Ông Putin muốn là "thuyền trưởng" dẫn dắt "con tàu mới" ở vùng Vịnh: Mỹ-Iran không có quyền từ chối?

Quốc Vinh |

Trong trường hợp cuối cùng, nhà lãnh đạo Nga vẫn tin rằng ông sẽ là kênh ngoại giao có ý nghĩa duy nhất trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ công bố kế hoạch an ninh vùng Vịnh vào tháng tới. Giới phân tích đang chờ đợi xem các nước vùng Vịnh sẽ phản ứng thế nào với sáng kiến ​​của ông chủ Điện Kremlin và liệu Mỹ (cũng như châu Âu) có chấp thuận để sáng kiến đó đi vào hoạt động hay không.

Khi bước chân vào vùng Vịnh, Tổng thống Putin có thể sẽ mắt nhiều hơn đến tình hình chính trị sắp tới của Mỹ, hy vọng rằng Tổng thống Donald Trump có thể đi con đường ngoại giao một cách dài hơi, giúp vùng Vịnh sẽ duy trì sự yên bình ít nhất là đến sau cuộc bầu cử 2020.

Sáng kiến ​​của Nga là một điều "rất, rất hứa hẹn"

Giữa lúc cuộc đối đầu leo ​​thang Mỹ- Iran gia tăng, Tổng thống Trump hôm 24/6 viết trên Twitter:

"Chúng ta thậm chí không cần phải ở đó (vùng Vịnh) vì Mỹ không còn phụ thuộc vào dầu của Vịnh Ba Tư. Vì sao chúng ta phải bảo vệ các tuyến đường vận chuyển cho các quốc gia khác (trong nhiều năm) để rồi chẳng nhận được thứ gì. Tất cả các quốc gia này nên tự bảo vệ tàu của mình".

Tuyên bố của Mỹ được đưa ra là một thông điệp gây choáng váng cho các đối tác ở vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia, UAE và Bahrain – các quốc gia phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ an ninh với Mỹ và ủng hộ chiến dịch gây áp lực tối đa của chính quyền Trump đối với Iran.

Bốn ngày sau dòng tweet, hai nhà lãnh đạo Trump và Putin đã gặp nhau trong 80 phút tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản. Sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, nói rằng các tổng thống đã nhất trí về sự cần thiết phải có một lối đi ngoại giao trong cuộc khủng hoảng với Iran.

Ông Lavrov cũng đề cập đến một sáng kiến ​​của Nga nhằm củng cố lòng tin giữa Iran và các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập dưới hỗ trợ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

"Đây là một điều rất, rất hứa hẹn", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh. "Nó được xây dựng để cho tất cả các bên có cơ hội thiết lập đối thoại và ngăn chặn sự leo thang căng thẳng hơn nữa".

Quá ít sự tham gia của Nga ở vùng Vịnh

Một tháng sau, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov chính thức trình bày về cái gọi là "định nghĩa an ninh của Nga đối với khu vực vùng Vịnh", với một gói các giải pháp lâu dài và khá truyền thống, bao gồm xây dựng lòng tin, hợp tác chống khủng bố, giải quyết xung đột ở Yemen và Syria, tiến tới xây dựng một khu vực không có vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học; và thậm chí là một lời kêu gọi xây dựng một Trung Đông dân chủ và thịnh vượng, khuyến khích hòa bình và cùng tồn tại giữa các tôn giáo.

Theo sáng kiến của Nga, mục tiêu dài hạn sẽ là thành lập một tổ chức hợp tác và an ninh ở Vịnh Ba Tư, bao gồm các quốc gia vùng Vịnh, Nga, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và các bên liên quan khác với tư cách là quan sát viên hoặc thành viên liên quan.

Ông Putin muốn là thuyền trưởng dẫn dắt con tàu mới ở vùng Vịnh: Mỹ-Iran không có quyền từ chối? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump có thể giữ vùng Vịnh "sóng yên biển lặng" cho đến sau chiến dịch tranh cử của ông.

"Nga đã có một sự tham gia quá ít vào an ninh vùng Vịnh", chuyên gia Maxim Suchkov nói trên Al-Monitor. "Họ nhìn thấy những phần lãnh thổ chịu sự ảnh hưởng của Mỹ là chủ yếu, trong khi bản thân Moscow đã xây dựng được mạng lưới riêng của mình trong khu vực và có được vị thế khá chủ chốt tại đây".

Hiện tại, người Nga đang đẩy mạnh trò chơi với một tập hợp các ý tưởng phản ánh sự bất bình của cả Nga với Mỹ và chính sách của Mỹ - điều đã gây ra thảm họa cho Trung Đông trong nhiều thập kỷ gần đây.

Cú sút xa của ông Putin

Tổng thống Putin dự kiến ​​sẽ giới thiệu kế hoạch an ninh vùng Vịnh vào khoảng ngày 20/9, tại sự kiện thường niên của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, được tổ chức tại Sochi.

Sau tất cả, nhà lãnh đạo Nga đang chờ đợi cái gật đầu quan trọng ở Iran. Mặc dù chưa chính thức nắm lấy sáng kiến ​​này, ít ra Tehran cũng đang thảo luận về nó.

Tổng thống Hassan Rouhani có thể bày tỏ sự hoài nghi về kế hoạch của Nga liệu có khả thi hay không, đặc biệt là câu hỏi về việc Tổng thống Putin có thể thương thuyết thành công với Mỹ, EU, Hội đồng Bảo an và các quốc gia vùng Vịnh hay không.

Nhưng Tổng thống Rouhani cũng cần người bạn Putin – người có lẽ là đồng minh quan trọng nhất của ông – chống đỡ trước chính sách áp lực tối đa của Mỹ, đặc biệt là trong trường hợp tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Thật khó để hình dung Mỹ sẽ cung cấp chỗ đứng cho Nga hoặc cho phép Tổng thống Putin ngồi ở vị trí nào trên bàn hội nghị liên quan đến an ninh vùng Vịnh, đặc biệt là đối với cách tiếp cận hiện tại của Washington đối với khu vực.

Một quan chức Mỹ từng hoài nghi về đề xuất này, cho rằng Nga không bao giờ hữu ích trong các loại sáng kiến ​​như vậy. Về phần mình, phản ứng của EU cũng đang cho thấy sự thận trọng của riêng họ. Trong khi các "ông lớn" Ả Rập như UAE và Saudi có lẽ sẽ chờ tín hiệu đèn xanh từ Washington.

Tổng thống Putin có thể dựa vào mối quan hệ cá nhân nồng ấm với Tổng thống Trump để tự tin vào ván cược ngoại giao với Iran.

Trên thực tế, một bước đi ngoại giao vào lúc này cũng là điều tốt với ông Trump, vì nó sẽ giúp vùng Vịnh tĩnh lặng hơn trong suốt chiến dịch bầu cử năm 2020.

Nhưng nếu ông chủ Nhà Trắng từ chối, Mỹ bác bỏ kế hoạch của Nga, EU giữ khoảng cách và không có hành động có ý nghĩa nào tại Hội đồng Bảo an LHQ, thì dù sao Tổng thống Putin cũng vẫn còn biện pháp dự phòng khác.

Trong trường hợp cuối cùng, nhà lãnh đạo Nga vẫn tin rằng ông sẽ là kênh ngoại giao có ý nghĩa duy nhất trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.

Vấn đề then chốt ở chỗ là uy tín của Nga và bản thân ông đang ngày càng tăng. Điều này sẽ giúp Moscow điều phối mối quan hệ với Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh, bao gồm cả EU, để cuối cùng có thể giúp tất cả tránh khỏi một cuộc khủng hoảng và xung đột không mong muốn, Al-Monitor kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại