Hai nguyên nhân dẫn đến ung thư Việt Nam nhiều nhất thế giới

Hoàng Đan |

Theo kết quả khảo sát năm 2011, tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày tại Việt Nam cao gấp 5 lần so với Lào, Philipines, Thái Lan và các nước trong khu vực

Báo cáo của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam mới đưa ra gần đây cho thấy, mỗi năm, số bệnh nhân mới mắc ung thư ở Việt Nam là 150.000 người, trong đó có 75.000 người tử vong, con số này có xu hướng tăng trong những năm tiếp theo.

Số thống kê tại Bệnh viện K: 5 năm trước, mỗi ngày phòng khám bệnh viện tiếp nhận khoảng 700-800 bệnh nhân thì nay con số tăng vọt lên hơn 1.000 bệnh nhân. Như vậy, số lượng bệnh nhân ung thư vào bệnh viện mỗi năm tăng 10-20%.

Với ung thư vú thì Hà Nội và TP.HCM có tỷ lệ người mắc bệnh cao nhất với tỷ lệ 30/100.000 người tại Hà Nội và 20/100.000 người tại TP.HCM .

Ung thư vú hiện đang trở thành loại bệnh thường gặp nhất ở nữ giới và được dự báo có xu hướng tiếp tục tăng. 

Hiện tại, cả nước có từ 240.000 – 250.000 người mắc bệnh ung thư. Trong đó, chủ yếu là ung thư phổi, dạ dày, đại tràng, ung thư gan, ung thư vú và cổ tử cung.

Cũng theo kết quả khảo sát năm 2011, tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày tại Việt Nam cao gấp 5 lần so với Lào, Philipines, Thái Lan và các nước trong khu vực. 

Các bệnh nhân điều trị ung thư tại BV K.

Các bệnh nhân điều trị ung thư tại BV K.

Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở Việt Nam, “dẫn đầu” là 15 loại bệnh ung thư thường gặp gồm ung thư phổi, vú, đại trực tràng, dạ dày, gan, tiền liệt tuyến, thực quản, tử cung…

"Tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở TP Hồ Chí Minh cao gấp 6 lần Hà Nội. Nhưng ung thư vú ở Hà Nội lại cao gấp rưỡi TP Hồ Chí Minh.

Nam giới ở TP Hồ Chí Minh mắc ung thư gan nhiều, nam giới ở Hà Nội mắc ung thư phổi nhiều hơn hẳn. Đây cũng là hai thành phố có số bệnh nhân ung thư thuộc hàng cao nhất toàn quốc.

Theo thống kê, cứ 10 phụ nữ Việt thí có 1 người mắc ung thư vú. Phần lớn người bệnh khi đến viện đã ở giai đoạn khó chữa trị, tỷ lệ tử vong khoảng 40 - 50%. Ung thư vú là bệnh được ngành y tế nhận định có tỷ lệ tử vong cao sau ung thư phổi, dạ dày và gan", ông Khoa nói.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo bệnh viện K cho biết, có những thời điểm, bệnh viện đã phải phục vụ số lượng bệnh nhân lên tới gần 300% so với năng lực hiện có của đơn vị.

"Thực tế đó dẫn đến tình trạng quá tải là điều không thể tránh khỏi", vị lãnh đạo này cho hay.

Nguyên nhân từ chính thực phẩm ăn hàng ngày

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư cho rằng, nguyên nhân gây bệnh thì có nhiều, song chủ yếu là do nguồn nước ô nhiễm và nguồn thực phẩm có chứa chất bảo quản độc hại.

Theo các chuyên gia, ung thư chính là những tế bào bị đột biến, có khả năng sinh sôi nảy nở một cách vô độ những dòng tế bào không tuân theo quy luật, sự kiểm soát của cơ thể, đồng thời còn tạo ra những khối u ác tính.

Nguyên nhân khiến cho tế bào đột biến, 80% là do môi trường bên ngoài tác động vào, tự đột biến thì rất thấp, chỉ chiếm 10%.

Còn theo ông Hà Văn Tiêu, Phó Chủ tịch Hội Đông Y Hà Nội thì sự “tấn công” từ bên ngoài tới nhân tế bào, nguy hiểm nhất chính là thực phẩm và môi trường sống như nguồn nước, không khí…

"Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm, cụ thể bị nhiễm hóa chất có thể gây ngộ độc lập tức nhưng nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể, đến một lúc nào đó, đủ lượng sẽ gây đột biến tế bào.

Nếu đột biến nhẹ, tế bào có thể tự điều chỉnh. Nhưng bị đi bị lại nhiều lần, tế bào sẽ mất khả năng điều chỉnh trở thành tế bào đột biến ác tính", lương y Hà Văn Tiêu, Phó chủ tịch Hội Đông Y Hà Nội nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo các bác sỹ Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), cách chế biến hay thói quen trong sinh hoạt ăn uống cũng vô tình tạo ra chất gây ung thư như nướng, rán cháy thực phẩm, muối, ủ thực phẩm lên men, ăn nhiều mỡ, thịt động vật…

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, để có thể ngăn ngừa sự xâm lấn, chúng ta không tiếp xúc hoặc giảm tối đa những yếu tố tiếp xúc với các tác nhân có nguy cơ cao dẫn đến ung thư như: không hút thuốc lá, rượu bia quá nhiều và cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Trong bữa ăn cần tăng cường hoa quả, rau xanh, giảm và điều chỉnh lượng đạm phù hợp cũng như hạn chế tối đa sử dụng mỡ động vật và thay vào đó là các loại dầu thực vật có lợi cho sức khoẻ.

Ngoài ra, có thể tiêm vắc xin phòng viêm gan B để phòng ung thư gan, vắc xin chống nhiễm HPV phòng ung thư cổ tử cung...

Đặc biệt, lối sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng; dừng ở hai con vì sinh đẻ nhiều sẽ gây nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung đồng thời phải có chế độ luyện tập thể dục thể thao hợp lý, khoa học sẽ là những giải pháp ngăn ngừa rất hữu hiệu...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại