Chống Iran tới cùng
Chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump thường đánh giá vấn đề Iran một cách độc lập, hoặc coi đó là vấn đề của Trung Đông - nơi Iran bị những nước láng giềng như Israel và các nước đồng minh của Mỹ thuộc khối Ả Rập nhìn nhận như một "hung thần" với tham vọng về việc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, theo The Atlantic, đây là sai lầm của Mỹ. Iran nằm ở giao lộ quan trọng giữa Trung Đông, Trung Á, Nam Á và những tuyến giao thương quan trọng vắt ngang qua Châu Á. Tại thời điểm hiện tại, mặc dù ông Trump có vẻ như chưa nhận ra, nhưng những chính sách đối ngoại của Mỹ với Iran đã bắt đầu gây ra ảnh hưởng lan tỏa và vô tình tạo ra thuận lợi cho Trung Quốc thông qua những tổn hại đối với đồng minh lâu năm của Mỹ là Ấn Độ.
Iran là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều năm qua. Ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân kí kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1. Hiện tại, Mỹ muốn Iran trở lại bàn đàm phán với những thỏa thuận mới, chặt chẽ hơn. Các cố vấn của ông Trump cũng có thể "mưu đồ" xa hơn là muốn thay đổi chế độ chính trị ở Tehran.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh minh họa: CNN/Getty
Vũ khí mà Mỹ sử dụng sẽ là áp lực kinh tế tối đa - những cấm vận cứng rắn hơn, tới mức cắt đứt giao dịch của Iran với thị trường kinh tế thế giới. Nhưng Iran chưa bao giờ khuất phục và thường xuyên đáp trả mạnh mẽ bằng việc gia tăng căng thẳng ở Vịnh Ba Tư và đe dọa khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất hạt nhân.
Kìm hãm Trung Quốc cũng là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Ông Trump đã phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Nhưng để thực hiện thành công mục tiêu cản trở Trung Quốc trở thành siêu cường, ông Trump sẽ cần làm nhiều hơn những đòn thuế quan giữa bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng trên khắp Châu Á và Châu Phi.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi chiến lược của ông Trump đối với Iran lại "ngáng đường" kế hoạch của ông Trump dành cho Trung Quốc. Trung Quốc đã luôn coi Iran là một "phần thưởng" về kinh tế và hiện tại, Mỹ đã đẩy Iran lại gần Trung Quốc hơn. Giao dịch và đầu tư Trung Quốc vào lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng sẽ lấp các lỗ hổng để lại sau khi các nước Châu Âu rút lui.
Dần dần, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ gia tăng và có thể là chiếc phao cứu sinh đối với kinh tế Iran vốn đang gặp vô số trở ngại gây ra bởi áp lực từ ông Trump. Lợi ích từ mối quan hệ này sẽ giúp cả Iran và Trung Quốc đạt được vô số mục tiêu đề ra.
Ấn Độ thiệt hại nặng
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng được lợi khi ông Trump cố gắng tận dụng Ấn Độ nhằm chống lại Iran. Hồi tháng 4, chính quyền ông Trump nói Ấn Độ không còn được hưởng miễn trừ đối với cấm vận của Mỹ với Iran. Ấn Độ không thể mua dầu mỏ Iran, và phải từ bỏ các khoản đầu tư khổng lồ ở cảng Chabahar tại Vịnh Oman, nơi cho phép Ấn Độ phá vỡ việc giao thương của Pakistan với Afghanistan và vùng Trung Á.
Đối với Delhi, điều này có nghĩa là mất đi tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng ở Châu Á. Chỉ riêng Ấn Độ đã có thể đóng vai trò là đối trọng với Trung Quốc ở lục địa nhờ vào lượng dân số lớn, tiềm năng kinh tế và khả năng kiểm soát vùng Ấn Độ Dương cùng những giao lộ trên biển kéo dài từ Eo biển Malacca ở miền đông tới vùng Sừng Châu Phi ở miền tây.
Ấn Độ cũng nằm giữa sáng kiến Vành đai Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc. Một khi hoàn thành, Con đường Tơ lụa mới sẽ đưa một phần lớn vùng Châu Á và Châu Phi vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc.
Đối với Ấn Độ, cuộc cạnh tranh với Trung Quốc đã bắt đầu ở vùng Tây Á. Ấn Độ đã luôn cảnh giác mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan, đặc biệt sau khi Bắc Kinh hứa hẹn sẽ đầu tư cho Pakistan 60 tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng và giao thương.
Ấn Độ cũng cạnh tranh với đầu tư Trung Quốc ở vịnh Gwadar (của Pakistan) bằng dự án ở cảng Chabahar (của Iran). Ấn Độ đã cam kết hàng tỉ USD đầu tư phát triển Chabahar cũng như các khu công nghiệp xung quanh nó.
Buộc Ấn Độ rút lui khỏi Iran sẽ khiến Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh hơn. Khi Ấn Độ rút khỏi Chabahar, Gwadar sẽ trở thành con đường duy nhất tới biển Ả Rập và Ấn Độ Dương đối với Afghanistan và Trung Á.
Bên cạnh đó, không thể loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tiến tới việc "bỏ ngoài tai" cấm vận Mỹ và tiếp cận Chabahar, kết nối cảng này với Gwadar. Trung Quốc hiện đã đang phát triển cơ sở hàng hải ở Pakistan để kết nối hai cảng này. Sẽ không lâu trước khi các tàu chiến Trung Quốc hộ tống tàu chở dầu và tàu hàng đi lại tự do trong khu vực Vịnh Oman và biển Ả Rập.
Về mặt lâu dài, Trung Quốc - chứ không phải Iran - mới là sự thách thức đáng gờm nhất đối với Mỹ ở Châu Á và trên thế giới. Washington cần phải đặt chính sách Iran trong bối cảnh vươn tới các mục tiêu chiến lược lớn hơn, tức là phải tăng cường sức mạnh - chứ không phải kìm hãm - Ấn Độ trên con đường trở thành quốc gia đối trọng với Trung Quốc.