[Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc và lỗi hệ thống

Trần Đặng Minh Trí (CLB Quản lý chất lượng - An toàn người bệnh) |

Tôi hỏi ông Vương Đổng Khánh vậy thì ai phải chịu trách nhiệm cho cái chết của con trai ông. "Tôi muốn hệ thống y tế phải chịu trách nhiệm" .

LTS: Năm 2014, vấn đề bạo lực y tế tại Trung Quốc trở thành tâm điểm dư luận thế giới, sau một chuỗi các vụ án bệnh nhân giết bác sĩ. Nhân vụ việc này, tạp chí New Yorker đã gửi phóng viên kỳ cựu Christopher Beam đi điều tra.

Phóng sự dài ‘Under The Knife’ (Dưới lưỡi dao) của Christopher mang đến cái nhìn cận cảnh, về một nền y tế đang khủng hoảng trầm trọng, nơi mà cả người bệnh và nhân viên y tế đều là nạn nhân.

Mời độc giả đọc các kỳ trước tại đây:

Kỳ 1: [Phóng sự dài kỳ] "Dưới lưỡi dao": Án mạng tại khoa Thấp khớp

Kỳ 2: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Sụp đổ mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân

Kỳ 3: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Bệnh nhân gian nan chữa bệnh

Kỳ 4: [Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Nhìn từ góc độ lịch sử

Kỳ 5: [Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Hệ thống y tế sụp đổ

Kỳ 6: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: 314 người bệnh/ngày và vấn nạn "phong bao đỏ"

Kỳ 7: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Một mạng người và 4.018 mặt cười

Kỳ 8: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Thách thức của cả nền kinh tế

Ngày 1/4 - giỗ thứ hai của BS (BS) Vương Hạo, gia đình anh đến viếng mộ tại ngoại ô thành phố Xích Phong Thị (Nội Mông, Trung Quốc). Ông Vương Đổng Khánh, cha của BS Vương Hạo, đón tôi (phóng viên Christopher Beam) và cô luật sư Lý Huệ Quyên (xem bài 8) tại sân bay.

Trên đường đi ngang thành phố, luật sư Lý chỉ cho tôi: "Tất cả những kiến trúc này đều được xây trong mười năm trở lại đây. Ngày xưa, Xích Phong Thị nghèo và xa xôi - nhưng nay thì phát triển mạnh".

[Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc và lỗi hệ thống - Ảnh 1.

Thành phố Xích Phong Thị.

Ông Vương gật đầu đồng tình. Ông lớn lên ở vùng quê, sau khi đi lính ông vào làm tại một nhà băng trong thành phố. Ông đi một chiếc xe hơi hiệu Roewe đắt tiền. Tôi hỏi ông ở đâu, cô Lý trả lời giúp: "Ông ấy ở trong khu phố cổ."

Cô mặc một chiếc áo choàng đen, quần da đen và kính râm cũng màu đen, như một người nổi tiếng đang đi tránh dân chụp hình paparazzi. Tôi để ý thấy hình chữ Vạn trên vô lăng của ông Vương, nhưng khi hỏi "Ông theo đạo Phật à?", thì ông lại nói không.

Xe chúng tôi dừng lại tại nghĩa trang. Đi theo hướng tiếng than khóc, chúng tôi đến phần mộ của BS Vương Hạo. Bà Triệu Xuân Vận, mẹ của BS Vương, đang ngồi khóc bên mộ, trong khi các cô chú và anh em họ đứng quanh. "Con của tôi mất rồi, chỉ đơn giản vậy sao?".

[Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc và lỗi hệ thống - Ảnh 2.

Thông tin truy điệu BS Vương Hạo

Bia mộ là một tảng đá hoa cương đen khắc chữ "Con yêu", với hoa, trái cây, nhang, bia và một lon Red Bull bên cạnh. Những người bạn của BS Vương đốt vàng mã gần đó. Luật sư Lý đến thẳng chỗ bà Triệu và họ ôm lấy nhau.

Cô Lý nói: "Chúng tôi đến thăm bà. Rất nhiều người đang quan tâm về vụ này. Anh Vương không chết vô ích đâu". Một lúc sau, có nhân viên của nghĩa trang đến nói bà Triệu nhỏ giọng lại. "Xin lỗi, chúng tôi gần xong rồi", một người nhà nói.

Nhóm chúng tôi đi ăn trưa tại phòng riêng ở một khách sạn gần đó. Luật sư Lý tiếp tục an ủi bà Triệu. Những người đàn ông ngồi quanh một bàn tiệc tròn, phụ nữ ngồi riêng. Tôi ngồi kế ông Vương Đổng Khanh. Bộ áo vét sẫm màu của ông đã lấm lem đất.

Giữa những tua rượu Bạch Tửu (baijiu) cháy cuống họng (một loại rượu chiết xuất từ bo bo nổi tiếng của Trung Quốc), tôi hỏi ông về BS Vương.

"Con tôi rất ngoan, rất siêng", ông nói. Lần cuối cùng hai bố con gặp nhau là dịp nghỉ lễ Tết. Nhưng BS Vương dành cả thời gian để học bài. "Nó rất yêu ngành y", chị dâu của BS Vương nói.

"Nó yêu y khoa đến phát điên. Nó nói với mẹ là một ngày nào đó nó sẽ được giải Nobel Y học. Khi gia đình hay bạn bè có ai đau ốm, anh luôn thăm khám để họ không phải đi đến bệnh viện".

BS Vương dạo đó vừa được nhận vào chương trình tiến sĩ tại Hong Kong - thư gọi nhập học được gửi đến nhà chỉ năm hôm sau khi anh bị đâm chết. Cha của anh cứ lặp đi lặp lại câu chuyện là Vương Hạo và Lý Mộng Nam hoàn toàn không biết nhau.

Cái chết của BS Vương vì vậy vẻ như hoàn toàn ngẫu nhiên, kết quả của tai bay vạ gió "như sấm sét giữa trời xanh", ông Vương Đổng Khánh nói. Có cả tỉ thứ mà hai người đàn ông này có thể làm khác đi vào ngày hôm đó.

Tôi hỏi ông Vương Đổng Khánh vậy thì ai phải chịu trách nhiệm cho cái chết của con trai ông. "Tôi muốn hệ thống y tế phải chịu trách nhiệm", ông nói. "Kẻ sát nhân Lý Mộng Nam chỉ là một đại diện của cuộc xung đột. Những vụ bạo lực như thế này diễn ra thường xuyên. Làm sao chúng ta chỉ đổ lỗi cho mỗi cậu Lý Mộng Nam được?".

Trần Đặng Minh Trí, CFA, MBA

Bạo lực y tế và lỗi hệ thống (Loạt bài Bạo hành y tế tại Trung Quốc) Bài 9 - Ảnh 3.

Thạc sĩ Trần Đặng Minh Trí là chuyên gia về chiến lược với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế và tài chính.

Anh là Tư vấn viên chiến lược (Strategy Consultant) cho Tập đoàn Bệnh viện Ramsay Health Care, với hơn 200 bệnh viện khắp thế giới.

Đồng thời, anh là giảng viên của chương trình đào tạo phi lợi nhuận dành riêng cho Việt Nam của Đại Học Y Sydney, mang tên 'Học mãi’.


(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại