNA) khai hỏa súng máy về hướng người Kurd tại Ras al-Ain.
Những kẻ địch "không đội chung trời" này cho tới nay vẫn tin rằng mình là những chủ thể hợp pháp, việc thiếu giải pháp chính trị cho cuộc chiến được cho là sẽ kéo dài gần như vô tận chiến sự và làm tăng thêm sự khổ đau đối với người dân Syria.
Hơn nữa, cách tiếp cận theo hướng quân sự hóa này cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới trật tự hậu chiến.
Trong hơn hai năm qua, một số nhà phân tích đã lặp đi lặp lại rằng cuộc xung đột Syria đã gần kết thúc và tương lai sẽ là tái thiết. Tuy nhiên, cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn, mặc dù đã thay đổi cả về quy mô và mục tiêu.
Bài viết này chỉ ra 3 "chìa khóa" giúp mở cánh cửa tương lai kết thúc chiến tranh mà chính phủ Syria cần tiếp cận càng sớm càng tốt.
Bản đồ toàn cảnh Syria (Nguồn Bộ quốc phòng Nga hôm 18/10).
Chìa khóa 1: "Quản lý xung đột" kiểu Nga không phải là thuốc chữa bách bệnh?
"Nếu không thể thật sự giải quyết nó (một cuộc xung đột), hãy (tìm cách) quản lý và thu hẹp nó lại". Đây là tóm tắt khái niệm về "quản lý xung đột", mà người Nga đã áp dụng cho gần như toàn bộ các cuộc xung đột mà họ đã tham gia trong lịch sử.
Khái niệm này mâu thuẫn với mục tiêu "giải quyết dứt điểm xung đột" là cách làm mà các cường quốc phương Tây sử dụng thành công trong nhiều thập kỷ qua.
Syria là điển hình của chính sách can thiệp của Nga với các hoạt động quân sự trực tiếp kể từ năm 2015.
Có thể nói Moscow đã "chiếm thế thượng phong" trong các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt khủng hoảng. Điều này đã cho chính phủ Nga cơ hội thử nghiệm khái niệm "quản lý xung đột" của họ trong giai đoạn sau của chiến tranh tại Syria.
Xe tăng T-62M/V và xe cơ giới của Nga viện trợ cho Syria tại quân cảng Tartous hôm 18/10.
"Quản lý xung đột" được coi là chiến lược chính đã giúp giải phóng một phần lãnh thổ rộng lớn của Syria và giúp chính phủ Syria tự bảo vệ chính mình.
Tuy nhiên điểm yếu của chiến lược này là thiếu tầm nhìn, đặc trưng cho cách tiếp cận không giải quyết dứt điểm vấn đề. Điều này đồng nghĩa với việc kể cả khi kết thúc chiến tranh, xã hội Syria sẽ vẫn duy trì một loạt các "mầm mống" cho một cuộc xung đột mới.
Cách tiếp cận "quản lý xung đột" cũng không thể giải quyết bất kỳ nguyên nhân cơ bản phát sinh xung đột - cụ thể là nền kinh tế yếu kém trước chiến tranh của Syria và hay sự hợp tác chính trị từ các cộng đồng lớn của xã hội, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Trong các khu vực từng bị phiến quân kiểm soát và ở nhiều vùng do chính phủ kiểm soát hiện tại, căng thẳng xã hội được giữ dưới "nắm đấm sắt" của lực lượng an ninh nhưng vẫn có khả năng hồi sinh nếu một cuộc khủng hoảng mới diễn ra hoặc bộ máy an ninh nới lỏng sự kìm kẹp.
Trong thời gian trước khi vòng xoáy bạo lực mới được khởi động, chính phủ Syria và các đồng minh cần một biện pháp sâu rộng hơn nhằm giải quyết các vấn đề cốt lõi (đặc biệt là về vấn đề kinh tế) để giúp nắm lấy chìa khóa đầu tiên để giải quyết chiến tranh tại Syria.
Quân đội Arab Syria (SAA) thay thế các lá cờ của lực lượng người Kurd bằng cờ Syria tại thị trấn Kobani, miền bắc Syria.
Chìa khóa 2: Giải quyết "vùng an toàn" của Thổ ở miền bắc Syria càng sớm càng tốt?
Những năm gần đây, các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ (hiện tại là nhà tài trợ lớn nhất cho phiến quân) ở Syria tập trung vào việc hạn chế lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria hơn là lật đổ chính phủ của ông al-Assad.
Moscow (thay mặt Damascus và Tehran) đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, các thỏa thuận được cho là đã "bật đèn xanh" cho hoạt động quân sự trong lãnh thổ Syria dẫn đến việc chiếm đóng các khu vực rộng lớn ở phía bắc tỉnh Aleppo, Afrin và al-Hasakah.
Bằng việc di chuyển nhanh sau thỏa thuận với người Kurd, quân chính phủ Syria đã chặn đứng hướng mở rộng của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria.
Ankara và Moscow cũng đã đạt được thỏa thuận về "thành trì cuối cùng của phiến quân" ở Idlib sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy lời hứa của ông Erdogan rằng sẽ loại bỏ các nhóm khủng bố trong khu vực.
Mặc dù sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ tại các vùng lãnh thổ nói trên chỉ là tạm thời, Thổ Nhĩ Kỳ đã bằng nhiều cách duy trì kiểm soát các vùng đất này trong dài hạn. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang theo đuổi ba lợi ích bao gồm:
Thứ nhất, tránh việc thành lập một chính quyền độc lập của người Kurd dọc biên giới.
Thứ hai là một vùng lãnh thổ dọc theo biên giới nơi mà Thổ có thể di dời một phần trong tổng số hơn 3,5 triệu người tị nạn Syria hiện đang ở tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ ba, thực hiện một phần các cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nhóm đối lập Syria mà họ đã tài trợ và gây ảnh hưởng đến tương lai của Syria.
Mục tiêu thứ hai và thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ không thể thực hiện được trừ phi một phần lớn người Syria sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của một lực lượng chiếm đóng để có được "khu vực an toàn" trong chính đất nước mình.
Phiến quân Quân đội Quốc gia Syria (SNA) trong giao tranh với người Kurd tại thị trấn Ras al-Ain ngày 19/10.
Các nhà quan sát quốc tế đã nhận ra trong các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ khá tương đồng với những gì xảy ra ở phía bắc đảo Síp sau cuộc xâm lược năm 1975 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo quan điểm này, Ankara đang đặt mục tiêu tạo ra một quốc gia nhỏ được kiểm soát bởi các đồng minh Syria tương tự như Cộng hòa Bắc Síp. Quan điểm chính thức của Ankara là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút khỏi Syria chỉ khi đạt được giải pháp chính trị toàn diện giữa chính phủ và phe đối lập.
Có lẽ Ankara sẽ tuyên bố không muốn sáp nhập và bảo vệ lợi ích của phe đối lập Syria cho đến khi một thỏa thuận hòa bình (sẽ không bao giờ xảy ra) được ký kết.
Rõ ràng, giải quyết vấn đề về sự hiện diện của binh lính Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc bằng một thỏa thuận hòa bình sẽ là chìa khóa thứ hai giúp chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tái thống nhất Syria.
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ quan sát lực lượng Mỹ rút khỏi miền bắc Syria hôm 20/10.
Chìa khóa 3: Xây dựng một xã hội mới nhỏ hơn và trung thành hơn?
Dự toán chi phí cho việc tái thiết Syria nằm trong khoảng từ 200 đến 400 tỷ USD. Chính quyền Syria và các đồng minh không thể có được số tiền khổng lồ nói trên nếu không có sự hỗ trợ từ nước ngoài như phương Tây, Trung Quốc và các quốc gia Vùng Vịnh.
Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có một vài quốc gia Vùng Vịnh, đặc biệt là UAE bày tỏ sự quan tâm tới việc hỗ trợ tài chính nhằm tái thiết Syria. Phương Tây đã nhiều lần từ chối tham gia tái thiết mà không có quá trình chuyển đổi chính trị sâu rộng.
Trung Quốc (mặc dù hậu thuẫn về mặt ngoại giao cho chính phủ Syria trong toàn bộ cuộc khủng hoảng) đã không thể hiện sự quan tâm do khả năng đem lại lợi nhuận thấp của các dự án tái thiết và khả năng khó có thể duy trì ổn định lâu dài ở Syria.
Tất cả các nhà tài trợ tiềm năng đều cảnh giác với các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, có khả năng sẽ tiếp tục hoạt động trong tương lai gần.
Moscow đã tích cực "tán tỉnh" các nhà lãnh đạo phương Tây bằng lập luận rằng việc tái thiết thành công sẽ khiến hầu hết người tị nạn ở châu Âu trở về nước.
Sau hơn 8 năm chiến tranh, một phần lớn dân số với đa số là người Sunni vẫn tiếp tục hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad là một người thiểu số Alawite.
Việc ân xá cho những người đào ngũ là hoạt động chủ động nhất mà chính phủ Syria đã cố gắng để huy động các nguồn hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, ân xá chỉ miễn cho họ khỏi bị tống giam khi trở về, nó vẫn buộc họ phải gia nhập quân đội và chiến đấu cho chính phủ.
Đây được coi là một ý tưởng khác về tái thiết sau chiến tranh. Chúng ta nên hiểu rằng lòng trung thành là tiêu chí chính sẽ quyết định bản sắc Syria hậu chiến. Nó là dấu mốc hoàn thành quá trình thay đổi xã hội Syria trong suốt cuộc xung đột kéo dài hơn 8 năm.
Các cuộc di cư từ các khu vực bị bao vây trước đây và việc tị nạn của hầu hết lực lượng đối lập đã đem lại hai lợi ích, vừa giảm gánh nặng dân số Syria và vừa giúp chính phủ giành được một "xã hội đồng nhất" hơn (theo lời của chính Tổng thống Assad).
Do đó, việc tái thiết sẽ chỉ dành cho một dân số nhỏ hơn và là "chiến lợi phẩm" dành cho những người ủng hộ chính phủ.
Lòng trung thành vượt qua sự phân biệt giữa các giáo phái là chìa khóa thứ ba để giúp Syria tái thống nhất trong tương lai.
Hầu hết phiến quân là Hồi giáo Sunni, nhưng một phần đáng kể người Sunni, đặc biệt là ở các đô thị vẫn trung thành với chính phủ và dự kiến sẽ được được hưởng lợi cùng với các cộng đồng đã hỗ trợ Damascus trong suốt cuộc chiến.
Người dân Kurd Syria ném cà chua vào đoàn xe Mỹ rút khỏi miền bắc nước này về hướng Iraq tại Qamishly.