Năm 2014, vấn đề bạo lực y tế tại Trung Quốc trở thành tâm điểm dư luận thế giới, sau một chuỗi các vụ án bệnh nhân giết bác sĩ. Nhân vụ việc này, tạp chí New Yorker đã gửi phóng viên kỳ cựu Christopher Beam đi điều tra.
Phóng sự dài ‘Under The Knife’ (Dưới lưỡi dao) của Christopher mang đến cái nhìn cận cảnh, về một nền y tế đang khủng hoảng trầm trọng, nơi mà cả người bệnh và nhân viên y tế đều là nạn nhân.
Mời độc giả đọc các kỳ trước tại đây:
Kỳ 1: [Phóng sự dài kỳ] "Dưới lưỡi dao": Án mạng tại khoa Thấp khớp
Kỳ 2: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Sụp đổ mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân
Kỳ 3: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Bệnh nhân gian nan chữa bệnh
Kỳ 4: [Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Nhìn từ góc độ lịch sử
Kỳ 5: [Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Hệ thống y tế sụp đổ
Kỳ 6: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: 314 người bệnh/ngày và vấn nạn "phong bao đỏ"
Kỳ 7: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Một mạng người và 4.018 mặt cười
Tại phiên xử vụ án Lý Mộng Nam giết BS (BS) Vương Hạo, luật sư bào chữa tìm cách xin giảm án, dựa trên cơ sở việc điều trị tệ hại và vô ích. Cậu bé Lý đã không gây ấn tượng tốt tại toà và không thể hiện được sự ăn năn hối hỗi. Khi chánh án tra hỏi, cậu trả lời trống không.
Toà xử vụ án Cáp Nhĩ Tân
- Cậu có biết lỗi không?
- Ừ.
- Vậy thì xin lỗi bố mẹ của Vương Hạo và các BS đi.
- O.K.
Gia đình của BS Vương Hạo không chấp nhận lời xin lỗi này. "Tôi không tin cậu ta", bố của BS Vương nói với tôi sau đó. "Những lời nói đó không đến từ đáy lòng". Phiên xử diễn ra trong một ngày; ba tháng sau, quan toà tuyên án Lý Mộng Nam mức án chung thân.
Bi quan về tình hình y tế
Thông thường tại Trung Quốc, phiên xử hình sự diễn ra song song với vụ án dân sự của gia đình BS Vương Hạo đòi bồi thường. Lý Mộng Nam được yêu cầu trả 680.000 Nhân dân tệ (2,3 tỉ đồng) cho gia đình bị hại. Nhưng cha của BS Vương nói với tôi rằng ông chẳng mong đợi nhận được một xu nào cả.
Trong vụ án bồi thường dân sự, gia đình bị hại thuê luật sư Lý Huệ Quyên, một người phụ nữ nhanh nhẹn đóng luôn cả vai trò phát ngôn viên, tư vấn truyền thông và chăm sóc tâm lý cho gia đình BS. Vương.
Khi tôi gặp cô gần đây tại một quán cafe sách ở Bắc Kinh, cô mặc một chiếc áo choàng màu tím, mang túi xách Prada màu xanh. Cô nói chuyện trôi chảy, đôi khi đính kèm những câu thành ngữ Trung Quốc trong câu chuyện. Khi thấy tôi không hiểu, cô viết ra giấy và giải thích tận tình.
Luật sư Lý Huệ Quyên khoảng 50 tuổi. Cô đã học y trước khi chuyển sang ngành luật. Trước đó nữa thì cô là giáo viên trung học. Vì vậy với mỗi câu chuyện, cô luôn tìm cách rút ra bài học.
Từ khi phiên toà xử Lý Mộng Nam kết thúc, cô đã trở thành người vận động phòng trào chống bạo hành trong y tế. Cô đến nhiều nơi tại Trung Quốc giảng dạy cho các BS và người quản lý cách thức để giảm xung đột với người bệnh.
Luật sư Lý cho tôi xem một bài thuyết trình Powerpoint trên máy tính MacBook Air, với những hình ảnh hiện trường vụ án đầy máu me, các vụ biểu tình, và những danh ngôn của Hippocrates, Eistein, Marx, và Peter Drucker.
Mỗi nạn nhân bạo hành y tế có một trang riêng, hình ảnh mỗi nhân viên y tế với hình icon hoa và nến cùng với banner ghi chi tiết xem kẻ thủ ác nhận được án như thế nào.
Cô Lý rất bi quan về tình hình ngành y tại Trung Quốc. "Tất cả các cải cách đều đã thất bại", cô nói. Cô cho rằng chỉ có cách là tự thân mỗi BS và bệnh viện phải tìm cách thay đổi những thứ trong tầm tay. Trong bài thuyết trình của mình, cô khuyên các BS ghi chú hồ sơ một cách cẩn thận, và bảo đảm người bệnh hiểu rõ chẩn đoán của họ.
Những trường y cũng đã bắt đầu nhấn mạnh quan hệ giữa người bệnh và BS. Trường Y tại Đại Học Bắc Kinh bây giờ đã có khoá học "Giới thiệu về Y Tế Nhân bản", để dạy các BS tương lai về việc cảm thông với người bệnh.
Thách thức của cả nền kinh tế
Nếu các cải cách y tế tại Trung Quốc thất bại thì hậu quả sẽ rất lớn. Với dân số ngày càng già đi, các hộ dân ngày càng phải chi nhiều hơn cho y tế. Vấn đề này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn vì ngay cả người Trung Quốc trẻ cũng càng ngày càng béo phì và hút thuốc nhiều. Chi phí y tế tăng phi mã không chỉ là thách thức của mỗi hộ dân, mà có nguy cơ làm sụp đổ cả nền kinh tế.
Trong những thập kỷvừa qua, Trung Quốc đã trở nên thịnh vượng nhờ việc xuất khẩu hàng hoá cho cả thế giới. Nhưng với việc tiêu thụ giảm toàn cầu, quốc gia này phải dựa vào việc tiêu thụ nội địa để phát triển nền kinh tế.
Dân Trung Quốc vốn nổi tiếng là tiết kiệm nhiều nhất thế giới (mức tiết kiệm trên thu nhập mỗi hộ dân là 50%), phải bắt đầu tiêu dùng nhiều hơn. Tuy nhiên, trừ khi việc bảo hiểm y tế giúp người dân tự tin hơn về sức khoẻ, họ sẽ tiếp tục để dành phần lớn thu nhập để phòng khi ốm đau.
Luật sư Lý nói rằng khi cô còn học trường y, BS vẫn còn là một nghề được tôn trọng. Ngày nay, cô nói, "bạn bè tôi chẳng ai muốn con đi làm ngành y". Việc thiếu hụt BS, cùng với chi phí tăng cao, không chỉ làm tổn thương ngành y tế, "Nó sẽ khiến sức mạnh của cả quốc gia bị yếu đi", cô nói.
Trần Đặng Minh Trí, CFA, MBA
Thạc sĩ Trần Đặng Minh Trí là chuyên gia về chiến lược với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế và tài chính.
Anh là Tư vấn viên chiến lược (Strategy Consultant) cho Tập đoàn Bệnh viện Ramsay Health Care, với hơn 200 bệnh viện khắp thế giới.
Đồng thời, anh là giảng viên của chương trình đào tạo phi lợi nhuận dành riêng cho Việt Nam của Đại Học Y Sydney, mang tên 'Học mãi’.
Còn tiếp
Y, Bác sĩ lo ngại bị hành hung tấn công bạo lực ở bệnh viện (Nguồn VTV1)