Iran rơi vào bẫy của ông Trump
Suốt 1 năm sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, Tehran có thể nhận là bên bị đối xử không công bằng.
Iran đã có một loạt hành động thích hợp khi tránh các biện pháp trả đũa và tiếp tục tuân thủ thỏa thuận. Kết quả là Tehran đã giành được sự ủng hộ của phần còn lại của thế giới, gồm cả các bên khác trong thỏa thuận: Anh, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện nay, các hành động mang tính khiêu khích của Iran lại đang đặt nước này trước nguy cơ đánh mất thiện chí mà họ thu được. Việc lực lượng Iran được cho là tìm cách cản đường của tàu chở dầu Anh khi tàu này di chuyển qua eo Hormuz là dấu hiệu cho thấy Iran đang gây sự một cách không cần thiết.
Các quan chức Iran đã xem nhẹ những cáo buộc của Anh, giống như khi họ bác bỏ tuyên bố của Anh và Mỹ rằng Tehran đứng sau các cuộc tấn công phá hoại nhằm vào 6 tàu chở dầu ở vùng Vịnh hồi tháng 5 và tháng 6.
Thế nhưng, thật khó để không tin vào khả năng Tehran đang theo đuổi một trò trả đũa nguy hiểm, khi mà các quan chức Iran ngày càng buông ra những lời lẽ gay gắt và cam kết "kháng cự" trước "cuộc chiến kinh tế" mà Mỹ phát động nhằm vào nước này.
Giới chức Iran đã nhiều lần đe dọa làm gián đoạn tuyến giao thông qua eo Hormuz, đường thủy trọng yếu của vùng Vịnh. Nỗ lực chặn đường tàu bè xảy đến sau khi Tehran cáo buộc Anh "cướp biển" và cảnh báo London sẽ phải đối mặt với "hậu quả" vì trước đó Anh đã giữ tàu Iran ngoài khơi Gibraltar.
Anh kiên quyết khẳng định rằng tàu của Iran bị bắt giữ bởi nó đang tìm cách vận chuyển lậu dầu thô Iran vào Syria, vi phạm lệnh cấm vận của châu Âu, chứ không liên quan gì tới chiến lược "áp lực tối đa" của ông Trump nhằm vào Iran. Tuy nhiên, phía Tehran lại coi đây là động thái mở rộng từ chính sách thù địch của Mỹ.
Bên cạnh đó, Iran còn vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân, thúc đẩy quá trình làm giàu urani của mình để ép các nước phương Tây - các bên trong thỏa thuận - viện trợ kinh tế để đối phó với đòn cấm vận nặng nề từ Mỹ.
Không nên đẩy giới hạn đi xa hơn
Có thể đoán được phản ứng của Iran ngay thời điểm ông Trump châm ngòi khủng hoảng bằng quyết định rút khỏi thỏa thuận mà Tehran đang tuân thủ.
Cấm vận của Mỹ khiến Iran không thể thu được lợi ích kinh tế mà nước này được hứa hẹn khi đồng ý hạn chế hoạt động hạt nhân của mình.
Sự tức giận của Iran là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, lãnh đạo Iran không nên rơi vào cái bẫy của ông Trump và công kích tới mức các nước phương Tây cảm thấy mình không có lựa chọn nào khác ngoài bỏ rơi thỏa thuận và đứng về phía Mỹ.
Điều này sẽ đẩy Iran vào tình trạng cô lập và khiến căng thẳng leo thang. Mỗi bước đi đều làm gia tăng nguy cơ khiến một tính toán sai lầm bùng phát thành xung đột lớn. Châu Âu, hiện vẫn đang gắn bó với thỏa thuận hạt nhân, cần tăng cường nỗ lực ngoại giao của mình và tính toán mức độ nghiêm túc trong đề nghị đàm phán với Iran của ông Trump.
Đặc biệt, Anh cần phải thận trọng, tránh lún sâu vào tình trạng thù địch của chính quyền ông Trump - điều đáng chú ý là tin tức đầu tiên về vụ tàu chở dầu trong tuần qua xuất phát từ Washington, chứ không phải London.
Anh khẳng định rằng nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân của họ không liên quan gì tới quyết định bắt giữ tàu Iran và quyết định đứng về phía Mỹ khi cáo buộc Iran tấn công tàu ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, rạch ròi các vấn đề là điều rất khó.
Tính đến thời điểm hiện tại, việc Iran tăng cường hoạt động hạt nhân của mình có vẻ gia tăng và có thể đảo ngược. Tehran không nên đẩy giới hạn đi xa hơn và kiềm chế, tránh thể hiện thái độ gây hấn. Iran phải tôn trọng nguyên tắc tự do hàng hải quốc tế. Sẽ không có ai được lợi nếu một sự kiện tương tự như "cuộc chiến tàu chở dầu" hồi những năm 1980 bùng phát.
(*) Trên đây là phần lược dịch bài phân tích của ban biên tập Financial Times về xung đột đang âm ỉ ở vùng Vịnh liên quan tới Mỹ và Iran.