[Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Một mạng người và 4.018 mặt cười

Trần Đặng Minh Trí (CLB Quản lý chất lượng - An toàn người bệnh) |

Những bất cập trong hệ thống y tế: BV quá tải, khám bệnh vội vàng và phong bì lì xì, chẳng gì là ngạc nhiên khi công chúng Trung Quốc có cái nhìn khá “thù địch” đối với BS.

Năm 2014, vấn đề bạo lực y tế tại Trung Quốc trở thành tâm điểm dư luận thế giới, sau một chuỗi các vụ án bệnh nhân giết bác sĩ. Nhân vụ việc này, tạp chí New Yorker đã gửi phóng viên kỳ cựu Christopher Beam đi điều tra.

Phóng sự dài ‘Under The Knife’ (Dưới lưỡi dao) của Christopher mang đến cái nhìn cận cảnh, về một nền y tế đang khủng hoảng trầm trọng, nơi mà cả người bệnh và nhân viên y tế đều là nạn nhân.

Mời độc giả đọc các kỳ trước tại đây:

Kỳ 1: [Phóng sự dài kỳ] "Dưới lưỡi dao": Án mạng tại khoa Thấp khớp

Kỳ 2: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Sụp đổ mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân

Kỳ 3: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Bệnh nhân gian nan chữa bệnh

Kỳ 4: [Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Nhìn từ góc độ lịch sử

Kỳ 5: [Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Hệ thống y tế sụp đổ

Kỳ 6: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: 314 người bệnh/ngày và vấn nạn "phong bao đỏ"

Những mặt cười

Sau vụ giết BS ở Hắc Long Giang (xem Kỳ 1), số lượng phản hồi của đại chúng thông cảm cho kẻ giết người có khi còn bằng với sự cảm thông cho BS tử nạn. Khi tờ Nhân Dân nhật báo đăng câu hỏi online: "Bạn nghĩ gì sau khi đọc tin bệnh nhân giết BS?" và cho trả lời với các hình emoji, đa số người đọc (65%) đã chọn hình mặt cười.

[Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Một mạng người và 4.018 mặt cười - Ảnh 1.

Phản ứng của dân mạng Trung Quốc khi được hỏi về án mạng của BS Vương Hạo

Số lượng mặt cười lên đến 4.018 trong tổng số hơn 6.000 câu trả lời, trước khi tòa soạn phải rút bài báo này xuống.

Đài truyền hình trung ương CCTV đăng một phóng sự về cuộc bỏ phiếu này và đặt ra câu hỏi: "Có khi nào tất cả chúng ta đều là những kẻ giết người?"

Theo tuần báo Economist của Anh, tuy bài báo đã bị rút xuống, dân mạng Trung Quốc vẫn chuyền tay nhau chụp màn hình.

BS 26 tuổi, Lương Dĩnh Thông, tại BV Số 1 của Bắc Kinh nói: "Khi một BS ở Cáp Nhĩ Tân bị đâm tới chết thì dân mạng lại tung hô kẻ giết người. Xã hội này có vấn đề rồi".

Đòi bồi thường

Gần như mọi người dân Trung Quốc đều có câu chuyện riêng về việc mình bị BS hay BV đối xử tệ hại.

Hầu hết các BV đều có phòng chăm sóc khách hàng, nơi mà BN có thể than phiền và đòi bồi thường. Thêm vào đó, họ còn có quyền kiện BS và BV ra toà về tội lạm dụng. Tuy vậy, đa số người dân Trung Quốc không tin tưởng vào hệ thống luật pháp vì khả năng khiếu kiện thành công là không thể đoán được.

Các BV cũng thích hoà giải riêng với BN thay vì ra toà, vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng và sợ trừng phạt của chính quyền địa phương khi BV có nhiều kiện cáo.

[Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Một mạng người và 4.018 mặt cười - Ảnh 2.

Người nhà bệnh nhân biểu tình trước BV Trung Quốc.

Nếu BN không hài lòng với kết quả giải quyết từ các kênh chính thức, họ sẽ thường tổ chức biểu tình.

Năm 2013, môt bà mẹ 33 tuổi cáo buộc BV sai sót sau ca sinh mổ và kêu gọi một tá bạn bè và người thân xông vào BV Số 6 của Bắc Kinh. Cuối cùng cô đòi được khoảng 10.000 USD tiền bồi thường.

Tháng 5/2014, tại Côn Minh, một người đàn ông mà vợ và con tử vong trong một ca sinh mổ, đã leo lên nóc BV bế theo đứa con còn lại của mình. Ông doạ sẽ nhảy xuống tự vẫn. Đám đông công chúng khiến cả khu vực bị kẹt cứng xe cộ. Trong những trường hợp khác khi BN tử vong và gia đình đổ lỗi cho BS, họ thường đặt tử thi trước cổng BV cho đến khi được trả tiền bồi thường.

Chiến lược "Y náo"

Tại Bắc Kinh, tôi gặp GS Benjamin Liebman của trường luật Columbia Law School của Hoa Kỳ, người vừa viết một nghiên cứu về hiện tượng "Y náo" (náo loạn trong y khoa) tại Trung Quốc.

Ông nói rằng các cuộc biểu tình thường thành công trong việc đòi BV bồi thường hơn là đi kiện. Người nhà của BN còn có thể thuê những người biểu tình chuyên nghiệp. Một báo cáo ở tỉnh Sơn Đông cho biết, giá trung bình cho việc thuê người biểu tình là 50 NDT một ngày (khoảng 170 ngàn đồng).

Một BS chẩn đoán hình ảnh tại Thượng Hải cho tôi biết: "Nếu mẹ của bạn chết trong BV, sẽ có một "cò" liên lạc: Tôi có thể giúp bạn. Tôi có thể cho 20 người đến BV, tống tiền họ, và chia 50/50 lợi nhuận với bạn. Họ làm việc rất chuyên nghiệp."

Điều đáng ngạc nhiên là ở một đất nước, nơi mà ngay cả những cuộc hội họp nhỏ cũng phải xin phép chính phủ, thì những cuộc biểu tình này lại diễn ra mà không có ai can thiệp. Có thể các cơ quan chức năng coi "Y náo" là một kênh đàm phán bồi thường y tế hữu hiệu.

Có những học giả cho rằng chính phủ Trung Quốc "ngầm" cho phép các cuộc biểu tình này, và coi chúng là những cái "van xả hơi" – giúp giảm áp lực từ những bức xúc xã hội khác, và là dấu hiệu cảnh báo sớm cho những vấn đề bất ổn lớn hơn. Nhà khoa học chính trị của Đại học Berkeley tại California, Peter Lorentzen, gọi hiện tượng này là "biểu tình điều tiết" (regularizing rioting).

GS. Liebman lại cho rằng: "Các cuộc biểu tình là một cơ chế chọn lọc giúp chính phủ tìm ra những gia đình thật sự cần được giúp (những người biểu tình), và cung cấp chế độ an sinh xã hội cho họ". Tuy nhiên vấn đề là "mọi người đều biết chính phủ có tiền để bồi thường cho người đi biểu tình khiếu kiện, và việc này trở thành động lực cho càng nhiều các cuộc biểu tình "Y náo" khác.

Trần Đặng Minh Trí, CFA, MBA

Một mạng người và 4.018 mặt cười ( Bạo hành y tế tại Trung Quốc) bài 7 - Ảnh 3.

Thạc sĩ Trần Đặng Minh Trí là chuyên gia về chiến lược với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế và tài chính.

Anh là Tư vấn viên chiến lược (Strategy Consultant) cho Tập đoàn Bệnh viện Ramsay Health Care, với hơn 200 bệnh viện khắp thế giới.

Đồng thời, anh là giảng viên của chương trình đào tạo phi lợi nhuận dành riêng cho Việt Nam của Đại Học Y Sydney, mang tên 'Học mãi’.

Còn tiếp

Y, Bác sĩ lo ngại bị hành hung tấn công bạo lực ở bệnh viện (Nguồn VTV1)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại