Israel "đi đêm" buôn bán vũ khí với Trung Quốc như thế nào?

Minh Đức |

(Soha.vn) - Lượng xuất khẩu các thiết bị quân sự của Israel cho Trung Quốc chỉ xếp thứ hai sau Nga và đang có xu hướng tăng rõ rệt.

Tờ VPK của Nga đăng bài viết bình luận về quá trình hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Trung Quốc-Israel, bài viết đã cho thấy một đáp án về sự lớn mạnh không ngừng của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc thời gian qua. Dưới đây là nội dung bài viết:

Giúp Bắc Kinh chế tạo máy bay chiến đấu đa nhiệm, máy bay không người lái, tên lửa hành trình..., Israel đang ngày càng thân thiết hơn với Trung Quốc bất chấp áp lực từ Mỹ.

Trong những năm gần đây, Israel đã trở thành một trong những nhà cung cấp chính các loại vũ khí tinh vi cho Trung Quốc. Theo các chuyên gia, lượng xuất khẩu các thiết bị quân sự của Israel cho Trung Quốc chỉ xếp thứ hai sau Nga và đang có xu hướng tăng rõ rệt.

Hợp tác bí mật

Ngày 05/01/2007, Bắc Kinh chính thức công bố thông tin về sự phát triển của tiêm kích Chengdu J-10 Vigorous Dragon. Các chuyên gia quân sự cho rằng có mối liên hệ mật thiết giữa nó và dự án tiêm kích Lavi bị hủy bỏ của Israel. Sự phát triển của J-10 là kết quả của một sự hợp tác quân sự giữa Trung Quốc-Israel trong những năm 80 của thế kỷ 20.

J-10 khó lòng cất cánh lên bầu trời nếu không có bàn tay hậu thuẫn của Israel từ dự án tiêm kích Lavi.
J-10 khó lòng cất cánh lên bầu trời nếu không có bàn tay hậu thuẫn của Israel từ dự án tiêm kích Lavi.

Trong năm 1984, đã xuất hiện những báo cáo đầu tiên về việc Israel tiến hành hiện đại hóa các xe bọc thép do Liên Xô sản xuất đang phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Theo phân tích của chuyên gia Andrei Chang tạp chí Kanwa, vào năm 1986, một nhóm chuyên gia về công nghệ hàng không Israel đã tới Thành Đô - trung tâm ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc.

Nhóm chuyên gia Israel ở lại thành phố này trong một thời gian khá dài với rất nhiều điều bí ẩn về hoạt động của họ. Sự xuất hiện của các kỹ sư hàng không Trung Quốc chỉ thực sự được hiểu rõ trong những năm gần đây.

Trong những năm 1980, Israel đã khởi động dự án phát triển máy bay tiêm kích Lavi. Các nhà thiết kế Israel đã đặt mục tiêu phát triển một máy bay có tính năng vượt trội so với tiêm kích F-16A/B của Mỹ và thực tế họ đã đạt được điều đó. Nhận thấy mối đe dọa từ dự án mới của Israel, Washington đã gây áp lực buộc họ phải từ bỏ dự án Lavi vào năm 1987.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của các nhà thiết kế máy bay Israel khỏi nước này đã không được chú ý một cách đầy đủ. Có lẽ giữa Trung Quốc-Israel đã đạt được một thỏa thuận bí mật, theo đó Israel sẽ bán cho Trung Quốc một phần tài liệu hướng dẫn phát triển máy bay trong dự án Lavi. Sự xuất hiện của các kỹ sư Israel nhiều là để giúp Trung Quốc phát triển J-10.

Ngoài việc giúp Trung Quốc phát triển thiết kế khí động học, các chuyên gia Israel còn hỗ trợ thiết kế hệ thống điện tử, hệ thống điều khiển và radar. Radar được lắp đặt trên J-10 thực tế là radar EL/M-2021 cùng hệ thống điều khiển hỏa lực của Israel.

Để nhận được sự giúp đỡ từ Israel, ngoài vấn đề chi phí Trung Quốc cũng phải ký cam kết 3 điểm với Israel. Theo đó, đầu tiên Trung Quốc không được phép bán máy bay này cho kẻ thù tiềm năng của Israel. Thứ hai tạo mọi cơ hội cho Israel tham gia vào các dự án phát triển quân sự của Trung Quốc. Thứ ba, cả hai nước trở thành đối tác đầy đủ trong việc bán tiêm kích này cho một nước thứ 3.

Thỏa thuận đó đến nay vẫn là cơ sở chính trong hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước. Trung Quốc từng tuyên bố rằng, Trung Quốc luôn nhất quán trong việc hợp tác kỹ thuật quân sự với Israel và nó không được áp dụng cho nước khác.

Bất chấp sự phản đối của Mỹ

Trong những năm 1990, lần đầu tiên mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc-Israel được công bố. Ngày 22/01/1992 hai nước đi đến thỏa thuận thành lập quan hệ ngoại giao đầy đủ. Kể từ đó, mối quan hệ đôi bên không ngừng phát triển, Israel được xem là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về các công nghệ cao trong quân sự.

Nếu không có áp lực từ Washington, loại máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không hàng đầu thế giới Phalcon đã có mặt trong biên chế PLAAF.
Nếu không có áp lực từ Washington, loại máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không hàng đầu thế giới Phalcon đã có mặt trong biên chế PLAAF.

Công nghệ Israel là mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc trong các dự án của mình, theo thời gian Trung Quốc có thể cạnh tranh ngay cả với Mỹ. Đến nay, đã có khoảng 1.000 công ty của Israel tham gia vào các dự án khác nhau ở Trung Quốc.

Trong báo cáo của Quốc hội Mỹ về quan hệ Mỹ-Trung, Israel được xem là nhà cung cấp chính các công nghệ tinh vi như thiết bị cho hệ thống đánh chặn và điều khiển hỏa lực cho Hải quân Trung Quốc. Ngoài ra, Israel còn cung cấp công nghệ để Trung Quốc phát triển tên lửa hành trình chống hạm YJ-12A, YJ-62, YJ-92 (một biến thể của YJ-91), công nghệ trong các hệ thống radar, thiết bị quang học, thiết bị viễn thông, hệ thống mô phỏng bay, xe tăng, hệ thống quan sát ảnh nhiệt.

Không quân Trung Quốc cũng được trang bị các tên lửa Python-3, UAV cảm tử Harpy do Israel sản xuất. Israel cũng hỗ trợ Trung Quốc trong dự án phát triển hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9. Mối quan hệ kỹ thuật quân sự giữa Trung Quốc-Israel luôn nằm trong tầm ngắm của Washington.

Vào năm 2000, Washington đã gây sức ép để Israel hủy bỏ thương vụ bán máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không Phalcon cho Trung Quốc. Theo các nguồn tin, Israel đã bồi thường cho Trung Quốc 300 triệu USD từ thương vụ này. Tuy vậy, bất chấp các áp lực từ Washington, Israel vẫn lén lút “đi đêm” với Trung Quốc.

Lĩnh hội nghệ thuật quân sự Israel

Không chỉ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, trong những năm gần đây, Trung Quốc-Israel còn tăng cường hợp tác chung giữa quân đội hai nước. Trung Quốc đang nghiên cứu một cách nghiêm túc kinh nghiệm chiến đấu của quân đội Israel.

PLAAF đang cố gắng học theo Không quân Israel từ chiến thuật cho đến vũ khí sử dụng. Trong ảnh chiếc J-11 với tên lửa Python-3 của Israel dưới cánh.
PLAAF đang cố gắng học theo Không quân Israel từ chiến thuật cho đến vũ khí sử dụng. Trong ảnh chiếc J-11 với tên lửa Python-3 của Israel dưới cánh.

Giáo sư Dai Xu tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc từng nói: “Trung Quốc nên học hỏi từ tình hình Israel để đối phó với những nỗ lực của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản khi họ đã đi xa hơn các giới hạn được thiết lập”. Tướng Liu Yaadzhou, người đứng đầu Học viện Quốc phòng Trung Quốc đã dẫn đầu một phái đoàn quân sự cấp cao Trung Quốc đến thăm Israel.

Khi nói về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác với Không quân Israel, ông đã nói: “Nếu chúng ta coi không quân là thanh kiếm của quốc gia thì Israel chính là kiếm sĩ vượt trội và tuyệt vời nhất”

Hai nước cũng đã trao đổi nhiều đoàn cán bộ tham mưu ở các cấp độ khác nhau. Bắc Kinh có kế hoạch sử dụng kinh nghiệm của Israel trong cuộc chiến chống khủng bố để áp dụng cho các vấn đề tại khu vực Tân Cương. Israel đã bí mật đào tạo về chống khủng bố cho 53 sĩ quan và cảnh sát Trung Quốc.

Họ được đào tạo tại cơ sở Beit Horon phía Bắc biên giới Israel, tuy nhiên, cảnh sát Israel đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Trung Quốc tung MV khoe sức mạnh tàu sân bay Liêu Ninh

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại