Vì sao Trung Quốc không xuất khẩu tiêm kích tàng hình J-20?

Thiên Minh |

Tờ SCMP dẫn lời Thiếu Tướng Mã Hiểu Thiên - Tư lệnh Không quân Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh không có ý định bán máy bay chiến đấu thế hệ 5 J-20 ra nước ngoài.

Trung Quốc thành công với chiến dịch quảng bá...

Có tốc độ nhanh, được trang bị đầy vũ khí và cho đến giờ vẫn là một bí ẩn lớn, máy bay tiêm kích tàng hình Thành Đô J-20 (Chengdu) được Trung Quốc chính thức giới thiệu rộng rãi ngày 01/11 tại Triển Lãm Hàng Không Zhuhai 2016.

Theo đánh giá của truyền thông và giới quân sự quốc tế, đây là biểu tượng sức mạnh ngày một vượt bậc của Bắc Kinh và cho phép Trung Quốc bắt kịp với Mỹ về mặt quân sự.

Trung Quốc không che giấu tham vọng chinh phục những khách hàng mới và không ngừng tăng cường hiện diện tại các triển lãm quân sự quan trọng trên thế giới.

Còn tại Zhuhai, tiêm kích tàng hình J-20 là niềm tự hào của Trung Quốc: "J-20 là một thanh gươm sắc bén để bảo vệ đất nước và người dân chúng ta" hay "Tôi rất mừng vì cuối cùng nó đã bay trên bầu trời" là những lời bình luận trên mạng Weibo, được trang NBC News trích đăng hôm 3/11.

Vì sao Trung Quốc không xuất khẩu tiêm kích tàng hình J-20? - Ảnh 1.

J-20 biểu diễn ngày 1/11 tại Triển Lãm Hàng Không Zhuhai.

Phải chờ ít nhất đến năm 2018 để tiêm kích tàng hình Thành Đô J-20 được triển khai. Dù còn phải kiếm chứng độ tin cậy nhưng chuyến bay biểu diễn ngắn ngủi tại triển lãm hàng không Zhuhai vẫn là cơ hội cho Trung Quốc phô trương tiến bộ trong lĩnh vực này.

Màn bay trình diễn quá ngắn ở Zhuhai không cho phép các nhà quân sự nước ngoài kiểm tra được khả năng "tàng hình" của J-20. Tuy nhiên, giới chuyên gia đều nhận thấy chất lượng các động cơ đã được cải thiện, đặc biệt là động cơ Xian WS-15 do Viện Nghiên Cứu Công Nghệ Hàng Không Thẩm Dương phát triển và trang bị cho J-20.

Điều quan trọng là tiêm kích J-20 đã gây ấn tượng, dù chiến đấu cơ này còn bị F-35 của Mỹ vượt xa.

Chỉ cần quan sát phản ứng của khách tham quan là có thể nhận thấy chiến dịch quảng bá đã thành công, giống như tháng 09/2015, khi quân đội Trung Quốc tiết lộ DF-21 D, loại tên lửa đạn đạo hiện đại nhất, được mệnh danh là "sát thủ diệt tàu sân bay" trong lễ duyệt binh nhân dịp 70 năm chấm dứt Thế Chiến II được tổ chức tại Bắc Kinh.

... nhưng từ chối xuất khẩu J-20

Tờ SCMP dẫn lời Thiếu Tướng Mã Hiểu Thiên - Tư lệnh Không quân Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh không xem xét phương án bán máy bay chiến đấu thế hệ 5 J-20 ra nước ngoài.

Trước đó, các nhà phân tích phương Tây đánh giá J-20 sẽ trở thành một mặt hàng xuất khẩu tương tự như các hệ thống vũ khí khác của Trung Quốc.

Trên thực tế, thông tin Bắc Kinh cấm xuất khẩu J-20 đã xuất hiện từ năm 2014. Trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Phượng Hoàng, Song Zhongping, một cựu sĩ quan lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc đã tiết lộ rằng, Bắc Kinh muốn đảm bảo công nghệ của J-20 "không rơi vào tay các thế lực thù địch".

Vì sao Trung Quốc không xuất khẩu tiêm kích tàng hình J-20? - Ảnh 2.

Quốc hội Mỹ ra lệnh cấm xuất khẩu F-22 để đảm bảo các bí mật quân sự và công nghệ.

Theo trang mạng War is Boring, điều mà ông Song đề cập cũng tương tự với lý do mà Quốc hội Mỹ đã đưa ra khi tuyên bố cấm xuất khẩu tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-22 vào giữa những năm 2000.

Trước đó, Nhật Bản được cho là đã hỏi mua F-22. Tuy nhiên, đôi lúc, Tokyo trở thành người bạn không thật sự đáng tin cậy của Mỹ trong các vấn đề liên quan tới bí mật công nghệ. Chẳng hạn như vào năm 2007, giới chức Nhật Bản đã bắt giữ một sĩ quan hải quân nước này đang tìm cách bán cho Trung Quốc thông tin về hệ thống Aegis do Mỹ phát triển.

Điều khôi hài trong lệnh cấm bán J-20 của Trung Quốc ở chỗ, rất nhiều nhà phân tích nghi ngờ rằng, để thiết kế J-20, các kỹ sư của Bắc Kinh đã dựa một phần vào dữ liệu mà hacker Trung Quốc ăn cắp từ chương trình tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.

Ông Song cho biết quyết định cấm xuất khẩu J-20 của Trung Quốc có liên quan tới lệnh cấm xuất khẩu F-22 của Mỹ.

"Nếu có một ngày, Mỹ quyết định xuất khẩu F-22, Trung Quốc cũng có thể cân nhắc nới lỏng lệnh cấm" - Ông Song nói.

Có vẻ như ý của ông Song là nếu đồng minh của Mỹ sở hữu F-22, các đồng minh của Trung Quốc cũng cần J-20 để cân bằng lực lượng. Nếu F-22 được phổ biến, bí mật của nó cũng sẽ nhanh chóng lan rộng. Điều này sẽ giúp xóa bỏ nhu cầu phải đặt ra những hạn chế tương tự đối với J-20.

Tuy nhiên theo Song, khả năng này không cao, bởi F-22 đã bị dừng sản xuất gần 3 năm trước và không ai trong Quốc hội, Nhà Trắng hay Lầu Năm Góc có những nỗ lực nghiêm túc để khởi động lại chương trình.

Vì sao Trung Quốc không xuất khẩu tiêm kích tàng hình J-20? - Ảnh 3.

Trung Quốc từng tuyên bố J-31 sẽ trở thành đối thủ nặng ký của F-35 trên thị trường vũ khí thế giới.

Còn có một bằng chứng khác cho thấy Trung Quốc có ý định giữ J-20 cho riêng mình. Đó là một thời gian ngắn sau khi J-20 ra mắt, đối thủ của Tập đoàn Thành Đô là Tập đoàn máy bay Thẩm Dương đã ra mắt nguyên mẫu máy bay tàng hình FC-31 (J-31) với kích cỡ nhỏ hơn.

Không giống như chương trình J-20 được chính phủ Trung Quốc đầu tư, FC-31 là một dự án tư nhân mà Tập đoàn Thẩm Dương dự định xuất khẩu và nước ngoài.

FC-31 mang lại cho Bắc Kinh cơ hội để cạnh tranh trong thị trường máy bay chiến đấu tàng hình đang mang lại nhiều lợi nhuận trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại