Dù bênh Iran đến mấy, TQ vẫn sẽ lẳng lặng "gật đầu" với Mỹ về điều này nếu chiến tranh vùng Vịnh nổ ra?

Hồng Anh |

Trung Quốc hiện nay vẫn bênh vực Iran, nhưng nếu như một cuộc chiến giữa Mỹ-Iran nổ ra thì Bắc Kinh sẽ ủng hộ lời kêu gọi này của Mỹ, một nhà phân tích bình luận trên SCMP.

Trung Quốc không muốn giữa Mỹ và Iran xảy ra xung đột, và đến nay vẫn tiếp tục kêu gọi các bên kiềm chế khi căng thẳng vùng Vịnh leo thang và những cuộc tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân của Iran ngày càng tăng nhiệt, nhà báo - nhà phân tích tình hình quốc tế người Ý Emanuele Scimia bình luận trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông).

Bắc Kinh hiện nay được cho là có mối quan hệ khá tốt đẹp với Tehran, tuy vậy, trong bối cảnh căng thẳng có thể đẩy Iran và Mỹ vào miệng hố chiến tranh bất cứ lúc nào, thì phía Trung Quốc rất có thể sẽ cân nhắc chuyện hưởng ứng lời kêu gọi thành lập một lực lượng hộ tống quân sự tại Vịnh Ba Tư của Mỹ, ông Scimia cho hay.

Sau đây là phần lược dịch nội dung bài phân tích của ông Scimia được đăng tải trên SCMP:

Mỹ-Iran bên miệng hố chiến tranh

Vấn đề an toàn giao thông hàng hải qua eo biển Hormuz nằm giữa vịnh Oman và vịnh Ba Tư - nơi có đến 1/5 lượng dầu mỏ của thế giới được lưu thông mỗi ngày, đã trở thành một trong những mối bận tâm lớn của cộng đồng quốc tế.

Trong vài tháng qua, tại khu vực gần eo biển Hormuz đã xảy ra một số vụ tấn công, bắt giữ tàu chở dầu, và các nước Mỹ, Anh đã nhanh chóng cáo buộc Iran là thủ phạm. Tehran đã phủ nhận các cáo buộc ấy, tuy nhiên gần đây chính quân đội của họ lại bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, khiến tình hình càng căng thẳng hơn nữa.

Nhiều người tỏ ra vô cùng lo ngại về một kịch bản đối đầu quân sự tại khu vực này khi các quan chức Mỹ-Iran liên tục khẩu chiến, trong đó họ cho rằng trong trường hợp Mỹ và đồng minh tấn công vào các mục tiêu của Iran, thì Tehran có thể điều các tàu cao tốc và phóng tên lửa cảnh cáo đối phương. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới Mỹ và đồng minh, mà các tàu lưu thông trên vùng biển này cũng có nguy cơ bị "vạ lây".

Dù bênh Iran đến mấy, TQ vẫn sẽ lẳng lặng gật đầu với Mỹ về điều này nếu chiến tranh vùng Vịnh nổ ra? - Ảnh 1.

Hải quân Mỹ khẳng định Iran đã tấn công các tàu chở dầu, và đây là một trong số những "bằng chứng" được phía Mỹ tung ra. Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran thêm trầm trọng kể từ năm ngoái, khi Mỹ đơn phương rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - một thỏa thuận kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran được kí kết giữa Iran và nhóm P5+1, trong đó có Trung Quốc, vào năm 2015.

Kể từ sau đó, Washington càng làm tình hình thêm tồi tệ khi tung ra các đòn trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân và doanh nghiệp của Iran. Thêm nữa, Mỹ cũng tăng cường hiện diện quân sự ở vùng Vịnh.

Đáp trả các động thái của Mỹ, Iran được cho là đã vi phạm hai điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 khi nâng mức độ làm giàu uranium và vượt quá giới hạn dự trữ 300kg đối với vật liệu phân hạch. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khẳng định "chắc như đinh đóng cột" rằng đây chính là bằng chứng rõ ràng cho thấy ý định sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran.

Trung Quốc có thể sẽ "quay lưng" với Iran?

Về phần mình, phía Trung Quốc đã trách Tổng thống Mỹ Donald Trump và cho rằng chiến dịch "gây áp lực tối đa" của Mỹ đối với Iran đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay.

Thực chất đây không phải là đầu tiên Bắc Kinh lên tiếng bênh vực Tehran, vì đối với họ thì Tehran là một đối tác chiến lược, một nhà cung cấp lớn về dầu thô, và đồng thời cũng là một bánh răng quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong cuộc họp báo ngày 12/7 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết đến nay Mỹ vẫn chưa có động thái kêu gọi nước này tham gia vào chiến dịch hộ tống quân sự tại vịnh Ba Tư và vịnh Oman.

Trước đây, Mỹ đã từng mở chiến dịch bảo vệ các tàu trung lập tại khu vực này trong các năm 1987-1988, vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Iraq-Iran.

Một liên minh hải quân gồm 33 quốc gia tại Bahrain đã cam kết duy trì an ninh hàng hải ở vùng Biển Ả Rập, trong đó bao gồm một lực lượng tuần tra một số tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới do một phó đô đốc Mỹ chỉ huy. Tuy nhiên, chưa chắc tất cả 33 nước tham gia liên minh này đều sẽ hưởng ứng lời kêu gọi thành lập đội hộ tống quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh.

Dù bênh Iran đến mấy, TQ vẫn sẽ lẳng lặng gật đầu với Mỹ về điều này nếu chiến tranh vùng Vịnh nổ ra? - Ảnh 3.

Quân đội Iran tuần tra eo biển Hormuz. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Việc quân đội Trung Quốc tham gia đội hộ tống quân sự tại vùng Vịnh tuy khó có thể xảy ra, nhưng Bắc Kinh hoàn toàn có thể ủng hộ Washington bằng cách khác. Thực tế, việc một lực lượng đa quốc gia hiện diện trong khu vực sẽ ngăn Iran thực hiện các động thái khiêu khích, tấn công các tàu chiến của Mỹ và các tàu trung lập, đồng thời điều này cũng sẽ xoa dịu chính quyền ông Trump.

Hơn nữa, một cuộc chiến toàn diện nổ ra tại vùng Vịnh sẽ là viễn cảnh tồi tệ nhất đối với Bắc Kinh. Hiện nay, khoảng 44% lượng dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ các quốc gia vùng Vịnh, trong đó Ả Rập Saudi là nhà cung cấp lớn thứ 2 của nước này, chỉ sau Nga.

Nếu giữa Iran và Mỹ nổ ra chiến tranh, thì phía Iran sẽ tìm cách đóng cửa eo biển Hormuz để ngăn Mỹ tấn công các cơ sở quân sự của họ. Và nếu điều đó xảy ra, thì hoạt động xuất khẩu dầu của các quốc gia vùng Vịnh sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế khát năng lượng của Trung Quốc.

Tất nhiên vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Một cuộc chiến kéo dài giữa Mỹ và Iran cũng sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các kế hoạch địa kinh tế của Trung Quốc tại Trung Đông. Bắc Kinh đã rót rất nhiều vốn đầu tư để đưa được Iran và các quốc gia vùng Vịnh vào hệ thống Vành đai và Con đường của mình.

Theo hệ thống Theo dõi Đầu tư Toàn cầu của Trung Quốc, trong giai đoạn từ năm 2013-2019, nước này đã đầu tư tổng cộng 13,6 tỉ USD cho các dự án phát triển giao thông và xây dựng cơ sở hạ tầng tại Iran, Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập, Qatar và Kuwait.

Trung Quốc đã có được phép màu kinh tế khi lợi dụng vai trò cảnh sát toàn cầu của Mỹ. Vì vậy, tuy khá nghịch lý, nhưng Bắc Kinh có thể vượt qua một cơn bão địa chính trị có nguy cơ xảy ra ở Vịnh Ba Tư nhờ vào quyết tâm bảo vệ vị thế của phương Tây hậu Chiến tranh Lạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại