Còn 1 "cơ may" cho cả bác sĩ và người bệnh ở Việt Nam, Bộ Y tế hãy bảo vệ điều đó!

TS. Nguyễn Khánh Hòa, từ Canada |

Táng tận lương tâm hơn nữa là, nếu gặp bác sĩ kê đơn thuốc giả như của VN Pharma thì "nhà giàu cũng chết", vì tiền mua thuốc thì thật mà thuốc lại không có tác dụng chữa bệnh.

LTS: Vấn nạn chi "hoa hồng" của các công ty dược cho một bộ phận cán bộ, bác sĩ ngành  y đang là điểm nóng dư luận, sau lời khai của nguyên TGĐ VN Pharma Nguyễn Minh Hùng. Trong bài viết này, TS Nguyễn Khánh Hòa đã chỉ ra tương đối toàn diện thực tế, nguyên nhân, và giải pháp để chấm dứt tình trạng này. Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả.

Táng tận lương tâm…

Quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ là quan hệ lệ thuộc, tức là khi đã có bệnh đi khám và điều trị thì đơn thuốc của bác sĩ là mệnh lệnh. Nếu làm trái đơn thuốc có thể dẫn tới hậu quả là không khỏi bệnh hoặc có thể dẫn tới chết người.

Đa số bệnh nhân lại cũng không phải là người am hiểu về bệnh tật cũng như tác dụng của thuốc cho nên có thể nói là số phận của người bệnh nằm trong tay bác sĩ. Chính vì vậy, khi có đơn thuốc, muốn khỏi bệnh thì phải mua thuốc và thuốc đắt bằng giá nào cũng phải mua, vì không thể mặc cả và không dám mặc cả.

Do đó, nếu có sự thông đồng bẩn thỉu giữa bác sĩ và người bán thuốc thì chắc chắn bệnh nhân sẽ lọt vào bẫy của họ.

Nắm được tâm lý này của bệnh nhân, nhiều công ty phân phối dược phẩm đã chủ động tìm kiếm, mua chuộc một số bác sĩ tham lam để trục lợi.

Một số vụ việc được phanh phui đã cho thấy có công ty sắn sàng chi tới 30% lợi nhuận cho bác sĩ kê đơn để bệnh nhân dùng thuốc của họ. Như vậy giá bán của thuốc bây giờ không còn là giá mua + lãi cho công ty, mà còn phải là giá mua + tiền chi cho bác sĩ + tiền môi giới bán thuốc của nhân viên hãng dược + tiền lãi cho công ty.

Trước đây thay vì chỉ phải đưa phong bì cho bác sĩ thì nay phong bì cho bác sĩ lại phải nặng hơn bằng cách phải chi vừa cho bác sĩ lại vừa cho người môi giới bán thuốc.

Còn 1 cơ may cho cả bác sĩ và người bệnh ở Việt Nam, Bộ Y tế hãy bảo vệ điều đó! - Ảnh 1.

Trước đây bệnh nhân đưa phong bì phần lớn là tự nguyện dưới hình thức cảm ơn thì nay bệnh nhân bắt buộc phải chi tiền mua thuốc giá cao để nuôi lòng tham không chỉ của bác sĩ mà còn cả cho nhân viên bán thuốc.

Thiệt hại về kinh tế là không nhỏ đối với bệnh nhân.

Những trường hợp khó khăn gặp bệnh hiểm nghèo như ung thư, thuốc đắt thì xác định là chết vì không đủ tiền để có thể theo đuổi việc điều trị + "nuôi" không 2 người môi giới thuốc (bác sĩ + nhân viên hãng dược).

Táng tận lương tâm hơn nữa là, nếu gặp bác sĩ kê đơn thuốc giả như của VN Pharma thì kể cả "nhà giàu cũng chết", vì tiền mua thuốc thì thật mà thuốc lại không có tác dụng chữa bệnh.

Việc chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn rõ ràng là hình thức biến tướng của quá trình lợi dụng uy tín để trục lợi. Nguy hiểm hơn nếu sử dụng thuốc giả, kém chất lượng thì bệnh nhân có thể thiệt hại cả kinh tế lẫn tính mạng. Hành động như vậy của bác sĩ cũng như của công ty dược chi hoa hồng là tội ác và không thể chấp nhận được.

Bên cạnh thiệt hại cho bệnh nhân, việc chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn làm méo mó thị trường dược phẩm. Nhiều công ty Dược làm ăn chân chính sẽ bị thua lỗ, mất doanh thu vì không có ai mua thuốc.

Để bán được hàng hóa, các công ty phải thông qua bác sĩ, để cạnh tranh các công ty Dược phải luôn cải tiến công nghệ, cải tiến dịch vụ để làm sao có thuốc rẻ hơn, chất lượng đảm bảo hơn, tạo được niềm tin cho bác sĩ để kê dơn chữa khỏi bệnh cho bênh nhân.

Tuy nhiên, vì hoa hồng, nhiều bác sĩ sẵn sàng gạt bỏ những thuốc có chất lượng để chỉ dùng thuốc kém chất lượng. Tiền lãi của việc kinh doanh thuốc lẽ ra nên được tái đầu tư vào việc sản xuất đổi mới công nghệ, tài trợ cho các bác sĩ học tập, nâng cao hiểu biết về thuốc, bệnh tật thì lại được dùng để chi cho hoa hồng.

Các bác sĩ thay vì trau dồi chuyên môn, tìm hiểu thông tin về thuốc mới có tác dụng tốt hơn, an toàn hơn cho bệnh nhân thì lại chỉ chú tâm làm sao kê đơn cho thật nhiều thuốc đắt tiền để lấy hoa hồng.

Và cuối cùng, đỉnh điểm là bác sĩ tiếp tay cho việc tiêu thụ thuốc giả, kém phẩm chất để kiếm lời, không cần quan tâm đến việc có chữa khỏi bệnh hay không như trong trường hợp dùng thuốc của VN Pharma.

Cái gốc của vấn nạn "hoa hồng" ở Việt Nam

Bác sĩ là một nghề đặc biệt. Để có được tấm bằng bác sĩ, các bác sĩ tương lai phải là người có khả năng cũng như phải đầu tư một lượng lớn thời gian, tiền bạc.

Thời gian học đại học Y là 6 năm, dài hơn hẳn so với tất cả các ngành học khác. Tuy nhiên để trở thành bác sĩ chữa được bệnh, người có bằng bác sĩ còn phải học tập và thực hành tối thiểu là 3 năm (hết nội trú, hoặc hết chuyên khoa I).

Còn 1 cơ may cho cả bác sĩ và người bệnh ở Việt Nam, Bộ Y tế hãy bảo vệ điều đó! - Ảnh 2.

Chương trình học cũng như thực hành trong các trường y đều rất nặng nề, phải là người có trí tuệ, có sức khỏe và kiên trì mới có thể hoàn thành chương trình học của đại học Y. Thi vào các trường Đại học Y có tiếng trong nước cũng là những học sinh xuất sắc gần như đứng đầu trong số các thí sinh thi đại học hàng năm.

Chính vì vậy có thể nói không ngoa rằng thí sinh thi vào trường Y và sau này khi trở thành bác sĩ đều là những người ưu tú, có kỹ năng, có tay nghề và có trí tuệ. Công việc chữa bệnh cũng là công việc xứng đáng được trả một thù lao cao hơn hẳn so với các công việc khác.

Thế nhưng thù lao cho những người như vậy đã và đang được trả như thế nào?

Lương của một bác sĩ sau 6 năm học ra trường chỉ tương đương với lương của các cử nhân ở các ngành khác, và thấp hơn lương của các ngành được phụ cấp đặc biệt như công an, quân đội hoặc thậm chí là của giáo viên.

Chi phí cho cuộc sống bình thường của một người hiện tại phải gấp 3 lần lương. Bên cạnh chi phí cuộc sống, các bác sĩ mới ra trường phải học tập thêm trau dồi kiến thức ít nhất 10 năm nữa mới có thể hành nghề độc lập. Họ lấy đâu ra tiền để bù đắp cho các chi phí đó, chưa nói là trả nợ cha mẹ khi đi học, tích lũy cho cuộc sống gia đình.

Không sống được thì phải ăn vụng. Cầm tiền phong bì của bệnh nhân thì bị cấm tuyệt đối trong những năm gần đây. Làm thêm phòng khám tư ở ngoài thì cũng phải có đủ trình độ, đủ thời gian tích lũy. Chỉ còn duy nhất một con đường mà các hãng dược chỉ cho, đó là tiếp tay cho họ để móc túi người bệnh.

Gần đây tham nhũng diễn ra ở nhiều ngành nghề trong đó ngành y tế cũng không thiếu. Nhiều cán bộ lợi dụng chức quyền để tham nhũng tiền bạc trong đó có cả tiền chạy việc của nhân viên y tế. Chi phí đó lại tiếp tục chồng chất lên vai của các bác sĩ trẻ mới ra trường. Không còn đường sống thì phải làm bậy, phải ăn vụng.

"Cơ may" cho cả bệnh nhân và bác sĩ ở Việt Nam

Rất may, cho tới nay, số bác sĩ sống bằng hoa hồng của các hãng dược không nhiều!

Nhiều bác sĩ lăn lộn khắp nơi (sau giờ làm việc) ở bênh viện tư để đảm bảo cuộc sống của mình. Họ không bao giờ muốn nhận những đồng tiền táng tận lương tâm để bóc lột bệnh nhân.

Nhiều bác sĩ cũng đã chuyển hẳn sang làm việc cho các bệnh viên tư nổi tiếng như bệnh viện Việt Pháp, Hồng Ngọc… Tại đó, tài năng của họ được trả công xứng đáng. Hệ thống bệnh viện VIMEC mới mở gần đây cũng là một kênh tốt để các bác sĩ có tài, có tâm về làm việc.

Còn 1 cơ may cho cả bác sĩ và người bệnh ở Việt Nam, Bộ Y tế hãy bảo vệ điều đó! - Ảnh 3.

Tuy nhiên, như vậy chưa đủ. Cả nước vẫn đang có hàng vạn y, bác sĩ làm việc trong các bệnh viện công, nơi mà sức khỏe, trí tuệ của họ bị vắt kiệt, bị trả giá rẻ mạt.

Họ có quyền đòi hỏi một cuộc sống tốt hơn, được trả công bình đẳng hơn để họ có thể sống đàng hoàng, giúp đỡ bệnh nhân nhiệt tình, không vụ lợi.

Đa số họ, những người đã từng trải qua các cuộc thi căng thẳng để có điểm cao vào trường Y, đã được tôi luyện trong môi trường học tập khó khăn của các trường y đều có lòng tự trọng và đều muốn sống thẳng lưng, không cúi đầu.

Người dân cần hiểu hơn để chi trả cho công sức khám chữa bệnh của nhân viên y tế cao hơn.

Các nhân viên y tế cũng cần có trách nhiệm hơn nữa trong công tác khám, chữa bệnh, đặc biệt là hãy nói không với các khoản hoa hồng cho việc kê đơn thuốc. Hãy tự trọng bản thân, trân trọng nghề nghiệp và đừng tìm cách làm giàu bằng nghề khám chữa bệnh. Xã hội và nhân dân sẽ không để các bạn nghèo và các bạn đừng biến mình thành kẻ hèn, sống mòn trên xương máu của đồng bào mình.

Mong rằng Bộ Y tế, Nhà nước hãy làm nhiều hơn nữa để trả lại cho họ quyền được hưởng thành quả lao động và học tập của họ một cách chân chính.

Nhân dân cũng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho công sức của các y bác sĩ vì rất nhiều nơi các phòng điều trị tự nguyện lúc nào cũng đông kín và thiếu chỗ. Các bệnh viện tư, phòng khám tư cũng luôn đông bệnh nhân. Điều đó cho thấy người dân hoàn toàn có khả năng chi trả thêm cho các dịch vụ y tế, miễn là các dịch vụ đó xứng đáng.

Bên cạnh việc trả lương cao, xứng đáng cho y, bác sĩ, pháp luật cũng cần có chế tài chặt chẽ hơn với các cá nhân tham lam bất chấp y đức cũng như pháp luật để làm giàu trên xương máu bệnh nhân.

Cần luật hóa tội đưa hoa hồng thành tội hối lộ và nhận hoa hồng thành tội nhận hối lộ. Truy tố các cá nhân cố tình đưa hoa hồng cũng như nhận hoa hồng với khung hình phạt của tội đưa và nhận hối lộ.

Làm được vậy tôi tin chắc sẽ không còn vấn nạn hoa hồng trong kê đơn thuốc.

Trên thế giới, hoa hồng kê đơn cũng xuất hiện ở một số quốc gia đang phát triển. Ngày 20/9/2014, Trung Quốc công bố bản án phạt Mark Reilly, cựu trưởng đại diện ở Trung Quốc cùng 4 quan chức khác của GlaxoSmith Kline (GSK-một tập đoàn dược phẩm của Anh).

Vụ án hối lộ tai tiếng của hãng dược GSK tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Mark Reilly đã bị tuyên tù treo và bị trục xuất khỏi Trung Quốc, đồng thời GSK bị phạt 490 triệu USD vì tội đã hối lộ các bác sĩ và bệnh viện để quảng cáo bất hợp pháp các sản phẩm của họ.

Nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố điều tra GSK từ tháng 7-2013 trong vụ điều tra hối lộ lớn nhất với một công ty nước ngoài trong nhiều năm. GSK bị cáo buộc đã thu lợi bất hợp pháp khoảng 150 triệu USD từ các hoạt động quảng cáo trá hình của họ.

Tại Mỹ, theo BS. Huynh Wyn Tran, luật pháp Mỹ CẤM bác sĩ nhận tiền hoa hồng để kê đơn. Các hội đoàn Y khoa, bao gồm Hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) cũng cấm bác sĩ nhận tiền hoa hồng trong kê đơn, thậm chí, AMA còn làm mạnh tay hơn là cấm hẳn các công ty dược tặng quà quảng cáo (dù là giá trị rất nhỏ như bút, tách cafe, giấy viết văn phòng...v..v) cho bác sĩ.

Tại Canada, luật pháp cũng như hiệp hội Y khoa Canada cũng cấm và phạt nặng hoặc khai trừ ra khỏi hiệp hội nếu bác sĩ nhận tiền hoa hồng của các hãng dược khi kê đơn cho bệnh nhân.

* Tiêu đề bài báo và đề mục trong bài do tòa soạn đặt.

Một số thông tin tham khảo:

1. http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/he-lo-vn-pharma-chi-hoa-hong-cho-bac-sy-ca-tram-ty-dong-394650.html
2. http://tuoitre.vn/trung-quoc-phat-tu-va-thu-nua-ti-usd-cua-glaxosmithkline-648271.htm

3. http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/con-thap-tu-nhat-sinh-va-goc-khuat-dac-quyen-ke-don-thuoc-a80452.html

4. http://soha.vn/bi-cam-nhan-hoa-hong-du-chi-la-cai-but-tach-cafe-bac-si-o-my-lam-gi-de-song-20170830093226616.htm
5. http://www.tienphong.vn/phap-luat/chay-cong-chuc-o-benh-vien-da-khoa-tinh-hoa-binh-700546.tpo

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại